Nợ gần 20.000 tỷ đồng, Đèo Cả kinh doanh lỗ lãi sao?
Báo cáo tài chính quý 1 năm 2024 của CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả vừa công bố cho thấy, vay và nợ thuê tài chính dài hạn của công ty là 19.168 tỷ đồng.
Không ảnh hưởng hoạt động kinh doanh?
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 của Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã CK: HHV), tính đến ngày 31/3/2024, vay và nợ thuê tài chính dài hạn của công ty là 19.168 tỷ đồng.
Theo Đèo Cả, dư nợ vay dài hạn phần lớn là các khoản đầu tư cho 3 dự án BOT: Chuỗi hầm Đèo Cả - Cù Mông - Cổ Mã - Hải Vân; Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia; với tỷ suất lợi nhuận các khoản đầu tư được Nhà nước đảm bảo ở mức 11 - 11,5%/năm.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả khẳng định: Các khoản vay, lãi vay thực hiện các dự án BOT của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Đèo Cả - HHV đều được trả đúng hạn, không ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động kinh doanh của 2 đơn vị (Tập đoàn Đèo Cả và công ty con Giao thông Đèo Cả)
Theo ông Hùng, tính đến đầu tháng 5/2024, Giao thông Đèo Cả đã tham gia đầu tư các dự án hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, như: chuỗi hầm Đèo Cả - Cổ Mã - Cù Mông - Hải Vân 2: cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo; hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia… Các công trình nói trên đều đảm báo tiến độ, chất lượng và tổng mức đầu tư.
Đặc thù các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT đều có cơ cấu vốn tham gia dự án bao gồm vốn ngân sách Nhà nước, vốn chủ sở hữu và phần vốn huy động do nhà đầu tư huy động.
Các dự án hạ tầng giao thông do Giao thông Đèo Cả đầu tư được triển khai qua hình thức hợp đồng BOT trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực (1/1/2021), gần như không có sự tham gia của vốn nhà nước, phần vốn chủ sở hữu nhà đầu tư theo quy định từ 10 - 15% tổng mức đầu tư, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động khác.
Theo ông Hùng, trước khi Ngân hàng quyết định cấp tín dụng đều được thẩm định về pháp lý, tính khả thi, khả năng trả nợ và hiệu quả dự án. Tài sản đảm bảo cho các khoản vay là quyền thu phí. Các dự án đều đã đưa vào khai thác, tạo ra nguồn thu ổn định và tăng trưởng đều hàng năm.
Lãnh đạo Đèo Cả cũng khẳng định các thông tin về việc Giao thông Đèo Cả đối diện nguy cơ vỡ nợ, phá sản, khả năng trả nợ yếu, mất khả năng thanh toán… là chưa khách quan.
"Doanh thu thu phí năm 2023 đạt gần 1.600 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Nguồn tiền, dòng tiền ổn định, lịch trả nợ đã được sắp xếp phù hợp với vòng thời gian thu phí hoàn vốn của dự án. Do đó, các khoản vay, lãi vay đều được trả đầy đủ, đúng hạn và không ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lợi ích của cổ đông", ông Hùng cho biết.
Doanh thu Quý I/2024 tăng 28%
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 vừa được công bố, doanh thu thuần của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả đã tăng tới 28% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 690 tỷ đồng.
Mmảng thu phí giao thông BOT đóng góp 477 tỷ đồng và mảng xây lắp đóng góp 196 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 23% và 43% so với quý 1/2023. Doanh thu xây lắp quý 1/2024 tăng trưởng mạnh chủ yếu đến từ các gói thầu thành phần Dự án Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Dự án Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Giao thông Đèo Cả ghi nhận 96 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2024, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến 31/3/2024, tổng tài sản của Giao thông Đèo Cả tăng nhẹ 2% so với thời điểm đầu năm, đạt 37.660 tỷ đồng. Mức tăng này chủ yếu nhờ lượng tiền mặt của Giao thông Đèo Cả đã tăng 122% so với đầu năm, đạt 658 tỷ đồng. Tiền mặt tại công ty hơn 2,5 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng 67 tỷ đồng, tiền đang chuyển 663 triệu đồng, các khoản tương đương tiền còn 226 tỷ đồng.
Hàng tồn kho cũng tăng 47%, đạt 113 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang liên quan đến chi phí các công trình xây lắp chưa hoàn thành.
Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, dư nợ phải trả của Giao thông Đèo Cả đã giảm 1% so với đầu năm, còn 27.834 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu 9.826 tỷ đồng.
Mới đây ngày 26/04/2024, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Công ty không đủ điều kiện tiến hành theo quy định, do tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của cổ đông tham dự họp đại diện thấp hơn 51% tổng số cổ phần biểu quyết của Công ty, theo danh sách cổ đông chốt ngày 21/03/2024.
Đồng thời, Giao thông Đèo Cả thông báo mời tham dự họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 lần 2 vào ngày 31/05/2024, theo hình thức trực tuyến.