Nỗ lực chống vũ khí hạt nhân giúp Nihon Hidankyo đoạt Nobel Hòa bình 2024
Ủy ban Nobel Na Uy vừa công bố chủ nhân của Giải Nobel Hòa bình 2024 với chiến thắng thuộc về tổ chức Nihon Hidankyo, một tổ chức gồm những người sống sót sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử ở Nhật Bản kêu gọi từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Phát biểu với báo giới khi đang ở Lào dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44-45, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã ca ngợi “Việc giải Nobel Hòa bình được trao cho tổ chức đã dành nhiều năm vận động xóa bỏ vũ khí hạt nhân là vô cùng có ý nghĩa”.
Trong khi đó, một cụ ông Nhật Bản 92 tuổi, Terumi Tanaka, người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử của Mỹ ở Nagasaki, đã kêu gọi xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Ông Tanaka nhấn mạnh rằng: "Hãy thử tưởng tượng 4.000 đầu đạn hạt nhân có thể được phóng ngay lập tức. Điều này đồng nghĩa với việc thảm kịch xảy ra tại Hiroshima và Nagasaki có thể nhân lên hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần". Ông Tanaka kêu gọi mọi người cùng nỗ lực để xây dựng một xã hội không vũ khí hạt nhân và không chiến tranh.
Sau khi chủ nhân của Giải Nobel Hòa bình năm 2024 được công bố, người đứng đầu Nihon Hidankyo Toshiyuki Mimaki cho rằng, chiến thắng của tổ chức này sẽ là động lực lớn để cho thế giới thấy rằng từ bỏ vũ khí hạt nhân là việc có thể làm được.
Trong gần 70 năm qua, Nihon Hidankyo - tổ chức kêu gọi từ bỏ vũ khí hạt nhân của Nhật Bản đã miệt mài đấu tranh cho các nạn nhân bom nguyên tử và chống vũ khí hạt nhân toàn cầu, giúp họ giành giải Nobel Hòa bình 2024 “vì những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân và đấu tranh thông qua lời kể của các nhân chứng để vũ khí hạt nhân sẽ không bao giờ được phép sử dụng nữa”.
Ủy ban Nobel Na Uy nhấn mạnh Nihon Hidankyo đã đấu tranh “không biết mệt mỏi” để nâng cao nhận thức của thế giới về hậu quả nhân đạo thảm khốc của việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tổ chức này được thành lập vào năm 1956, quy tụ các nạn nhân chịu ảnh hưởng bởi hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945. Họ được biết đến là các “hibakusha”. Theo trang web của tổ chức, Nihon Hidankyo có thành viên ở tất cả 47 tỉnh Nhật Bản. Họ đang hợp tác chặt chẽ với các hibakusha để bảo vệ cuộc sống và quyền lợi của cho những nạn nhân này.
Nihon Hidankyo theo đuổi 3 mục tiêu hoạt động gồm: Ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân và xóa bỏ vũ khí hạt nhân, đấu tranh đòi bồi thường cho các nạn nhân của bom nguyên tử, đồng thời yêu cầu cải cách chính sách cũng như quy định hiện hành về bảo vệ và hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi bom nguyên tử.
Trước đó, trong bối cảnh những cuộc chiến tranh đang diễn ra trên khắp thế giới, Giải Nobel Hòa bình 2024 ban đầu được dự đoán sẽ vinh danh những cá nhân hoặc tổ chức đang nỗ lực bảo vệ trật tự thế giới. Một số chuyên gia cho rằng với tình hình đó, có thể sẽ không có người nhận giải Nobel Hòa bình năm nay. Tuy nhiên, Ủy ban Nobel Na Uy khẳng định việc tôn vinh những nỗ lực hòa bình “có lẽ quan trọng hơn bao giờ hết”. Tổng cộng có 286 ứng viên - bao gồm 197 cá nhân và 89 tổ chức - được đề cử năm nay. Mặc dù Ủy ban Nobel giữ bí mật danh sách này trong 50 năm, những người đủ điều kiện đề cử có thể công khai tên ứng viên họ đề xuất.