Nỗ lực cải cách thể chế, tạo động lực cho tăng trưởng bền vững
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh mẽ với những khó khăn chồng chất, Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng GDP ấn tượng 6,82% qua 9 tháng của năm 2024.
Những kết quả tích cực có được nhờ vào nhiều nỗ lực, quyết sách về cải cách thể chế, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững.
Vượt bão tố, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng
Năm 2024, kinh tế thế giới đối mặt với vô vàn khó khăn: suy thoái kinh tế, xung đột địa chính trị leo thang, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp... Kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.
Bão Yagi, một trong những cơn bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua, đã gây ra những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho nhiều địa phương phía Bắc. Ước tính thiệt hại lên tới hơn 80.000 tỷ đồng.
Bão lũ không chỉ tàn phá nông nghiệp, thủy sản mà còn làm gián đoạn hoạt động sản xuất công nghiệp, du lịch và giao thông vận tải. Điều này dẫn đến giảm sản lượng, giảm thu nhập của người dân và doanh nghiệp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Sau bão Yagi, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, cả tỉnh thiệt hại khoảng 25.000 tỷ đồng, trong đó lâm nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hơn 36.000ha rừng bị hư hỏng, bao gồm 31.000ha rừng trồng.
Nhóm doanh nghiệp than cũng chịu tổn thất lớn, điển hình là Công ty Cổ phần Than Vàng Danh - Vinacomin (mã TVD) ghi nhận khoản lỗ hơn 57 tỷ đồng trong quý 3, doanh thu giảm 26% xuống còn 1.230 tỷ đồng. Bão kèm mưa lớn gây ngập đường lò, mất điện diện rộng, buộc công ty tạm ngừng sản xuất để khắc phục hậu quả.
Bên cạnh đó, những vướng mắc về cơ chế chính sách, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, giải ngân vốn ODA... cũng tạo ra những lực cản đáng kể cho tăng trưởng.
Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đến hết tháng 10 của cả nước ước đạt 47,43% kế hoạch; đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chưa đạt kỳ vọng đặt ra.
Đánh giá về những khó khăn của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nhìn nhận vào 5 nhóm vấn đề.
Thứ nhất, ngành nông nghiệp và du lịch vẫn bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3. Thứ hai, xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn như: xung đột giữa các nước trên thế giới, cạnh tranh, bảo hộ.
Thứ ba, sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào các thị trường lớn. Thứ tư, các kênh đầu tư phục hồi chậm, nhất là vốn đầu tư tư nhân và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước đạt kết quả thấp.
Trong khi đó, việc tháo gỡ khó khăn ách tắc rất chậm, lãng phí rất nhiều nguồn lực. Thứ năm, thị trường trong nước chưa được thúc đẩy và khai thác hiệu quả.
Tuy nhiên vượt lên trên những khó khăn đó, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. GDP 9 tháng đầu năm tăng 6,82%; dự kiến cả năm có 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch.
Nỗ lực cải cách, tạo động lực cho tăng trưởng
Để đạt được những kết quả tích cực trong bối cảnh đầy thách thức, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là tiếp tục hoàn thiện về thể chế và coi đây là giải pháp đột phá của đột phá. Những đạo luật được ban hành, sửa đổi, những quyết sách được ban hành khẩn trương, kịp thời đang thực sự tiếp sức cho tăng trưởng kinh tế.
Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi mang kỳ vọng lớn trong việc giải phóng nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua việc tháo gỡ các điểm nghẽn trong triển khai dự án đầu tư công.
Một trong những cải cách quan trọng của luật là việc tăng cường phân cấp, phân quyền, trao thêm quyền tự chủ cho địa phương, đồng thời gắn liền với trách nhiệm rõ ràng.
Chính quyền địa phương giờ đây không chỉ có quyền quyết định mà còn phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện, trong khi Trung ương sẽ đóng vai trò kiến tạo và giám sát. Cách làm này giúp khắc phục tình trạng “xin - cho” kéo dài, vừa cắt giảm thủ tục hành chính, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Bên cạnh việc trao quyền cho địa phương, Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi còn xử lý triệt để tình trạng “vốn chờ dự án” vốn gây khó khăn lâu nay, đặc biệt là trong các dự án trọng điểm tại TP. Hồ Chí Minh.
Nhiều công trình như nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy và dự án ngăn triều đã phải tạm ngưng hoặc chậm giải ngân vì vướng mắc thủ tục pháp lý hoặc chồng chéo giữa các quy định pháp luật.
Việc bổ sung, điều chỉnh các quy định lần này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đồng thời đảm bảo các dự án sẵn sàng thực hiện khi nguồn vốn đã được phân bổ. Điểm sáng của dự thảo luật lần này còn nằm ở việc khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong các dự án đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) , dự thảo luật cho thấy định hướng tích cực khi mở rộng hình thức hợp đồng BT, cho phép doanh nghiệp tư nhân triển khai, sau đó chuyển giao lại cho nhà nước.
Cách tiếp cận này không chỉ giúp giải phóng bớt gánh nặng quản lý cho nhà nước mà còn huy động thêm nguồn lực từ khu vực tư nhân, qua đó nâng cao hiệu quả thực hiện các công trình thiết yếu.
Cùng với dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, Nghị quyết số 143/NQ-CP, đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cấp thiết nhằm khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 (Yagi) được đánh giá là bước đi quyết liệt nhằm nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy khôi phục sản xuất kinh doanh và hỗ trợ nền kinh tế trong việc kiểm soát lạm phát.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế và giảng viên Học viện Tài chính nhận định, việc Chính phủ nhanh chóng ra Nghị quyết số 143/NQ-CP là điều rất cấp thiết rất “đúng” và “trúng” để giúp các doanh nghiệp sớm phục hồi, tái thiết sản xuất, thực hiện các mục tiêu kinh tế đã đề ra.
“Nghị quyết 143/NQ-CP của Chính phủ không chỉ là một biện pháp mang tính tình thế mà còn là nền tảng giúp các doanh nghiệp và địa phương khôi phục lại các hoạt động kinh tế sau bão. Nghị quyết đã đưa ra các định hướng bao gồm những giải pháp khôi phục sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tái thiết sau bão,...” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Một trong những điểm nổi bật của Nghị quyết này là sự chỉ đạo nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng bộ, ngành và các địa phương.
Từ việc tái thiết cơ sở hạ tầng, khôi phục giao thông đến bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm và các khía cạnh khác của đời sống xã hội và sản xuất đều được cân nhắc, chỉ đạo sát sao.
Đây là cơ sở quan trọng để các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp có thể thực thi, triển khai thực hiện nhiệm vụ khôi phục hoạt động một cách hiệu quả và nhanh chóng sau bão lũ.
Với các nỗ lực cải cách thể chế và chính sách hỗ trợ kịp thời, Việt Nam đã không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt mà còn tạo ra nền tảng vững chắc cho tăng trưởng trong tương lai.
Những bước đi mạnh mẽ này tiếp tục khẳng định cam kết của Việt Nam đối với phát triển kinh tế bền vững, tạo động lực mới cho các thế hệ tiếp theo.