Nỗ lực cao nhất, không để có người bệnh Covid-19 tử vong

Sáng 28-7, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có cuộc họp trực tuyến với các bệnh viện về công tác điều trị.

Sáng 28-7, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có cuộc họp trực tuyến với các bệnh viện về công tác điều trị.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị y tế tại Ðà Nẵng đã báo cáo tình hình điều trị cho những người nhiễm Covid-19, trong đó có ba ca nặng; công tác phân luồng điều trị, giải tỏa người bệnh; công tác bảo đảm điều kiện về cách ly, điều trị cho các ca bệnh Covid-19. Hiện các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy đang tích cực hỗ trợ Bệnh viện Ðà Nẵng về công tác phân luồng, cách ly người bệnh, giám sát nhiễm khuẩn, hồi sức tích cực cho những trường hợp nặng. Ðể bảo đảm năng lực điều trị, TP Ðà Nẵng đã thiết lập trung tâm điều trị Covid-19 đặt tại Bệnh viện Phổi Ðà Nẵng, tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân có triệu chứng mức độ nhẹ và vừa. Ðáng chú ý, để giảm tải cho Bệnh viện Ðà Nẵng, Bệnh viện T.Ư Huế đang chuẩn bị cơ sở vật chất để tiếp nhận những người nhiễm Covid-19 có triệu chứng nặng tại Ðà Nẵng, những người có nhiều bệnh nền, nhất là những người bị suy thận đang phải chạy thận nhân tạo.

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiển trao đổi đề xuất của chuyên gia, bác sĩ ở các điểm cầu, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam lưu ý trong công tác điều trị phải hết sức tập trung bởi căn bệnh này rất nguy hiểm, lơ là một chút là diễn biến xấu rất nhanh. Phải nỗ lực cao nhất, không để có người bệnh tử vong. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tăng cường các đội cơ động của các bệnh viện đầu ngành hỗ trợ cho các bệnh viện ở Ðà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam trong công tác cách ly, điều trị cho người nhiễm Covid-19; yêu cầu Bệnh viện T.Ư Huế tiếp nhận ngay những người nhiễm Covid-19 có bệnh nền để điều trị.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các biện pháp chống dịch phải làm rất đồng bộ, không chỉ y tế mà các lực lượng khác và toàn xã hội. Chúng ta phải hiệp đồng chặt chẽ, vận hành nhịp nhàng như một cỗ máy, từ khâu quản lý xuất nhập cảnh, rà soát các đối tượng có nguy cơ cho đến tiếp nhận người bệnh, tổ chức xét nghiệm, cách ly… Chỉ cần một mắt xích, một con ốc vít bị lỏng, thì cả cỗ máy sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đã nghe báo cáo về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc điều trị, trang thiết bị… của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư để công dân Việt Nam từ Ghi-nê Xích đạo về nước, trong đó dự kiến khoảng 120 ca nhiễm Covid-19.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 28-7 thông báo ghi nhận thêm bảy người bệnh (người bệnh thứ 432, 433, 434, 435, 436, 437, 438) mắc Covid-19 trên địa bàn TP Ðà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Như vậy, ngoài Ðà Nẵng, Quảng Ngãi đã ghi nhận các ca bệnh Covid-19 ở tỉnh Quảng Nam, đó là người bệnh 432 (nữ, 63 tuổi, ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Ðại Lộc); người bệnh thứ 433 ( nữ, 67 tuổi, ở xã Ðiện Thọ, thị xã Ðiện Bàn); người bệnh thứ 436 (nam, 66 tuổi, ở xã Ðiện Trung, thị xã Ðiện Bàn). Ba người bệnh thứ 436, 437, 438 đều là người bệnh của Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Ðà Nẵng. Ngoài ra, theo báo cáo của Tiểu Ban Ðiều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19), trong hai ngày 27 và 28-7, có bốn người bệnh (thứ 357, 371, 372, 373) điều trị tại các bệnh viện: Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2, đa khoa Bạc Liêu, Cà Mau được công bố khỏi bệnh.

Ngày 28-7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Ðồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp. Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, thành phố phải xác định rõ nguy cơ và nguồn bệnh từ đâu thì mới có các giải pháp hiệu quả. Muốn phòng, chống dịch thắng lợi, phương châm phải là phòng dịch sớm, phát hiện kịp thời, cách ly triệt để. Ðồng thời, lưu ý đến tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và cho rằng đây là mối nguy cơ cao, do vậy, mỗi người dân, mỗi gia đình cần chủ động phát hiện và thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương để tránh dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Ðồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các loại hình dịch vụ hoạt động hiện nay, nếu không thật sự cần thiết thì nên giảm, công tác truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tích cực, tự giác bảo vệ mình và gia đình trước nguy cơ dịch bệnh.

Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh quyết định từ 15 giờ ngày 28-7, TP Hồ Chí Minh thực hiện dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh đến Ðà Nẵng trừ các trường hợp đặc biệt; các xe có hành trình qua Ðà Nẵng không được dừng đón trả khách tại đây…

UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khởi động hoạt động các tổ công tác của các thôn, bản, khu phố; bố trí mỗi thôn, khu có từ một đến hai tổ công tác bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và hiệu quả trong triển khai phòng, chống dịch. Các tổ công tác có trách nhiệm kiểm soát di, biến động nhân khẩu trên địa bàn, nhất là người nước ngoài, người từ các tỉnh, thành phố, địa phương khác về tạm trú, thuê nhà, thuê khách sạn... Ðêm 27-7, sân bay quốc tế Vân Ðồn (Quảng Ninh) tiếp nhận chuyến bay mang số hiệu VN1 của Hãng hàng không Vietnam Airlines chở 276 công dân Việt Nam từ Mỹ trở về.

Theo báo cáo của Sở Y tế Ninh Bình, đến nay có 18 trường hợp từ Ðà Nẵng về được lấy mẫu xét nghiệm SARS- CoV-2 lần thứ nhất, trong đó có một trường hợp có biểu hiện mệt mỏi, ho có đờm đã được cách ly ngay tại Bệnh viện đa khoa huyện Nho Quan; 15 trường hợp khác cho kết quả xét nghiệm âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 178 người đang cách ly tập trung, trong đó có 41 người về từ Ðà Nẵng. Tại Vĩnh Phúc có 1.251 trường hợp đi từ TP Ðà Nẵng về đang được ngành y tế phối hợp với các địa phương yêu cầu tự cách ly, theo dõi ở nhà; trong đó có 6 trường hợp thực hiện cách ly tập trung.

Chiều 28-7, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định tạm dừng hàng loạt các hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh từ 0 giờ ngày 29-7 đến 0 giờ ngày 13-8 để tăng cường phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 28-7, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các sở, ngành chức năng và đơn vị liên quan tập trung cao độ việc tìm kiếm, truy vết tất cả các đối tượng F1 đã từng đi đến các bệnh viện ở Ðà Nẵng gồm: C, Ðà Nẵng, Chỉnh hình và Phục hồi chức năng đã từng tiếp xúc với các ca mắc Covid-19 tại TP Ðà Nẵng và Quảng Ngãi từ ngày 15-7 đến nay. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi quyết định áp dụng biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh và đồng ý tạm chi 40 nghìn đồng/người/ngày để hỗ trợ người dân nằm trong khu vực khoanh vùng, cách ly.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 76 trường hợp F2, F3 liên quan đến hai người bệnh 416 và 418 ở Ðà Nẵng. Những trường hợp này được cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại nhà. Sáng sớm 28-7, trong lúc làm nhiệm vụ, lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát số 5 (huyện Phú Lộc) đã phát hiện hai người có quốc tịch Trung Quốc điều khiển xe gắn máy, di chuyển từ Ðà Nẵng ra Thừa Thiên Huế. Hai người này được kiểm tra sức khỏe và đưa đến cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc.

Ngành y tế tỉnh Ðắk Lắk đã tiếp nhận, cách ly năm trường hợp trở về từ TP Ðà Nẵng, trong đó có một trường hợp có tiếp xúc với người bệnh thứ 416.

Chiều 28-7, Sở Du lịch TP Ðà Nẵng cho biết, đến 13 giờ cùng ngày, còn khoảng 314 du khách đang ở lại thành phố. Sở Du lịch đã đề nghị các khách sạn hỗ trợ tối đa du khách trong thời gian cách ly, tổng hợp danh sách sáu khách sạn, có giá hỗ trợ từ 200.000 đến 300.000 đồng/phòng hai người, 300.000 đồng/phòng năm người; các chi phí ăn uống khách tự túc, có bếp chung để tự nấu nướng. Ðáng chú ý, một số khách sạn sẽ miễn phí phòng và chi phí ăn uống tại khách sạn cho du khách trong vòng 14 ngày.

Thông báo khẩn của Bộ Y tế

Tối 28-7, Bộ Y tế đã phát đi thông báo khẩn đề nghị những người đến 17 địa điểm ở TP Ðà Nẵng và ba địa điểm tại tỉnh Quảng Nam, cần liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ; gọi điện đến các đường dây nóng: 1900.9095 (Bộ Y tế), hoặc 0905.108.844 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Ðà Nẵng), hoặc 0914.085.388 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam); cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc với mình; thực hiện cách ly tại nhà; khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI tại địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe.

Trong tuần qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã phát hiện, tiếp nhận, ngăn chặn 10 vụ, 21 trường hợp, trong đó có 7 vụ (10 trường hợp công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép); tiếp nhận 2 vụ (9 trường hợp do phía Trung Quốc trao trả); ngăn chặn một vụ (hai trường hợp có ý định xuất cảnh trái phép). Tất cả các trường hợp nhập cảnh vào địa bàn đều được cách ly theo quy định.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/no-luc-cao-nhat-khong-de-co-nguoi-benh-covid-19-tu-vong-610504/