Nỗ lực chăm lo tết cho giáo viên
Thời điểm hiện tại, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM đã có kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cho cán bộ, giáo viên, người lao động. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các trường đều nỗ lực duy trì mức thưởng tương đương năm ngoái.
Mức thưởng tương đương năm ngoái
Các trường học đang tổng kết thu chi, tính toán mức chi thu nhập tăng thêm cho người lao động. Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM), cho biết, dựa trên các tiêu chí như thâm niên, danh hiệu thi đua, nhiệm vụ, chức vụ, nhà trường sẽ tính toán mức chi thu nhập tăng thêm đối với từng cán bộ, giáo viên. Năm nay, trường cố gắng duy trì mức chi tương đương năm ngoái, trung bình 10-12 triệu đồng/người. Tương tự, tại Trường THPT Đào Duy Anh (quận 6), lãnh đạo đơn vị cho biết, trong năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng khá lớn đến các hoạt động của nhà trường. Tuy nhiên, để động viên tinh thần của người lao động, giúp các thầy, cô yên tâm công tác, đơn vị vẫn cố gắng duy trì mức hỗ trợ tết tương đương năm ngoái (từ 2-8 triệu đồng/người - PV). Đại diện nhà trường cho biết, trong tháng 1-2021, sau khi cân đối lại kinh phí, cán bộ, giáo viên, người lao động sẽ được nhận thêm hỗ trợ dựa trên các tiêu chí gồm thâm niên công tác, thành tích đóng góp trong năm học…
Giải thích thêm về hoạt động chăm lo tết, lãnh đạo các trường đều cho biết, do trường học không phải đơn vị kinh doanh nên không có quy định thưởng tết hay “lương tháng 13”. Khoản tiền cán bộ, giáo viên, người lao động được nhận dịp cuối năm phải gọi chính xác là tiền thu nhập tăng thêm, có được từ tiền tiết kiệm điện, nước, các khoản mua sắm, sửa chữa, chi cho các hoạt động do mạnh thường quân tài trợ (không tính những hoạt động chi từ ngân sách nhà nước)... Do đó, mỗi trường có mức chi thu nhập tăng thêm khác nhau, phụ thuộc vào số lượng học sinh, thâm niên công tác của cán bộ, giáo viên. Đơn cử, cùng một bộ máy quản lý nhưng trường nào có số lượng học sinh nhiều sẽ được ngân sách cấp nhiều hơn. Trong khi đó, cũng cùng bộ máy quản lý, trường nào có số lượng học sinh ít hơn sẽ nhận ngân sách ít đi nên khoản tiết kiệm cuối năm khác nhau. Tuy nhiên, ghi nhận chung từ các trường học trên địa bàn TPHCM cho thấy, các trường đều nỗ lực bằng nhiều hình thức nhằm chăm lo đời sống tinh thần lẫn vật chất cho giáo viên, giúp các thầy cô yên tâm công tác, có thêm điều kiện trang trải chi phí, mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán.
Đẩy mạnh các hoạt động gắn kết người lao động
Hiệu trưởng một trường THPT ở huyện Cần Giờ cho biết, bên cạnh các hoạt động chăm lo tết cho cán bộ, giáo viên, năm nay nhà trường tiếp tục duy trì các hoạt động ý nghĩa hàng năm như gói bánh tét tặng giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ tặng vé tàu, xe cho giáo viên về quê đón tết, tổ chức đêm nhạc giao lưu văn nghệ nhằm gắn kết tất cả thành viên trong trường.
Cũng với mục đích đó, Phó Hiệu trưởng một trường THCS ở quận Gò Vấp bày tỏ, nhằm giúp giáo viên không chạnh lòng khi so sánh mức thưởng tết của trường mình với trường khác, bên cạnh các hoạt động chăm lo tết bằng hiện kim, đơn vị còn quan tâm đời sống tinh thần của cán bộ, giáo viên, người lao động thông qua nhiều hoạt động như tặng vải may áo dài tết, phiếu mua hàng tại siêu thị, tổ chức gặp mặt cuối năm, lì xì cho con cán bộ, giáo viên, người lao động… “Biết là thưởng tết đối với nghề giáo không thể nào so sánh với nhiều ngành nghề khác trong xã hội nhưng nếu lãnh đạo đơn vị kịp thời quan tâm, tạo được gắn kết giữa tất cả thành viên trong trường thì tết vẫn đầm ấm, vui vẻ”, nhà giáo này cho biết. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhiều mặt đời sống, giáo viên ở nhiều trường học cho biết sẵn sàng chia sẻ khó khăn chung của đơn vị.
Về phía Công đoàn ngành giáo dục TPHCM, năm nay, các hoạt động chăm lo tết cho cán bộ, nhà giáo, người lao động vẫn dành ưu tiên các đối tượng là cán bộ, đoàn viên, nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động, gia đình có thu nhập thấp, đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị giảm thu nhập; có chồng hoặc con đang làm nhiệm vụ ở hải đảo, không được về quê đón tết; có vợ hoặc chồng đang làm việc tại đơn vị không có thưởng tết; gia đình ở quê trực tiếp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, không thể về quê đón tết. Mức chăm lo thấp nhất là 500.000đồng/trường hợp. Ngoài ra, ngành giáo dục còn dành 50 suất hỗ trợ cho nhân viên (văn thư, bảo vệ, phục vụ…) hoặc giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, cả hai vợ chồng đều công tác trong ngành giáo dục, đang nuôi con nhỏ dưới 16 tuổi với kinh phí chăm lo gồm 1 triệu đồng tiền mặt và một phần quà trị giá 500.000đồng/trường hợp. Riêng với những trường hợp con giáo viên, nhân viên dưới 16 tuổi sẽ được nhận lì xì 100.000 đồng/em.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn TPHCM sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 từ ngày 8-2-2021 (tức 27 tháng chạp) đến hết ngày 16-2-2021 (tức mùng 5 tết). Như vậy, nếu tính cả hai ngày cuối tuần thì tổng thời gian nghỉ tết là 11 ngày, ít hơn 5 ngày so với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/no-luc-cham-lo-tet-cho-giao-vien-708039.html