'Nở hoa' sau những thăng trầm

ĐBP - Thay vì được nghe chuyện khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 thì về 'Mường Khoe' những ngày này chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc hăng say khi nhà nhà, người người nói về cây cà phê với tinh thần phấn khởi và càng tin tưởng vào đường hướng sáng suốt giữ bằng được vùng lõi cà phê của cấp ủy, chính quyền huyện Mường Ảng. 'Trái ngọt' cho quyết định đúng đắn ấy là không chỉ người trồng cà phê sau bao thăng trầm đã có ngày 'nở hoa' mà vùng cà phê phố núi còn tạo việc làm không những cho lao động địa phương mà cả những vùng lân cận.

Nông dân xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) thu hái cà phê.

Dù đã xế chiều song thấp thoáng trong những vườn cà phê vùng lõi Ẳng Nưa của Mường Ảng - nơi còn giữ được diện tích cà phê nhiều nhất (hơn 800ha) tiếng nói cười rôm rả của người thu hái vọng ra. Hỏi ra mới biết chị Lò Thị Dương cùng nhóm dăm bảy chị em đều người bản Cang đang nhanh tay thu hái, vận chuyển thành quả về nơi tập kết. Chị Dương bảo, giờ này vào bản vắng tanh, chỉ còn người già ở nhà chứ con trẻ đi học, người lớn lên vườn cà phê cả rồi! Kể từ khi vào vụ thu hái cá phê, chúng tôi đều đi hái thuê từ sáng tới chiều, tranh thủ những ngày nắng ráo, cà phê chín rộ để tăng năng suất hái có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, đóng học cho con cái đầu năm. Để thuận tiện và hỗ trợ nhau trong quá trình thu hái, vận chuyển; chị em trong bản nhận hái cà phê cho từng chủ vườn, hái vườn nào xong đợt đó rồi mới chuyển vườn tiếp; giá thu hái được trả từ 2.200 - 2.500 đồng/kg quả tươi. Người chăm chỉ, hái nhanh mỗi ngày được 70 - 80 kg quả tươi; người vặt chậm cũng chừng 50 - 60kg. Như vậy số tiền công được trả khoảng 110.000 - 170.000 đồng/người/ngày và được thanh toán ngay sau khi chủ vườn cân đong, tính toán sau mỗi buổi hái.

Không chỉ người lao động vùng trồng cà phê có việc làm mà nhiều lao động của vùng lân cận từ Điện Biên tới hay từ vùng cao Tủa Chùa cũng kéo về Mường Ảng hái cà phê thuê, tăng thu nhập. Anh Lý A Do cùng hàng chục người dân xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa) đã có mặt tại Mường Ảng hái thuê cà phê từ đầu vụ. Anh Do cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thanh niên, lao động trong bản, trong xã không đi ra tỉnh ngoài làm việc như trước được nên đổ về Mường Ảng hái cà phê thuê rất nhiều. Tiện trong sinh hoạt và làm việc, mọi người theo tốp dăm ba người rủ nhau cùng hái cho 1 chủ vườn và được chủ nhà tạo điều kiện nơi ở, tiết kiệm chi phí sinh hoạt nên cũng thêm được vài ba triệu gửi về cho gia đình. Tranh thủ mùa thu hoạch cà phê vào vụ, chín rộ tháng nay anh Do chưa về nhà mà tập trung thu hái cố kiếm thêm chút tích lũy phòng rủi ro, khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh khó kiếm việc làm, lại không phải đi xa thì vùng cà phê Mường Ảng vào vụ thu hoạch với diện tích gần 3.000ha đã và đang tạo việc làm cho hàng nghìn lao động mỗi ngày. Và sau gần chục năm thăng trầm được mùa mất giá, mất mùa thua giá thì cà phê Mường Ảng không những được doanh nghiệp cam kết bao tiêu mà còn trúng đậm khi giá thu mua trên thị trường vẫn đang tăng từng ngày.

Gia đình chị Tống Thị Yến, tổ dân phố 6, thị trấn Mường Ảng - chủ vườn cà phê trồng tại xã Quài Nưa hiện mỗi ngày cần tới vài chục nhân công thu hái. Cuối ngày sau khi tập kết sản phẩm tại vườn, cân đo tính toán, trả tiền công thuê hái chỉ việc đợi tư thương tới cân hàng mà không cần phải vận chuyển tới các điểm thu mua của các đại lý. Chị Yến cho biết, từ đầu vụ tới giờ gia đình đã thu hoạch, bán được hơn 5 tấn quả tươi. Giá bán cập nhật theo ngày, thậm chí biến động theo giờ. Giá cao nhất chị Yến đã bán được tại vườn là 13.300kg/kg và thấp nhất 12.500 đồng/kg. Chị Yến bảo chỉ sợ không có hàng thôi, chứ có bao nhiêu Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cà phê Việt Bắc cũng đều thu mua hết. Ngoài doanh nghiệp này trên địa bàn huyện còn hàng chục đại lý thu mua cà phê và từ khi thực hiện nới lỏng giãn cách, tư thương từ tỉnh Sơn La lên mua với số lượng lớn, không sợ bị ép giá.

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, người dân Mường Ảng phơi cà phê.

Đồng hành với người trồng cà phê, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Ảng đã chủ động, tích cực tìm các giải pháp thúc đẩy bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhất là giai đoạn giá cà phê sụt giảm, nhiều hộ muốn phá bỏ cà phê để chuyển sang các cây trồng khác. Với vùng nguyên liệu cà phê lớn, ảnh hưởng tới đời sống dân sinh của cả nghìn hộ; huyện Mường Ảng đã tạo điều kiện thuận lợi nhất: bàn giao mặt bằng sạch, ưu đãi về thuê đất… theo đúng quy định của pháp luật để Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cà phê Việt Bắc đầu tư xây dựng nhà máy chế biến và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Và với sự vào cuộc quyết liệt, đồng hành của cấp ủy, chính quyền; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cà phê Việt Bắc đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá thấp nhất là 10.000 đồng/kg quả tươi (đảm bảo theo tiêu chuẩn); trường hợp thị trường thu mua cao hơn thì doanh nghiệp sẽ thu mua theo giá thị trường. Và hiện được doanh nghiệp có tiếng về lĩnh vực kinh doanh cà phê bao tiêu sản phẩm, là “cái gậy” để người trồng cà phê yên tâm chăm sóc, bảo vệ vườn cà phê hiện có song huyện Mường Ảng cũng “mở cửa” đón các doanh nghiệp khác tới thu mua sản phẩm cho bà con.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, cho biết: Quan điểm của huyện là tạo điều kiện thuận lợi nhất theo đúng quy định của pháp luật để Nhà máy chế biến cà phê của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cà phê Việt Bắc đi vào hoạt động kịp thời vụ, nhưng thu mua phải theo giá thị trường. Huyện còn mở cửa cho các doanh nghiệp, tư thương ở Sơn La vào thu mua để đảm bảo giá công bằng cho người dân, cạnh tranh lành mạnh chứ không có chuyện được ưu ái được kiểu độc quyền, một mình một giá. Chính vì vậy giá bán cà phê có sự điều chỉnh tăng từ 11.000 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg và có thời điểm doanh nghiệp thu mua tới hơn 13.000/kg. Tuy nhiên, theo phân tích của ông Hiệp, doanh nghiệp trên địa bàn có nhiều lợi thế bởi thu mua rồi chế biến ngay tại chỗ, không mất chi phí vận chuyển và lượng thu mua trong dân đều hơn, chủ động hơn, tạo sự bền vững, tin tưởng của người dân. Không chỉ sát sao định hướng, tìm “đầu ra” cho sản phẩm; huyện Mường Ảng đã và đang tích cực phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) xây dựng thương hiệu; nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cà phê Mường Ảng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy tổ chức sản xuất liên kết, mở rộng thương mại. Thông tin từ ông Hiệp, tại buổi làm việc mới đây với huyện, Cục Sở hữu trí tuệ đã nhất trí hỗ trợ về chuyên môn, hỗ trợ huyện Mường Ảng, Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất nội dung triển khai xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cà phê của huyện Mường Ảng vào danh mục nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021 - 2025. “Danh thơm” cà phê sẽ càng bay cao, xa hơn khi được sản phẩm cà phê Mường Ảng bảo hộ chỉ dẫn địa lý và niềm vui được giá, được mùa và được cả bao tiêu sẽ thêm trọn vẹn.

Huyện Mường Ảng trồng 2.939ha cà phê. “Vùng lõi” cà phê có năng suất, chất lượng cao tập trung tại các xã: Ảng Nưa, Ẳng Tở, Ẳng Cang, thị trấn Mường Ảng. Sản lượng cà phê trấu ước đạt 2.500 tấn/năm. Năng suất trung bình đạt 4,5 tấn quả tươi/ha (năng suất cà phê trấu đạt 9 tạ/ha).

Bài, ảnh: Minh Thùy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/191472/%E2%80%9Cno-hoa%E2%80%9D-sau-nhung-thang-tram