Nỗ lực chăm lo phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới
Quán triệt phương châm 'Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt', những năm qua, BĐBP Đắk Lắk đã thực hiện và nhân rộng nhiều chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực.
Buôn Đrang Phôk nằm trọn trong vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn, trên địa bàn xã Krông Na, huyện biên giới Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Buôn có 138 hộ, gồm 8 dân tộc thiểu số sinh sống.
Ông Ytê Bkrông, Bí thư Chi bộ buôn nhớ lại, 15 năm trước, cánh đồng lúa của buôn có diện tích nhỏ, mỗi năm chỉ trồng được một vụ, phụ thuộc vào nước mưa tự nhiên, năng suất thấp, nhiều diện tích bị hoang hóa, có nơi trở thành bãi chăn thả trâu, bò. Do vậy, đời sống của bà con hết sức khó khăn. Cái đói, cái nghèo đeo bám nhiều hộ. Năm 2007, Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk, BĐBP Đắk Lắk đã tham mưu cho UBND huyện Buôn Đôn khai hoang cánh đồng lúa nước rộng 30ha, đồng thời xây dựng hệ thống kênh dẫn nước tưới tiêu, hướng dẫn nhân dân canh tác.
Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk và Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động đã đóng góp nhiều ngày công làm hệ thống kênh mương nội đồng kiên cố bằng bê tông để tưới tiêu cho cánh đồng lúa. Đồng thời, Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện vận động đồng bào chuyển từ trồng một vụ sang trồng hai vụ lúa nước; hướng dẫn nhân dân cải tạo đất, cách gieo trồng, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, cung cấp giống... Nhờ có cánh đồng lúa nước do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk giúp xây dựng hệ thống tưới tiêu và hướng dẫn kỹ thuật canh tác hai vụ mà người dân trong buôn Đrang Phôk đã có đủ lương thực.
Đi cùng Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk xuống địa bàn, vừa thấy bóng anh bước vào cổng nhà, dừng tay đảo mẻ thóc đang phơi vàng ươm trên sân, bà H’Son M’lô hồ hởi khoe ngay: "Năm nay, gia đình tôi thu được 4 tấn thóc, để lại 2 tấn đã đủ ăn cho 7 người trong cả năm, còn lại đem bán, thu được 14 triệu đồng. Cảm ơn các chú Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk đã giúp bà con trong thôn vừa có lương thực, vừa có tiền chi tiêu".
Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương cho biết: Tiếp nối truyền thống gắn bó với đồng bào đã được hình thành hàng chục năm qua, Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk vẫn luôn duy trì các hoạt động chăm lo cho cuộc sống của người dân xã Krông Na. Cùng với việc hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, Đồn đã phối hợp với Đoàn Thanh niên cơ quan Dân chính đảng của tỉnh vận động ủng hộ, đóng góp gần 40 triệu đồng để thi công công trình “Thắp sáng đường quê” cho buôn Đrang Phôk, giúp bà con đi lại an toàn vào buổi tối.
Cùng với đó, đồn phối hợp với Hội thiện nguyện 58 Nguyễn Đình Chiểu (thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức bàn giao công trình “Khu vui chơi thiếu nhi” có diện tích hơn 120m2, gồm bộ vui chơi liên hoàn, cầu trượt, xích đu, thú nhún..., tổng giá trị hơn 100 triệu đồng cho Trường Mầm non Họa Mi, xã Krông Na. Kinh phí đầu tư lắp đặt do Hội thiện nguyện hỗ trợ; cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk và cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Họa Mi trực tiếp hỗ trợ ngày công thực hiện.
Cô Trần Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi xúc động nói, nhờ sự hỗ trợ và quan tâm của BĐBP và các cá nhân thiện nguyện, trường đã có khu vui chơi an toàn, giúp trẻ em phát triển tốt về thể chất và tinh thần.
Những việc làm tốt đẹp của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk là sự cụ thể hóa chủ trương của BĐBP Đắk Lắk về việc các đồn Biên phòng chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng đứng chân trên địa bàn tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo nơi biên cương Tổ quốc.
Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy BĐBP Đắk Lắk cho biết: "Thời gian qua, BĐBP tỉnh đã triển khai thực hiện và nhân rộng nhiều chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực. Các đồn Biên phòng đã tổ chức lao động giúp dân 5.853 ngày công; mua, trao tặng 103 con bò giống; bàn giao 3 công trình “Nước ngọt vùng biên” trị giá 500 triệu đồng. Nhân rộng, phát triển mô hình “Thắp sáng đường quê” giúp 10/10 thôn, buôn có điện thắp sáng tại xã biên giới Ea Bung, góp phần giúp xã hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Duy trì thực hiện mô hình “Tay kéo Biên phòng”, cắt tóc cho hơn 300 em học sinh trên địa bàn các xã biên giới".
Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, BĐBP tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trao tặng 450 suất quà cho các gia đình hội viên phụ nữ trên địa bàn các xã biên giới, trị giá 125 triệu đồng; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao tặng 10 con bò giống cho 10 gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Ia Rvê, với tổng trị giá 150 triệu đồng; trao vốn khởi nghiệp cho 31 gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trị giá 445 triệu đồng.
Ngoài ra, các đơn vị BĐBP Đắk Lắk phối hợp với trạm y tế 4 xã biên giới tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện lối sống văn minh, vệ sinh môi trường sạch sẽ; đưa chuồng, trại chăn nuôi tập trung cách xa khu vực nhà ở. Cùng các tổ chức chính trị-xã hội địa phương tổ chức tuyên truyền tập trung về phòng, chống các dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm cho 1.500 lượt người. Duy trì hiệu quả 4 phòng khám quân - dân y kết hợp tại 4 xã biên giới. Tổ chức khám, chữa bệnh tại các xã biên giới được 500 lượt người và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân trị giá 10 triệu đồng.
Những việc làm, mô hình thiết thực của BĐBP Đắk Lắk đã góp phần giúp bà con các dân tộc trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, kiên trì bám trụ bảo vệ chủ quyền, mốc quốc giới, đồng thời, củng cố mối quan hệ quân - dân gắn bó nơi biên cương Tổ quốc.