Nỗ lực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

BHG - Những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai nhiều giải pháp hoạt động như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho các tầng lớp nhân dân; tăng cường đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra mặt hàng thuốc tân dược trên địa bàn huyện Bắc Quang. Ảnh: CTV

Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra mặt hàng thuốc tân dược trên địa bàn huyện Bắc Quang. Ảnh: CTV

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 15.3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng được tổ chức thường niên nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh cho người dân và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tại tỉnh ta, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện với nhiều giải pháp quyết liệt và sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Để nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, các sở, ngành, huyện, thành phố tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật với hình thức đa dạng như: Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn; phát tờ rơi, tư vấn trực tiếp cho người dân hướng dẫn cách nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả, giúp người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa trước khi mua sắm. Phát động toàn dân tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giúp các cơ quan chức năng kịp thời điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Năm 2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền cho trên 4.200 lượt người, vận động 2.625 cơ sở kinh doanh ký cam kết tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh thương mại, không buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không găm hàng, tăng giá ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Ủy ban MTTQ cũng phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới đoàn viên, hội viên và nhân dân về các chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền tại các phiên chợ vùng sâu, xa, các buổi họp thôn, tổ dân phố. Năm 2021, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tuyên truyền cho trên 25.000 lượt người về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phối hợp tổ chức giám sát thực hiện chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh tại các huyện, thành phố trên địa bàn.

Cùng với đó, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cũng tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho hội viên, tập hợp, phản ánh ý kiến của người tiêu dùng nhằm bảo vệ quyền lợi trong nhiều lĩnh vực; thông tin về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng. Làm tốt vai trò cầu nối giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ người tiêu dùng; bảo vệ uy tín, thương hiệu cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí Vũ Quốc Khánh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Giang cho biết: Là cơ quan thường trực của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, thời gian qua, Cục đã chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Hội nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền lợi, nghĩa vụ của người tiêu dùng; tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người tiêu dùng. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường theo từng tháng, từng quý và từng địa bàn. Chỉ đạo các đội Quản lý thị trường tập trung huy động lực lượng thực hiện theo các chuyên đề, lĩnh vực, mặt hàng cụ thể. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng; không để lưu thông trên thị trường hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Trong năm 2021, toàn ngành đã tiến hành kiểm tra 1.024 cuộc, xử lý 688 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 3 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy nhiều hàng hóa, tang vật vi phạm theo quy định của pháp luật.

Các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thời gian qua cũng đã nâng cao trách nhiệm, tích cực vào cuộc, triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hầu hết các doanh nghiệp đều ký cam kết thực hiện đúng các quy định pháp luật về thông tin, ghi nhãn, bảo đảm an toàn thực phẩm, chỉ dẫn, cung cấp thông tin đúng, đầy đủ, chính xác cho người tiêu dùng. Một số doanh nghiệp còn cam kết sẵn sàng bảo hành và đổi lại hàng, trả lại tiền nếu hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng.

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh từng bước thay đổi thói quen, nhận thức trong mua sắm, tiêu dùng, chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm; góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, giữ ổn định và tạo động lực phát triển KT-XH.

YÊN HOA

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/phap-luat/202203/no-luc-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-9f748da/