Nỗ lực bứt phá trong cải cách thủ tục hành chính

Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đến nay, Quảng Bình có 12 sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh và 2 cơ quan Trung ương đóng tại địa phương đã đưa TTHC vào thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh, với tổng số 1.128 TTHC.

Theo ông Hồ Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm PVHCC tỉnh, với nguyên tắc "lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) làm việc tại trung tâm", thời gian qua, đơn vị đã quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về văn hóa công sở, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trong đó, nhấn mạnh thái độ, tác phong và trách nhiệm của CB, CC, VC trực tiếp giao tiếp với người dân, tổ chức khi thực hiện TTHC tại trung tâm.

Người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Bên cạnh đó, trung tâm bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến; hỗ trợ, hướng dẫn việc tiếp cận DVC lần đầu khi nộp hồ sơ nhằm đẩy mạnh và nâng cao tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến. Trung tâm thực hiện số hóa 100% kết quả TTHC và các loại hồ sơ, giấy tờ cần tái sử dụng. Việc giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị tại trung tâm được theo dõi thường xuyên; đôn đốc, nhắc nhở đối với những hồ sơ giải quyết sắp đến hạn để có kết quả trả cho người dân, doanh nghiệp đúng thời gian quy định…

Bà Trần Thùy Duyên, cán bộ chuyên trách Trung tâm PVHCC tỉnh chia sẻ: "Nhiệm vụ của chúng tôi là hướng dẫn cho công dân các thủ tục ban đầu để thực hiện các TTHC. Ngoài ra, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ công dân có nhu cầu nộp hồ sơ trực tuyến, photo tài liệu miễn phí. Số lượng công dân đến làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp khá đông, nhằm rút ngắn thời gian giao dịch, chúng tôi đã hỗ trợ các công dân việc làm tờ khai; xử lý các tài khoản VNeID bị trục trặc... Nhờ đó, đến nay hầu hết công dân đến giao dịch tại Trung tâm PVHCC tỉnh luôn hài lòng với việc tiếp đón, hỗ trợ".

Công tác cải cách thủ tục hành chính được các sở, ngành trên địa bàn tỉnh chú trọng triển khai.

Công tác cải cách thủ tục hành chính được các sở, ngành trên địa bàn tỉnh chú trọng triển khai.

Nhằm thực hiện tốt Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) tỉnh xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Đơn vị thường xuyên tổ chức rà soát các TTHC còn rườm rà, vướng mắc để kịp thời kiến nghị phương án đơn giản hóa. Các TTHC thường xuyên được cập nhật, công khai minh bạch, rõ ràng.

Phó Trưởng ban BQL KTT tỉnh Nguyễn Quốc Khánh cho biết: "BQL KKT tỉnh chủ yếu làm việc với các nhà đầu tư để kêu gọi những dự án đầu tư vào khu công nghiệp, KKT. Thực hiện chủ trương của tỉnh, chúng tôi luôn đồng hành với nhà đầu tư trong quá trình triển khai hoặc tìm hiểu dự án. Cụ thể, chúng tôi cung cấp đầy đủ thông tin, hỗ trợ về mặt chuyên môn và tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thông tin quy hoạch đất đai, dự án... đều được ban đưa lên trang web, đồng thời cung cấp đầy đủ cho nhà đầu tư khi họ liên hệ. Bên cạnh đó, chúng tôi đã nỗ lực giảm bớt 30% thời gian giải quyết các TTHC nên các TTHC cơ bản được giải quyết đúng hạn và trước hạn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong giao dịch".

Tỉnh Quảng Bình đang dẫn đầu cả nước thực hiện tốt Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp (tính từ đầu năm 2025 đến ngày 2/4/2025).

Tỉnh Quảng Bình đang dẫn đầu cả nước thực hiện tốt Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp (tính từ đầu năm 2025 đến ngày 2/4/2025).

Từ đầu năm 2025 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh ban hành 194 văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp cải cách TTHC. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, quý I/2025, các sở, ban, ngành đã rà soát, đề nghị đơn giản hóa 9 TTHC tại các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh liên quan đến lĩnh vực đầu tư. Vấn đề kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp DVC được tăng cường; nâng cao trách nhiệm giải trình trong quá trình giải quyết TTH.

Những nỗ lực trong công tác cải cách TTHC, tỉnh Quảng Bình đang xếp ở vị trí dẫn đầu cả nước về thực hiện Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp từ đầu năm 2025 đến nay (ngày 2/4/2025), với 85,72/100 điểm, theo đánh giá tự động trên Cổng DVC quốc gia. Bộ chỉ số này gồm 5 nhóm chỉ số thành phần: Công khai, minh bạch; tiến độ, kết quả giải quyết; số hóa hồ sơ; cung cấp DVC trực tuyến; mức độ hài lòng.

Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tiếp nhận, giải quyết đầy đủ, đúng quy định các TTHC cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bảo đảm thông suốt, không bị gián đoạn…Thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, UBND tỉnh phấn đấu hoàn thành sớm các chỉ tiêu năm 2025 được giao tại các nghị quyết của Chính phủ, trong đó phấn đấu: Tỷ lệ hồ sơ xử lý “trực tuyến toàn trình” trên tổng số hồ sơ TTHC tối thiểu đạt 70%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến so với hồ sơ TTHC có giao dịch thanh toán phí, lệ phí tối thiểu đạt 70%.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác cải cách TTHC, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Triển khai đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao; việc đổi mới cơ chế “Một cửa”, Một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cần được thực hiện hiệu quả, nghiên cứu áp dụng mô hình “Quầy tự động tiếp nhận hồ sơ thông qua tương tác Kiosk” theo Đề án 06; công bố, công khai đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; hoàn thành việc số hóa hồ sơ, kết quả TTHC...

Các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, TTHC và phân cấp trong giải quyết TTHC; nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và đầu tư trang thiết bị CNTT thiết yếu phục vụ thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC/cung cấp DVC trực tuyến cần được đẩy mạnh. Đồng thời, các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc, bất cập khi thực hiện TTHC phải kịp thời tiếp nhận, xử lý...

Lê Mai

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202504/no-luc-but-pha-trong-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-2225381/