Nỗ lực cải cách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
Cục Hải quan tỉnh Bình Định được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về Hải quan trên địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên.
Trong những năm qua khối lượng hàng hóa, kim ngạch xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh ngày càng tăng, đơn vị đã triển khai thực hiện tốt công tác giám sát quản lý, kiểm tra thu thuế, kiểm tra sau thông quan, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý rủi ro, thanh tra chuyên ngành trên địa bàn.
PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Định về hoạt động của Cục trong thời gian vừa qua.
PV: Tại hội nghị trực tuyến CP với các địa phương vùa diễn ra hôm 04/7/2019, Thủ tướng có lưu ý đến thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đến nay các bộ vẫn chưa cắt giảm 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành như chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 02?
Ông Nguyễn Quốc Huy: Tại Cục Hải quan tỉnh Bình Định, công tác kiểm tra chuyên ngành được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Đối với những hồ sơ cần có kết quả kiểm tra chuyên ngành, cơ quan hải quan sẽ căn cứ kết quả kiểm tra chuyên ngành để quyết định việc thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp. Trong công tác quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu còn chồng chéo (các mặt hàng phải thực hiện nhiều quản lý/kiểm tra chuyên ngành), danh mục các mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành, quản lý chuyên ngành còn nhiều.
Hiện nay, trên địa bàn quản lý của Cục Hải quan tỉnh Bình Định phát sinh các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, quản lý chuyên ngành: Nhập khẩu: Gỗ tròn, gỗ xẻ, nguyên liệu TACN, kính xây dựng, máy móc đã qua sử dụng, đá ốp lát, nguyên liệu sản xuất bia (malt), lốp ô tô, phân bón,...
Xuất khẩu: Sản phẩm titan các loại, cát vàng làm khuôn đúc. Mặt hàng đã giảm kiểm tra chuyên ngành: Đá ốp lát, kính xây dựng, lốp ô tô (chỉ kiểm tra việc đăng ký kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có đăng ký thì thông quan). Mặt hàng vừa kiểm tra chất lượng và kiểm dịch: Thức ăn chăn nuôi
PV: Với thực trạng trên, trong công tác quản lý hải quan, cơ quan hải quan Bình Định đánh giá như thế nào về thủ tục kiểm tra chuyên ngành hiện nay, có những thủ tục, quy định nào gây khó khăn cho cơ quan hải quan trong công tác quản lý, nhất là những thủ tục mà cơ quan hải quan xét thấy không cần thiết?
Ông Nguyễn Quốc Huy: Hầu hết các doanh nghiệp có hoạt động XNK trên địa bàn Bình Định là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng về vốn hạn chế, chủ yếu là các doanh nghiệp nhập khẩu theo loại hình nhập sản xuất xuất khẩu nên được miễn thuế nhập khẩu vì vậy ảnh hưởng nhiều đến số thuế phải thu.
Trong thực tế hoạt động phối hợp với các lực lượng liên quan còn gặp nhiều khó khăn như phạm vi địa bàn hoạt động rộng; Nhiệm vụ của mỗi lực lượng có tính đặc thù khác nhau về lĩnh vực và chuyên môn nghiệp vụ vì vậy công tác chống buôn lậu còn gặp nhiều khó khăn.
Việc trang bị đồng bộ các cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị hiện đại để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của việc phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà vẫn chưa đạt yêu cầu (máy soi contairner, camera giám sát cảng biển, …).
Với các dự án phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới của 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên, Cục Hải quan tỉnh Bình Định đối diện với thách thức về thiếu biên chế; đội ngũ cán bộ, công chức phần nào còn hạn chế về các nghiệp vụ chuyên môn chuyên sâu về đa ngành, đa lĩnh vực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Vì vậy, Cục Hải quan tỉnh Bình Định xác định sẽ cần chủ động xây dựng đề án, kế hoạch về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, quy chế phối hợp với các lực lượng ngoài ngành trong công tác chống buôn lậu, ... nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương trong những năm tới với các dự án được triển khai như: khai thác chuyến bay quốc tế qua Cảng hàng không Phù Cát, Cảng hàng không Tuy Hòa; các dự án Nhà máy điện mặt trời và điện gió; Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ Becamex – Bình Định; các dự án Khu du lịch lớn trong tỉnh, ...
PV: Ông có thể cho biết đôi nét về nỗ lực và kết quả liên quan đến công tác thu ngân sách, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của DN mà đơn vị đạt được từ đầu năm đến nay ?
Ông Nguyễn Quốc Huy: Cục Hải quan Bình Định thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2019, đồng thời triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thu NSNN nhằm đảm bảo thu đạt chỉ tiêu thu thuế do BTC và TCHQ giao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của Hải quan, hỗ trợ kịp thời giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.
Từ đó giúp doanh nghiệp hiểu đúng, đủ và tự giác chấp hành nghĩa vụ nộp thuế vào NSNN. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục Hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nộp thuế. Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan, đẩy mạnh hiện đại hóa hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực: quản lý, giám sát quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, thu thuế điện tử và thông quan 24/7, cải cách thủ tục hành chính …
Tính đến ngày 30/6/2019, Cục Hải quan tỉnh Bình Định thu đạt 902,98 tỷ đồng, đạt 127% chỉ tiêu dự toán của Bộ Tài chính và chỉ tiêu của Tổng Cục Hải quan theo Chỉ thị số 723/CT-TCHQ là 711 tỷ đồng.
PV: Với tiến độ thu như hiện nay và hoạt động XNK của DN trên địa bàn, ông có thể dự báo về kết quả thu ngân sách của đơn vị ?
Ông Nguyễn Quốc Huy:Tổng số thu đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019 tại Cục Hải quan tỉnh Bình Định là 902,98 tỷ đồng, chủ yếu phát sinh tại địa bàn Phú Yên (545,03 tỷ đồng) do các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị đầu tư cho các Dự án điện năng lượng mặt trời, chiếm 94,8% tổng số thu của Chi cục Hải quan Phú Yên. Các dự án này đã kết thúc hoạt động nhập khẩu máy móc thiết bị và chuyển sang hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng lớn đến nguồn thu năm 2019 tại đơn vị.
Trong khi đó, số thu tại địa bàn tỉnh Bình Định ổn định không biến động, không có mặt hàng tăng đột biến trong năm 2019; Hầu hết các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn Bình Định là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng về vốn hạn chế, chủ yếu là các doanh nghiệp nhập khẩu theo loại hình nhập sản xuất xuất khẩu nên được miễn thuế nhập khẩu; Bên cạnh đó, Các Hiệp định tự do thương mại FTA vào giai đoạn cắt giảm mạnh trong năm 2019, phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua địa bàn là hàng hóa có thuế suất thấp hoặc 0% và hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu thuộc đối tượng miễn thuế.
Do đó, đơn vị dự kiến số thu trong 6 tháng cuối năm 2019 sẽ giảm so với 6 tháng đầu năm, dự báo tổng số thu ngân sách đến cuối năm 2019 là 1.203 tỷ đồng, trong đó địa bàn Bình Định 641 tỷ đồng, địa bàn Phú Yên 562 tỷ đồng (đạt 169,2% chỉ tiêu dự toán theo Chỉ thị số 723/CT-TCHQ ngày 30/01/2019) và 109,36% chỉ tiêu phấn đấu theo Công văn số 2403/TCHQ-TXNK ngày 24/4/2019 về việc giao thu bổ sung NSNN năm 2019 là 1100 tỷ đồng).