Nợ công của Pháp ở mức cao nhất từ năm 1949
Theo Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp (INSEE), nợ công của Pháp lên tới 115,7% GDP và thâm hụt ngân sách ở mức 9,2% trong năm 2020. Đây là mức cao nhất kể từ năm 1949 do tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Theo Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp (INSEE), nợ công của Pháp lên tới 115,7% GDP và thâm hụt ngân sách ở mức 9,2% trong năm 2020. Đây là mức cao nhất kể từ năm 1949 do tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Trong cáo cáo công bố ngày 26-3, INSEE cho biết, nợ công của Pháp đã ở mức 2.650 tỷ euro và thâm hụt ngân sách là 211,5 tỷ euro. Năm 2020, Pháp là một trong những nước EU bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 và phải đưa ra các gói cứu trợ khẩn cấp rất lớn để hỗ trợ nền kinh tế. Thu ngân sách giảm 5% sau khi tăng 1,1% vào năm 2019.
Dù vậy, thâm hụt tài chính công thấp hơn dự báo. Trước đó, Chính phủ Pháp ước tính nợ công và thâm hụt ngân sách ở mức 120% và 11,3%. Năm 2019, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng dịch bệnh, nợ công và thâm hụt ngân sách của Pháp ở mức 97,6% GDP và 3,1%.
Dịch bệnh kéo dài đã dẫn tới tình trạng tăng chi và giảm thu. Nền kinh tế của Pháp bị suy thoái nghiêm trọng ở mức 8,2% trong năm 2020. Trước tình hình như vậy, chính phủ phải đưa ra nhiều gói hỗ trợ kinh tế rất lớn để hạn chế tình trạng phá sản của các doanh nghiệp và cắt giảm việc làm.
Chi tiêu công trong đó có an ninh xã hội đã tăng 5,5%, khoảng 73,6 tỷ euro gồm hơn 27 tỷ euro trợ cấp thất nghiệp tạm thời. Hoạt động kinh tế bị đình trệ nghiêm trọng nên Nhà nước cũng phải hỗ trợ liên tục cùng với việc cắt giảm các khoản đóng góp.
Theo INSEE, thiệt hại của Pháp nặng nề hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, với nợ công ở mức 83% GDP và thâm hụt ngân sách ở mức 7,2%. Năm đó, thu ngân sách giảm 3% và chi ngân sách tăng 4,1%.
Năm 2021, Pháp đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 8,5% GDP và nợ công có thể vẫn ở mức rất cao, 122%. Hiện, Pháp vẫn đang phải ứng phó làn sóng thứ ba của dịch bệnh vì vậy mục tiêu này khó có thể đạt được.
Ông Olivier Dussopt, phụ trách tài chính công, cho biết, Nhà nước sẽ chi thêm 32 tỷ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động. Ông cũng cho rằng, thống kê vừa công bố cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Pháp tích cực hơn so với dự báo trước đó do chính phủ đã kịp thời đưa ra gói phục hồi kinh tế lên tới 100 tỷ euro.
Tình hình dịch bệnh ở Pháp tiếp tục diễn biến phức tạp dù các biện pháp hạn chế liên tục được tăng cường. Ngày 25-3, Pháp ghi nhận tới 45.641 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ tháng 11-2020. Số người nhập viện và ca hồi sức cấp cứu cũng tăng liên tục trong những ngày gần đây, gia tăng sức ép ngày càng lớn đối với các bệnh viện. Vùng thủ đô Ile-de-France là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch thứ ba khi không còn chỗ cho các bệnh nhân nặng.
Ngày 25-3, có thêm ba tỉnh ở Pháp bị áp đặt biện pháp phong tỏa cục bộ, nâng tổng số lên 19 tỉnh trên toàn quốc. Trước tình hình đó, chính phủ đang cân nhắc khả năng đóng cửa trường học vì số ca nhiễm đã tăng rất nhanh trong tuần qua từ 9 lên 15 nghìn trường hợp.
Theo số liệu của Cơ quan Y tế Công cộng Pháp, tỷ lệ nhiễm bệnh ở lứa tuổi 0 đến 9 là 165 trường hợp/100 nghìn dân trong khoảng thời gian từ ngày 14 đến 20-3, cao gấp bốn lần so với mấy tháng đầu năm. Tỷ lệ nhiễm bệnh ở lứa tuổi 10 đến 19 cũng ở mức rất cao, với 375 trường hợp/100 nghìn dân.