Nỗ lực cao nhất phúc đáp yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn

Chính phủ, các cơ quan hữu quan đề nghị bổ sung 13 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và đưa 18 dự án luật vào Chương trình năm 2024. Với đề xuất như vậy sẽ có những Kỳ họp Quốc hội phải xem xét, thông qua số lượng lớn các dự án luật, gây áp lực cho cơ quan chủ trì thẩm tra và các đại biểu Quốc hội. Do vậy, phải tiếp tục có giải pháp đồng bộ từ cả cơ quan trình và cơ quan thẩm tra, nỗ lực cao nhất để phúc đáp yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

Phải có giải pháp đồng bộ

Tại Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Pháp luật, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 với 13 dự án, gồm 11 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh và 1 dự thảo nghị quyết. Đối với Chương trình năm 2024, các cơ quan đề nghị đưa vào Chương trình 18 dự án luật, trong đó, Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị đưa vào dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị đưa vào dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị đưa vào dự án Luật Bản dạng giới.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Với các đề xuất nêu trên sẽ có một số kỳ họp có số lượng dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua khá lớn. Trong đó, dự kiến tại Kỳ họp thứ Năm sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua 18 dự án luật, tại Kỳ họp thứ Bảy trình Quốc hội xem xét, thông qua 19 dự án luật. ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng, điều này sẽ tạo áp lực lớn với cơ quan chủ trì thẩm tra và các đại biểu Quốc hội.

Nhất trí sự cần thiết của các đề xuất xây dựng luật nêu trên, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cũng lưu ý, phải cân đối về số lượng các dự án được trình trong mỗi kỳ họp Quốc hội, tính đến khả năng của các cơ quan của Quốc hội, áp lực đối với đại biểu Quốc hội khi phải xem xét, cho ý kiến thảo luận về số lượng lớn các dự án luật trong thời gian gấp gáp. Chú ý cân đối thời gian trình các dự án bảo đảm điều kiện để các đại biểu Quốc hội tiếp cận được hồ sơ, tài liệu, có đủ quỹ thời gian nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến chất lượng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, trong 137 nhiệm vụ lập pháp được đề ra trong Đề án định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi đã bổ sung các dự án luật, nghị quyết theo đề nghị của các cơ quan vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình 2023 thì vẫn còn 66 nhiệm vụ lập pháp phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát.

"Áp lực rất lớn về yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ từ phía các cơ quan trình để đẩy nhanh tiến độ trình các dự án, đảm bảo thời hạn và từ phía các cơ quan của Quốc hội cũng phải có đổi mới để có thể đáp ứng yêu cầu". Nhấn mạnh như vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, việc xem xét để quyết định bổ sung nội dung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo chất lượng, khả thi. Tinh thần chung là phải cố gắng phúc đáp yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động đấu giá tài sản

Một trong những dự luật được Chính phủ đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Việc sửa đổi Luật này nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa, chuyển đổi số, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, tính bền vững của hoạt động đấu giá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động bán đấu giá tài sản, cũng như công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Theo đề xuất của Chính phủ, dự luật dự kiến sẽ trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy. Dự luật tập trung vào các nhóm chính sách như: hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên; tổ chức, hoạt động, quyền và trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản; hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, thống nhất; tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đấu giá, tránh tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động đấu giá tài sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho ý kiến vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho ý kiến vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023

Tán thành với đề xuất bổ sung dự luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho rằng, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 qua gần 6 năm triển khai thực hiện đã cho thấy những kết quả hết sức tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật về đấu giá tài sản cũng đã bộc lộ những tồn tại, bất cập, trong đó, nguyên nhân chính là từ chính sách, quy định của Luật Đấu giá tài sản và một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Ngoài ra, hoạt động đấu giá tài sản, nhất là đấu giá tài sản công, là một trong những lĩnh vực dễ dẫn đến phát sinh tiêu cực, tham nhũng, gây thất thoát lớn cho tài sản của Nhà nước. Điều này đòi hỏi phải hoàn thiện pháp luật đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực đấu giá tài sản.

Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) dẫn chứng việc đấu giá 4 lô đất của Thủ Thiêm và cho biết, có rất nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi phải nhanh chóng sửa đổi Luật Đấu giá tài sản. Các cơ quan, các địa phương đều rất mong đợi sớm sửa đổi luật này để khắc phục những bất cập, bảo đảm công tác đấu giá tài sản được tiến hành chặt chẽ, đồng thời cũng tạo hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ tham gia thực hiện công tác này.

Tại Phiên họp thứ 13 vừa qua của Ủy ban Pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, việc sửa đổi Luật Đấu giá tài sản là rất cần thiết nhằm thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tế, nhất là trong bán đấu giá tài sản công.

Hơn nữa, ở một số lĩnh vực đặc thù như bán đấu giá tần số vô tuyến điện, quyền khai thác khoáng sản và quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư… cũng cần được quy định trong luật bởi hiện nay các dự luật đang trong quá trình sửa đổi như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) cũng đặt ra các vấn đề có liên quan đến Luật Đấu giá tài sản, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/no-luc-cao-nhat-phuc-dap-yeu-cau-doi-hoi-cua-thuc-tien-i321267/