Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học

Nhận thức rõ vai trò của đa dạng sinh học đối với bảo vệ môi trường sinh thái, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa tận gốc các hoạt động săn bắt, buôn bán, vận chuyển và sử dụng động vật hoang dã trái phép, gắn với nỗ lực bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học.

Lực lượng kiểm lâm thả động vật hoang dã (cá thể trăn) về môi trường tự nhiên - Ảnh: L.A

Lực lượng kiểm lâm thả động vật hoang dã (cá thể trăn) về môi trường tự nhiên - Ảnh: L.A

Với diện tích rừng trên 248.189 ha, Quảng Trị là một trong những vùng được đánh giá có tính đa dạng sinh học cao. Hệ động thực vật phong phú với trên 2.600 loài, trong đó có nhiều loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm gà lôi lam mào trắng, sao la, bò tót, mang lớn, thỏ vằn, gấu ngựa, voọc Hà Tĩnh, voọc chá vá chân nâu; đỉnh tùng, lan hài, trầm hương...

Tuy nhiên, Quảng Trị cũng đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học, nhiều loài động, thực vật hoang dã, quý hiếm đang trong tình trạng nguy cấp và giảm đáng kể về số lượng. Một trong những nguyên nhân chính là do lợi nhuận thu được từ việc săn bắn, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã mang lại.

Đứng trước tình hình đó, để đấu tranh phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ động vật hoang dã, nhất là các loại động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân không săn bắt, tiêu thụ, vận chuyển và buôn bán trái phép động vật hoang dã; ký cam kết với các nhà hàng, quán ăn không tiêu thụ động vật hoang dã.

Đối với các cơ sở nuôi thì yêu cầu phải có đăng ký giấy phép theo đúng quy định. Đối với các chủ rừng là các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng yêu cầu nâng cao vai trò trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng được giao; triển khai thực hiện tốt phương án quản lý rừng bền vững; tăng cường công tác điều tra cơ bản về đa dạng sinh học để nắm rõ và xây dựng các kế hoạch bảo tồn; hệ thống hóa và chuẩn hóa hoạt động tuần tra và giám sát đa dạng sinh học, diễn biến tài nguyên rừng. Phát hiện, xử lý kịp thời, đúng quy định và nghiêm minh đối với các vụ việc vi phạm nhằm nâng cao tính giáo dục, răn đe đối tượng phạm pháp.

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 3 Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) gồm: Khu BTTN Đakrông, Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, Khu BTTN biển đảo Cồn Cỏ; 2 khu rừng bảo vệ cảnh quan gồm: Khu bảo vệ cảnh quan đường Hồ Chí Minh huyền thoại và Khu bảo vệ cảnh quan Rú Lịnh; 1 Hành lang đa dạng sinh học kết nối Khu BTTN Đakrông và Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, nhằm duy trì và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học nói chung và bảo vệ các loài động, thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm nói riêng.

Trên địa bàn tỉnh có 42 cơ sở nuôi động vật hoang dã với 14 loài/4.595 cá thể, trong đó 25 cơ sở nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm với 8 loài/1.593 cá thể; 17 cơ sở nuôi động vật hoang dã thông thường với 6 loài/3.002 cá thể. Từ đầu năm đến nay đã cấp mã số cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cho 3 cơ sở; ban hành 2 quyết định về hủy bỏ quyết định cấp mã số của 2 cơ sở.

Các đơn vị trực thuộc chi cục đã hoàn thành hồ sơ thả về môi trường tự nhiên 4 cá thể động vật rừng, với tổng trọng lượng 42,5 kg. Tiếp nhận, tiến hành bàn giao 1 cá thể Tê tê có trọng lượng 0,12 kg cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật - Vườn quốc gia Cúc Phương.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Dự án VFBC tỉnh phối hợp với Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đang triển khai các hoạt động đồng bộ từ phát triển sinh kế, tăng cường năng lực về quản lý, giám sát đa dạng sinh học, áp dụng công nghệ trong công tác tuần tra và bảo vệ rừng cũng như tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo tồn tại thực địa, thành lập các đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng; đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, phụ trách Chi cục Kiểm lâm Phan Văn Phước khẳng định, với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã, đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, tháo gỡ, tịch thu, tiêu hủy các dụng cụ dùng để săn, bẫy bắt các loài động vật hoang dã trái phép... nên động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh được quản lý, bảo vệ tốt hơn. Hoạt động gây nuôi động vật hoang dã được giám sát đúng quy định và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nuôi trong việc gây nuôi phát triển kinh tế.

Đây là những giải pháp thiết thực, cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên hướng đến sự phát triển bền vững nguồn tài nguyên, phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của tỉnh nói riêng và đất nước nói chung.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/no-luc-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-187479.htm