Nỗ lực bảo tồn nhạc cụ dân tộc để giữ hồn văn hóa Việt

Lo ngại trước sự lên ngôi của các loại đàn điện tử lấn át nhạc cụ truyền thống, một số nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà văn hóa miệt mài níu giữ và bảo tồn những 'đặc sản' tinh thần và văn hóa dân tộc.

Các nghệ sĩ trẻ biểu diễn nhạc cụ dân tộc ở Tây Nguyên.

Các nghệ sĩ trẻ biểu diễn nhạc cụ dân tộc ở Tây Nguyên.

Nhạc cụ gắn với văn hóa của mỗi dân tộc

Việt Nam là một quốc gia đa sắc tộc, mỗi một dân tộc đều có phong tục, tập quán riêng, ngôn ngữ tiếng nói riêng, trong đó có nền âm nhạc mang sắc thái riêng, bao gồm kho tàng dân ca, nhạc cụ phong phú, đặc sắc gắn liền với đời sống tinh thần, vật chất và tâm linh của đồng bào.

Đàn đá là một trong những nhạc cụ thuộc bộ gõ cổ xưa nhất tại Việt Nam. Nhạc cụ này đã góp phần làm phong phú thêm nền âm nhạc truyền thống, cũng như đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và tinh thần của một số dân tộc ở nước ta cách đây hàng nghìn năm. Có lẽ nó xuất hiện từ thời đồ đá khi con người vẫn còn sống trọn vẹn nhờ thiên nhiên. Đây là nhạc cụ thô sơ nhất được làm bằng những viên đá với kích thước to nhỏ và độ dày mỏng khác nhau. Khi chơi đàn đá, người chơi dùng gùi gõ vào những viên đá để tạo ra âm vực khác nhau. Những viên đá to, dày mang âm vực trầm lắng, những viên đá nhỏ, mỏng cho âm thanh vang và xa.

Đối với một số dân tộc ở Tây Nguyên, các phiến đá rất linh thiêng và chúng được gìn giữ như một bảo vật của gia đình. Họ chỉ chơi nhạc cụ này trong các buổi lễ lớn, chẳng hạn như lễ cúng thần linh, lễ mừng lúa mới, mừng được mùa… Người M’nông xưa quan niệm, thanh âm của đàn đá là sợi dây linh thiêng, là phương tiện để kết nối giữa con người với trời đất và thần linh, giữa quá khứ với hiện tại và hướng con người đến những điều tốt đẹp trong tương lai.

Nhạc cụ của người Thái Tây Bắc cơ bản gồm bộ hơi: các loại pí – (sáo dọc), khèn bè; bộ dây: đàn tính, nhị và bộ gõ: trống, chiêng, chũm chọe, quả nhạc…; trong đó chủ đạo là bộ gõ và bộ hơi. Bộ gõ này có vai trò rất quan trọng trong đời sống nghệ thuật và tâm linh. Bộ gõ là vật linh thiêng của mỗi bản, không bao giờ được để mất, không để kẻ thù chiếm đoạt, không được đổi chác mua bán.

Nhạc cụ của người Ê Đê còn có: cồng chiêng, trống, sáo, khèn, bro, gôc, kni, đàn, đinh năm, đinh ktuk, T’rưng, Ana Kongan được nhiều người yêu thích. Đặc biệt, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Hiện nay, tại các vùng có cồng chiêng như ở Tây Nguyên, hàng năm có tổ chức Lễ hội Cồng chiêng rất hoành tráng.

Nhạc cụ truyền thống của người H’Mông Tây Bắc bao gồm: khèn, kèn, trống, chiêng, sáo, cây gậy tiền, đàn nhị, khèn môi, kèn lá.

Các nhạc cụ được chế tác tại chỗ, từ bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của chính những người sử dụng. Mỗi nhạc cụ có một công thức tạo tác và được sử dụng vào mục đích khác nhau. Điểm chung của các nhạc cụ truyền thống ở các bản H’Mông là sự kết hợp tổng hòa của các nhạc cụ trong các nghi lễ cổ truyền sẽ tạo ra những âm điệu độc đáo, riêng biệt trong văn hóa của đồng bào H’Mông nơi đây.

Níu giữ “hồn” dân tộc

Xưa nay, nhạc cụ đá, tre, trúc, nứa ngân vang, nói lên những vui buồn, ước mơ, khát vọng của đồng bào dân tộc Việt Nam. Chúng là cầu nối giữa con người với thiên nhiên, giữa dân tộc này với dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc anh em, giữa Việt Nam với các dân tộc khác trên thế giới.

Nhưng hiện nay ở các bản làng, số người biết hát dân ca, chơi nhạc cụ truyền thống và trình diễn các bài múa còn rất ít, phần lớn là những người đã cao tuổi, còn giới trẻ đã không mấy mặn mà với âm nhạc dân tộc. Thậm chí có nơi, người trẻ còn không biết tiếng, không biết hát các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc mình, dẫn đến nguy cơ mai một âm nhạc dân tộc.

Trong công cuộc bảo vệ, gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống và bản sắc Việt, nhạc cụ dân tộc là yếu tố được các nhà nghiên cứu văn hóa quan tâm hàng đầu. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trở nên cấp bách và có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhằm không ngừng nâng cao đời sống về mọi mặt của đồng bào các dân tộc.

Già làng Lý Chiến Sách, dân tộc H’Mông, bản Tổng Kim, xã Vĩnh Yên, Bảo Yên, Lào Cai chia sẻ: “Bảo tồn giá trị các nhạc cụ của dân tộc H’Mông luôn gắn liền với đời sống và những sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng dân tộc”.

Tại các vùng đất phát triển du lịch như Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình), Nghĩa Lộ, Mường Lò, Tú Lệ, Mù Cang Chải (Yên Bái)… việc bảo tồn các nhạc cụ còn gắn với giới thiệu, quảng bá nét độc đáo của các nhạc cụ của dân tộc H’Mông đối với du khách mọi miền.

Các địa phương đã chủ động tổ chức các lễ hội trong năm gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa như lễ hội: Gầu Tào, lễ cúng rừng, lễ hội mùa xuân cùng các nghi lễ như cưới hỏi, tang ma… Đây chính là không gian diễn xướng vô cùng sinh động để phát huy hiệu quả của các nhạc cụ.

Công tác bảo tồn và phát huy các nhạc cụ truyền thống dân tộc H’Mông còn được thực hiện hiệu quả tại các nhà trường ở vùng cao Tây Bắc. Thông qua các mô hình trường học mới như “Trường học gắn với thực tiễn”, “Trường học đa văn hóa”, “Trường học hạnh phúc”, hoạt động giáo dục STEM, trải nghiệm văn hóa truyền thống, các nhà trường đã tổ chức phong phú các hoạt động bảo tồn rất sinh động và thiết thực.

Một số nghệ nhân âm thầm gìn giữ nhạc cụ dân tộc một cách bền bỉ, như nghệ sĩ Lê Thái Sơn sáng lập Câu lạc bộ sáo trúc Hà Tây vào năm 1990.

Nhằm giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế về sự phong phú, đa dạng, độc đáo của nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam; động viên khích lệ đồng bào trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của âm nhạc dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” sẽ diễn ra từ ngày 7 - 11/4 tại Bảo tàng TP Cần Thơ...

Tin rằng với các nỗ lực bảo tồn nhạc cụ truyền thống như vậy, hồn văn hóa Việt sẽ trường tồn và mãi mãi được tôn vinh.

Thùy Dương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/no-luc-bao-ton-nhac-cu-dan-toc-de-giu-hon-van-hoa-viet-post438015.html