Nỗ lực bất thành

Những năm gần đây, cả hải quân và không quân Mỹ đều phải chật vật để bảo đảm khả năng thực thi nhiệm vụ của một số loại máy bay nằm trong biên chế của hai lực lượng này.

Trang mạng Breaking Defense dẫn báo cáo mới đây của Văn phòng Kiểm toán Liên bang (GAO)-một cơ quan giám sát của Quốc hội Mỹ-cho biết, bất chấp nỗ lực của hải quân và không quân Mỹ, khả năng thực thi nhiệm vụ của một số loại máy bay trên thực tế lại không hề khả quan.

“Không quân và hải quân Mỹ đã chi hàng tỷ USD mỗi năm để bảo đảm các máy bay của họ luôn sẵn sàng thực thi nhiệm vụ. Đối với các loại máy bay được lựa chọn trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ đủ khả năng thực thi nhiệm vụ và những vấn đề về bảo dưỡng có liên quan đã trở nên xấu đi kể từ tài khóa 2015”, GAO nêu rõ.

Một máy bay tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay USS Dwight D.Eisenhower của hải quân Mỹ. Ảnh: www.defense.gov

Một máy bay tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay USS Dwight D.Eisenhower của hải quân Mỹ. Ảnh: www.defense.gov

Theo đó, GAO đã nghiên cứu tỷ lệ đủ khả năng thực thi nhiệm vụ đối với 8 loại máy bay khác nhau, gồm: Máy bay ném bom tầm xa đa nhiệm B-1B Lancer, máy bay vận tải chiến lược C-5M Super Galaxy, máy bay tiêm kích F-22 Raptor và máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 Stratotanker của không quân Mỹ; cùng máy bay vận tải C-130T Hercules, máy bay tiếp nhiên liệu KC-130T, máy bay tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet và máy bay trinh sát P-8A Poseidon của hải quân Mỹ.

GAO mô tả, máy bay đủ khả năng thực thi nhiệm vụ là khi “có thể bay và thực hiện ít nhất một nhiệm vụ”. Trong khi đó, máy bay không đủ khả năng thực thi nhiệm vụ là khi “không thể thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào được giao do phải bảo dưỡng hoặc thiếu phụ tùng để sửa chữa”.

Báo cáo của GAO cho thấy tỷ lệ đủ khả năng thực thi nhiệm vụ đối với 8 loại máy bay nói trên đều giảm trong giai đoạn tài khóa 2015-2021. Cụ thể là: B-1B Lancer giảm từ 47,5% xuống 40,7%, C-5M Super Galaxy từ 68,1% xuống 57,5%, F-22 Raptor từ 67% xuống 50,3%, KC-135 Stratotanker từ 75,2% xuống 71,1%, C-130T Hercules từ 43% xuống 32,4%, KC-130T từ 53,2% xuống 36,5%, F/A-18E/F Super Hornet từ 54,9% xuống 51% và P-8A Poseidon từ 73,1% xuống 67,2%.

Như vậy, về tỷ lệ đủ khả năng thực thi nhiệm vụ, máy bay tiêm kích F-22 Raptor của không quân Mỹ và máy bay tiếp nhiên liệu KC-130T của hải quân Mỹ chứng kiến mức giảm nhiều nhất (16,7%). Mức giảm ít nhất là đối với máy bay tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet của hải quân Mỹ (3,9%) và máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 Stratotanker của không quân Mỹ (4,1%).

Đáng chú ý, không quân và hải quân Mỹ lại từng đặt ra mục tiêu cụ thể về tỷ lệ đủ khả năng thực thi nhiệm vụ trong tài khóa 2021 đối với B-1B Lancer (52%), C-5M Super Galaxy (75%), F-22 Raptor (75%), KC-135 Stratotanker (100%), C-130T Hercules (75%), KC-130T (75%), F/A-18E/F Super Hornet (75%) và P-8A Poseidon (80%).

GAO lưu ý rằng, tỷ lệ đủ khả năng thực thi nhiệm vụ đối với các máy bay chiến đấu của Mỹ có xu hướng giảm “không phải là chuyện mới” và “không chỉ cá biệt đối với nghiên cứu này của chúng tôi”.

Đơn cử như hồi tháng 8-2020, GAO từng đánh giá tỷ lệ đủ khả năng thực thi nhiệm vụ đối với 18 loại máy bay của không quân và 12 loại máy bay của hải quân Mỹ đều giảm kể từ tài khóa 2011. Trong đó 6/18 loại máy bay của không quân và 6/12 loại máy bay của hải quân Mỹ “không đạt mục tiêu đủ khả năng thực thi nhiệm vụ được đặt ra của bất kỳ năm nào trong giai đoạn tài khóa 2011-2019”.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cũng có những phát hiện tương tự. Hồi tháng 1-2022, CBO cho biết, tỷ lệ đủ khả năng thực thi nhiệm vụ đối với các máy bay của không quân và hải quân Mỹ đều giảm trong giai đoạn 2001-2019, trong đó mức giảm sâu được ghi nhận ở các máy bay tiêm kích và cường kích của hải quân Mỹ.

Mặc dù không quân và hải quân Mỹ “đã có một số hành động” để ngăn chặn đà suy giảm tỷ lệ đủ khả năng thực thi nhiệm vụ đối với các máy bay nhưng GAO cho biết, không lực lượng nào hoàn thành các đánh giá độc lập đối với từng loại máy bay cụ thể vốn được quy định trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng tài khóa 2017. Không quân và hải quân Mỹ có kế hoạch hoàn tất các đánh giá này lần lượt vào cuối tài khóa 2025 và 2035.

“Nếu không quân và hải quân Mỹ không ưu tiên hoàn thành các đánh giá độc lập theo quy định với khung thời gian sớm hơn, cả hai lực lượng đang bỏ lỡ cơ hội để xác định được những vấn đề về bảo dưỡng và những nguy cơ khác ảnh hưởng tới tỷ lệ đủ khả năng thực thi nhiệm vụ của các máy bay”, trang mạng USNI News dẫn báo cáo của GAO nhấn mạnh.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/no-luc-bat-thanh-698109