Nỗ lực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân
Trải qua 28 năm (1993 - 2021) hình thành và phát triển, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) thành phố Hà Giang đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển KT - XH của thành phố, nâng cao thể chất, trí tuệ và tinh thần của nhân dân.
Bám sát sự chỉ đạo, định hướng của các cấp, đặc biệt là theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW năm 2017 của BCH T.Ư Đảng khóa XII về công tác DS trong tình hình mới, Trung tâm DS - KHHGĐ thành phố đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ, không ngừng cải thiện chất lượng DS. Xác định việc vận động, tuyên truyền được đặt lên hàng đầu, Trung tâm đã tổ chức 15 chiến dịch đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSCKSS) đến những vùng khó khăn thuộc các xã Phương Thiện, Phương Độ, Ngọc Đường và tổ chức trên 5.000 buổi thảo luận nhóm nhỏ, 1.500 buổi nói chuyện chuyên đề, gặp mặt các gia đình với 113.530 lượt người tư vấn, CSSKSS. Các hoạt động truyền thông thường xuyên được đổi mới, đa dạng, phong phú về nội dung lẫn hình thức thể hiện đã làm chuyển biến nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân để hiểu rõ sự cần thiết và lợi ích KHHGĐ.
Từ năm 1993 đến nay, mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ của thành phố ngày càng được đầu tư và củng cố. Cùng với hệ thống y tế nhà nước, trên địa bàn còn có 124 đại lý thuốc, nhà thuốc tư nhân, 97 cơ sở hành nghề tư nhân thực hiện dịch vụ CSSKSS, KHHGĐ. Thành phố đã triển khai 6 biện pháp tránh thai hiện đại cho mỗi cặp vợ chồng; có hơn 10.000 lượt ca được đặt vòng; gần 900 ca triệt sản; 750 lượt người cấy tránh thai. Bên cạnh đó, các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; khám, tầm soát bệnh tật trước sinh, sàng lọc sơ sinh cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, mang thai; cung cấp kiến thức về CSSKSS cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên được thực hiện rộng rãi trong cộng đồng và các trường học.
Nhờ có đội ngũ cán bộ, cộng tác viên DS nhiệt tình, trách nhiệm, rộng khắp từ thành phố đến cơ sở, người dân dễ dàng tiếp cận, quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Tính đến năm 2021, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,27%; tỷ lệ phụ nữ có chồng sử dụng các biện pháp tránh thai đạt 63%; tỷ lệ trẻ sinh ra là con thứ 3 giảm còn 8,2%; tình trạng sinh con thứ 3 và tảo hôn giảm rõ rệt. Để nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các chương trình DS, trung bình mỗi năm, 100% cán bộ chuyên trách xã, phường và cộng tác viên DS thôn, tổ dân phố tham gia tập huấn nghiệp vụ ghi chép, báo cáo, kỹ năng tuyên truyền trực tiếp về mất cân bằng giới tính, tiếp thị, xã hội hóa các dịch vụ KHHGĐ.
Hiện nay, quy mô gia đình có 2 con trong toàn thành phố khá phổ biến; tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh được khống chế; nhiều mô hình sáng tạo, câu lạc bộ hiệu quả về DS-KHHGĐ được duy trì và nhân rộng. Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hoặc sinh con thứ 3 trở lên đã có sự chuyển hướng từ vùng khó khăn sang vùng có điều kiện KT - XH thuận lợi hơn. Đây là thách thức không nhỏ với đối với việc thực hiện công tác DS. Từ thực tế trên, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, chú trọng mục tiêu nâng cao chất lượng DS, duy trì mức sinh thấp hợp lý để tận dụng những lợi thế của thời kỳ “dân số vàng”. Đồng thời, triển khai các chương trình, đề án hướng tới mục tiêu DS và phát triển, đảm bảo từng người dân được khỏe mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - đồng chí Dương Thị Vân, Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ thành phố Hà Giang khẳng định.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202201/no-luc-bao-ve-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan-786166/