Nỗ lực cải thiện dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ
Dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ được coi là quãng thời gian vàng, là nền tảng quan trọng nhất đối với sự phát triển toàn diện của trẻ về sau. 1.000 ngày đầu đời được chia làm 3 giai đoạn, bao gồm từ lúc bà mẹ mang thai cho tới lúc sinh đẻ; giai đoạn từ lúc trẻ được sinh ra cho tới 6 tháng tuổi và giai đoạn trẻ tròn 6 tháng cho tới 24 tháng.
Cùng với 1 mô hình câu lạc bộ dinh dưỡng ở thôn Mai Sơn, Trung tâm Phục hồi dinh dưỡng tại thôn Tà Lang thời gian qua đã góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho nhóm trẻ em trên địa bàn xã Ba Lòng, huyện Đakrông.
Được sự hỗ trợ từ Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam - Chương trình vùng Đakrông, mô hình này hoạt động ngoài việc cung cấp miễn phí 12 bữa ăn đầy đủ dưỡng chất trong 1 tháng cho 9 trẻ em có độ tuổi từ tròn 6 - 24 tháng trong thôn, thông qua các buổi sinh hoạt còn lồng ghép truyền thông các kiến thức, kỹ năng thực hành về chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt là cung cấp các kiến thức về chăm sóc sức khỏe trẻ nhỏ trong 1.000 ngày đầu đời cho các bà mẹ mang thai và đang nuôi con nhỏ.
Tham gia sinh hoạt tại trung tâm phục hồi dinh dưỡng, chị Hồ Thị La Ham ở thôn Tà Lang, xã Ba Lòng, huyện Đakrông, chia sẻ: “Con tôi đang độ tuổi ăn dặm nên khi được tham gia sinh hoạt, ngoài việc cháu được ăn 12 bữa cháo đầy đủ dinh dưỡng tại chỗ trong 1 tháng, tôi còn được hướng dẫn cách chế biến bữa ăn hợp lý cho con tại nhà bằng cách tận dụng thực phẩm sẵn có, được tư vấn cách nuôi thêm gà vịt, trồng rau để có thêm trứng, thịt cải thiện bữa ăn của cả nhà và nuôi con tốt hơn. Bên cạnh đó, cán bộ cũng hướng dẫn tôi cách chăm sóc sức khỏe cho con, nhất là khi con ốm và khuyến khích tôi tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ để con được phát triển khỏe mạnh”.
Với mong muốn góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi tại huyện miền núi Đakrông, thời gian qua, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam - Chương trình vùng Đakrông đã có những hoạt động can thiệp hỗ trợ hiệu quả cho địa phương này.
Trong đó có thể kể đến việc phối hợp với chính quyền và ngành y tế địa phương tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng, thực hành cho bà mẹ và những người chăm sóc trẻ, những gia đình có con dưới 5 tuổi thông qua các mô hình như trung tâm phục hồi dinh dưỡng, câu lạc bộ dinh dưỡng, các hoạt động tập huấn, truyền thông về dinh dưỡng cho người dân trên địa bàn.
Tăng cường cải thiện điều kiện nước sạch, vệ sinh môi trường cho các hộ gia đình. Thúc đẩy thực thi các chính sách liên quan đến dinh dưỡng, nước sạch, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, tiến hành nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả sang các địa bàn khác ngoài dự án để góp phần cải thiện kết quả liên quan đến vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em. Can thiệp về sinh kế nhằm thúc đẩy cải thiện điều kiện kinh tế cho hộ gia đình, góp phần đa dạng hóa chất lượng bữa ăn cho các gia đình nói chung, đồng thời cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em nói riêng.
“Từ những can thiệp cụ thể đó, trong những năm qua, tỉ lệ suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng cân nặng trên địa bàn các xã dự án nói riêng và trên địa bàn huyện Đakrông nói chung giảm. Việc thực hành chăm sóc trẻ của người dân có những thay đổi tích cực thông qua cách chế biến bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng bằng việc tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, đồng thời tăng tỉ lệ hộ gia đình tại địa phương sử dụng nhà vệ sinh phù hợp, đạt chuẩn”, ông Võ Đình Sỹ, Trưởng Chương trình vùng Đakrông - Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam cho biết.
Với mục tiêu góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người dân trên địa bàn tỉnh, công tác cải thiện dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ luôn được ngành y tế chú trọng.
Thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường triển khai hiệu quả các hoạt động thường xuyên như phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ…, ngành đã phối hợp chặt chẽ với các dự án, đơn vị, tổ chức triển khai các chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho nhân viên y tế các tuyến về chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời; đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn dinh dưỡng trong cộng đồng nhằm cải thiện hành vi về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh.
Nâng cao kỹ năng, kiến thức làm mẹ và kiến thức nuôi con cho phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ và người chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, đơn vị triển khai toàn diện các can thiệp về chăm sóc dinh dưỡng sớm cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời nhằm góp phần giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Theo chị Đào Thị Mai, Trạm Y tế xã Ba Lòng, huyện Đakrông, do điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương còn nhiều khó khăn nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc trẻ. Do đó, trong hoạt động chuyên môn, đơn vị rất chú trọng việc hỗ trợ các bà mẹ mang thai và bà mẹ nuôi con nhỏ kiến thức chăm sóc trẻ trong 1.000 ngày đầu đời nhằm góp phần phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em và giúp trẻ phát triển một cách toàn diện trong tương lai.
“Chúng tôi thường xuyên truyền thông cho các bà mẹ mang thai đến cơ sở y tế khám thai định kỳ đầy đủ, bổ sung viên sắt, tiêm phòng uốn ván, lao động nhẹ nhàng, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.
Các chị em trong độ tuổi sinh đẻ thường xuyên được chúng tôi cung cấp kiến thức làm mẹ an toàn, mang thai và sinh con khỏe mạnh, các kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn dặm đúng cách thông qua các buổi sinh hoạt các câu lạc bộ, thăm hộ gia đình... Nhờ đó, chị em trong độ tuổi sinh đẻ và các gia đình nuôi con nhỏ, người chăm sóc trẻ tại địa phương biết cách áp dụng những kiến thức được tuyên truyền để nuôi con tốt hơn, phòng chống nguy cơ suy dinh dưỡng cho trẻ hiệu quả”, chị Mai chia sẻ.
1.000 ngày đầu đời của trẻ được tính từ lúc người mẹ mang thai đến lúc trẻ hai tuổi. Đây cũng là giai đoạn vàng để tác động tích cực tới sức khỏe và sự phát triển toàn diện của bé. Việc trẻ được chăm sóc tốt trong 1.000 ngày đầu đời, trẻ sẽ được phát triển khỏe mạnh, giảm chi phí về gánh nặng bệnh tật, góp phần cải thiện thể lực, tầm vóc cho thế hệ tương lai.