Nợ công của Mỹ lên cao kỷ lục, vượt mức 31.000 tỷ USD
Tính đến ngày 3/10, chính phủ Mỹ nợ hơn 31.123 tỷ USD - Đây là một thông tin xấu đối với nền kinh tế đầu tàu thế giới vốn đã mong manh khi đang phải đương đầu với lạm phát phi mã.
Báo cáo công bố ngày 4/10 của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy nợ công của nước này đã vượt 31.000 tỷ USD, gần tiến tới mức trần nợ công 31.400 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ đã thông qua vào cuối năm ngoái nhằm ngăn chặn kịch bản chính phủ vỡ nợ.
Theo bộ trên, tính đến ngày 3/10, chính phủ Mỹ nợ hơn 31.123 tỷ USD. Đây là một thông tin xấu đối với nền kinh tế đầu tàu thế giới vốn đã mong manh khi đang phải đương đầu với lạm phát phi mã, việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và đồng USD tăng giá.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá khoản nợ công nói trên là rất đáng lo ngại mặc dù chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nỗ lực giảm nợ công trong năm nay.
Tổng thống Biden vừa mới ký Đạo luật Giảm lạm phát nhằm kiềm chế giá cả tăng cao kỷ lục trong 40 năm qua.
Nhà kinh tế Owen Zidar thuộc Đại học Princeton nhận định việc tăng lãi suất sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề nợ công gia tăng của Mỹ.
Từ đầu năm đến nay, Fed đã tiến hành vài đợt tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Ông nêu rõ nợ công lớn buộc chính phủ cân nhắc một số chính sách về thuế đã được thông qua như áp thuế cao hơn đối với người giàu và bịt "kẽ hở" liên quan tới lãi suất thực nhưng chưa thực sự hiệu quả và đủ mạnh để giải quyết các khó khăn.
Trong khi đó, Giáo sư kinh tế Sung Won Sohn tại Đại học Loyola Marymount nhận định nền kinh tế Mỹ trải qua 200 năm để ghi nhận lần đầu tiên nợ công lên mức 1.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mỗi quý, nợ công của Mỹ tăng thêm gần 1.000 tỷ USD. Dự báo tỷ lệ lạm phát cao kéo dài trong "một tương lai khó lường," ông cảnh báo chính phủ sẽ phải trả giá đắt cho chính sách tăng chi tiêu và tăng cung tiền mặt.
Đầu năm nay, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ đã công bố báo cáo về nợ công của nước này, trong đó cảnh báo nếu không giải quyết, nợ công sẽ sớm tăng vọt lên những mốc kỷ lục mới, từ đó có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào tình trạng nguy hiểm.
Trong khi đó, trong báo cáo đánh giá ngân sách giữa kỳ công bố vào tháng 8, Nhà Trắng dự báo thâm hụt ngân sách trong năm nay sẽ thấp hơn gần 400 tỷ USD so với dự báo đưa ra trong tháng 3, chủ yếu nhờ nguồn thu từ thuế cao hơn dự báo, chi tiêu giảm và kinh tế Mỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Tháng 8 vừa qua, Văn phòng Quản lý và ngân sách của Chính phủ Mỹ nhận định mức thâm hụt ngân sách trong năm nay của nước này sẽ giảm khoảng 1.700 tỷ USD, mức giảm lớn nhất trong thâm hụt ngân sách liên bang trong lịch sử nước Mỹ./.