Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư tại Bình Phước
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư và phát triển các dự án quy mô lớn, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với nhiều chính sách ưu đãi và mời gọi nhà đầu tư tầm cỡ, tỉnh Bình Phước đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) để đón những làn sóng đầu tư mới trong và ngoài nước.
Những kết quả đáng khích lệ
Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Tây nguyên và miền Đông Nam bộ, Bình Phước có nhiều trục hành lang không gian chiến lược như Quốc lộ 13 và trục đường sắt xuyên Á (TPHCM - Viêng Chăn (Lào) qua Lộc Ninh), trục xuyên Việt Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh dự kiến) và trục đường liên tỉnh ĐT 741 nối Quốc lộ 14 đi từ TP Đồng Xoài đến Bình Dương, nối với ĐT 747B và kết thúc ở đường xuyên Á, tạo thuận lợi kết nối giao thông trong nước và quốc tế.
Bình Phước có hơn 260km đường biên giới, 1 cửa khẩu quốc tế và 2 cửa khẩu quốc gia, là cầu nối quan trọng của vùng Đông Nam bộ với Campuchia, Lào, Thái Lan và khu vực Tây nguyên.
Bình Phước có diện tích đất tự nhiên 6.857km2, trong đó 22,5% diện tích có điều kiện phát triển cây công nghiệp lâu năm như điều, cao su, hồ tiêu, phục vụ công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thực phẩm... xuất khẩu.
Tỉnh có 13 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với diện tích 4.686ha; Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư 28.364ha, phần lớn là quỹ đất sạch thuận lợi cho phát triển công nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ngày càng hoàn thiện, là cơ hội để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài (FDI).
Năm 2020, Bình Phước có tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,51% (kế hoạch 8%), thuộc nhóm khá cao, đứng thứ 5 so với cả nước; có 21/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Tỉnh Bình Phước thu hút được 36 dự án FDI với vốn đăng ký 432 triệu USD (đạt 108% kế hoạch năm), 120 dự án đầu tư trong nước với số vốn 12.000 tỷ đồng (đạt 120% kế hoạch năm). Năm 2020 toàn tỉnh có 1.230 doanh nghiệp, 24 hợp tác xã được thành lập, huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 24.915 tỷ đồng (chiếm khoảng 36,6% GRDP).
Đáng chú ý, tỉnh có nhiều công trình hiện đại được đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động, như Khu đô thị mới thị xã Phước Long, Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 600 giường bệnh, Ký túc xá trường Chính trị tỉnh… đã tạo diện mạo đô thị khang trang cho tỉnh. Bình Phước cũng thu hút được 3 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất với số vốn 2.859 tỷ đồng (bằng 60% so với tổng vốn đầu tư công năm 2020); tỷ lệ giải ngân đạt mức khá cao 95,37% kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư đã thu hút 83 nhà đầu tư thực hiện các dự án, với tổng diện tích 1.719ha, trong đó có 38 doanh nghiệp hoạt động. Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu Hoa Lư đạt 48,15 triệu USD, tăng 60,2% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 147,58 triệu USD, tăng 1.368,42% so với cùng kỳ; đóng góp vào ngân sách tỉnh 556,58 tỷ đồng, tăng 2.117% so với cùng kỳ, giúp tình hình thu ngân sách của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Nâng cao chỉ số PCI
Năm 2020 Sở KH-ĐT đã đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh, cũng như chấp thuận triển khai Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh giai đoạn 2020-2025, để đón làn sóng đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Võ Sá ,
Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bình Phước
Trong năm 2020, tỉnh Bình Phước tiến hành lựa chọn nhà thầu qua mạng với 100% các gói thầu. Qua đó tiếp tục xếp thứ 2 về tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng trong cả nước, với 648/690 gói thầu đạt 94%, giá trị 4.438/5.130 tỷ đồng đạt 86,5%. Nhờ đó, thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cắt giảm còn 50% so với quy định, có 99% TTHC đạt dịch vụ công mức độ 4, hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến đạt 72% (tăng 42% so với năm 2019).
Tỉnh Bình Phước cũng hoàn thành phần mềm báo cáo kinh tế - xã hội, cập nhật số liệu vào Trung tâm IOC - được coi là kho dữ liệu khổng lồ hỗ trợ giám sát, điều hành thông qua các chỉ số trên các lĩnh vực, vừa tham gia kết nối Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đẩy nhanh chuyển đổi số của chính quyền góp phần phục vụ lợi ích người dân, doanh nghiệp.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Phước, vướng mắc nhất hiện nay là khâu giải phóng mặt bằng do quy trình, thủ tục thực hiện phức tạp và người dân thiếu hợp tác. Đáng chú ý, 3 dự án lớn trong các khu công nghiệp Ledana (425ha), Hoa Lư (404ha) và Vcom (300ha) đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ngoài ra, thủ tục chuyển đổi dự án còn mất nhiều thời gian, việc quản lý dự án có vốn đầu tư trong nước về tiến độ đầu tư, ngành nghề đầu tư... vẫn còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong khu kinh tế chưa chặt chẽ, nên nhiều dự án triển khai thực hiện chậm tiến độ do chủ đầu tư chây ì.
Hiện tỉnh Bình Phước đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, cải cách hành chính và quản lý chuyên ngành kế hoạch và đầu tư. Sở KH-ĐT tỉnh đã tham mưu UBND xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức Hội nghị phân tích đánh giá kết quả Chỉ số PCI năm 2019, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh, để đón làn sóng đầu tư trong và ngoài nước cũng như chấp thuận triển khai Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh trong giai đoạn 2020-2025.