Nợ đọng tiền bảo hiểm, tại anh, tại ả…

Vừa qua, vụ việc về nợ tiền bảo hiểm xã hội cả chục năm xảy ra ở UBND xã nọ trong tỉnh khiến dư luận xôn xao bàn tán. Về địa phương, chúng tôi được nghe các cán bộ, công chức ở đây kể tường tận câu chuyện UBND xã không nộp tiền bảo hiểm xã hội cho họ trong cả chục năm qua. Nhiều người, thậm chí là lãnh đạo cấp xã nhưng vẫn không bao giờ nghĩ mình lại là đối tượng nợ tiền bảo hiểm xã hội, trong khi hằng tháng họ và tất cả cán bộ, công chức UBND xã vẫn bị trừ phần trăm tiền lương để đóng bảo hiểm.

Câu chuyện chỉ vỡ lở khi một nữ công chức xã nghỉ thai sản nhưng bị cơ quan bảo hiểm từ chối chi trả các khoản tiền chế độ được hưởng, với lý do chị không đóng bảo hiểm xã hội. Quá bức xúc vì hằng tháng vẫn phải trích lại tiền lương để đóng bảo hiểm nhưng lại bị cơ quan bảo hiểm từ chối chi trả chế độ, chị này hỏi lý do thì mới ngã ngửa rằng cả mười năm nay kế toán cơ quan dù đã trích lại phần trăm tiền lương nhưng không nộp bảo hiểm cho chị. Và không chỉ có một mình chị, cả cơ quan văn phòng UBND xã nơi chị công tác cũng chưa có ai đóng tiền bảo hiểm theo quy định.

Được biết, sau khi sự việc được phát hiện, cơ quan có thẩm quyền vào cuộc kiểm tra thì phát hiện trong gần 10 năm qua, kế toán và lãnh đạo UBND xã qua các thời kỳ đã không làm thủ tục nộp tiền bảo hiểm cho cán bộ, công chức xã mà giữ lại chi tiêu nội bộ.

Khi câu chuyện về việc nợ tiền bảo hiểm của UBND xã nọ được phát hiện với số tiền lên đến vài trăm triệu đồng, nhưng chính những người trong cuộc cũng không lý giải được tại sao sự việc kéo dài cả chục năm mà không ai biết. Đặc biệt hơn, trong những năm đó, rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra các cấp đã về làm việc và cùng với đó đã qua nhiều lần đại hội công đoàn ở cơ quan nhưng một vụ việc lớn như vậy lại không bị phát hiện và xử lý, gây thiệt thòi cho người lao động.

Xung quanh câu chuyện này, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Người thì cho rằng kế toán và lãnh đạo UBND xã thiếu trách nhiệm cố tình làm sai Luật Bảo hiểm xã hội để trục lợi; người thì cho rằng chính những công chức ở xã này thiếu hiểu biết nên không biết bản thân hằng năm không nộp tiền bảo hiểm và tổ chức công đoàn cơ sở ở đây đã bị vô hiệu hóa nên không hề có ý kiến bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Nhưng có ý kiến lại cho rằng trách nhiệm phần lớn thuộc về cơ quan bảo hiểm địa phương đã không thực hiện nhiệm vụ của mình là đôn đốc, nhắc nhở, thậm chí có biện pháp cứng rắn để thu tiền bảo hiểm.

Có thể nói, xảy ra sự việc đáng tiếc nêu trên đều có phần trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, nghĩa là “tại anh, tại ả, tại cả đôi bên”.

Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng về các chế độ bảo hiểm cho cán bộ, công chức, người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội cần kiểm soát chặt chẽ, không để tình trạng cơ quan, đơn vị chiếm dụng tiền bảo hiểm của người lao động; các cơ quan, đơn vị phải thực hiện đúng các quy định về bảo hiểm xã hội, trong đó có việc nộp tiền bảo hiểm của người lao động cho cơ quan bảo hiểm đúng hạn. Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các quyền của người lao động trong thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội để họ hiểu và tự bảo vệ quyền lợi của mình. Đặc biệt, tổ chức công đoàn cần có các biện pháp kịp thời, đủ mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi của đoàn viên công đoàn và người lao động.

Tùng Lâm

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-de-cung-ban-luan/no-dong-tien-bao-hiem-tai-anh-tai-a-z89n20201005151231685.htm