Nỗ lực củng cố kiến thức, hỗ trợ tinh thần cho học sinh lớp 9
Hơn 20 ngày nữa, kỳ thi lớp 10 năm học 2025 – 2026 tại Hà Nội sẽ chính thức diễn ra. Thời điểm này, hàng trăm nghìn học sinh lớp 9 tại Hà Nội đang nỗ lực ôn tập để củng cố kiến thức trong giai đoạn nước rút. Bên cạnh các em, cha mẹ, thầy cô luôn quan tâm sát sao để cổ vũ tinh thần.
Chia nhỏ đối tượng ôn tập
Những ngày này, tại các trường THCS trên địa bàn TP, không khí ôn tập của học sinh lớp 9 được thực hiện nghiêm túc, đúng kế hoạch đề ra. Để tăng hiệu quả ôn tập, các thầy cô hệ thống lại kiến thức khó, hướng dẫn học sinh các thức làm bài và nhấn mạnh, giảng kỹ những dạng bài học sinh thường bị trừ điểm; đồng thời lưu ý các em không chủ quan khi làm bài, tránh mất điểm ở những bài dễ.

Thí sinh dự thi lớp 10 năm 2024.
Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Tây Hồ cho hay: nhiều tháng qua, thầy cô không ngại khó trong việc đồng hành, hỗ trợ học sinh lớp 9. Song song học trên lớp, thầy cô sẵn sàng kết nối trực tuyến để giải đáp thắc mắc hoặc giảng lại bài cho học sinh (nếu có nhu cầu). Cùng với đó, thầy cô còn hướng dẫn học sinh tự học, giao bài, giao đề và giới thiệu sách hay, link các đề thi năm trước để học sinh tự làm, tự trau dồi kiến thức.
Với các trường THCS trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, "tiết 0" cho học sinh lớp 9 được triển khai từ tháng 3 và mang lại hiệu quả tích cực. Tiết 0 là những tiết học bắt đầu trước giờ vào học tiết 1 theo thời khóa biểu. Đây là khoảng thời gian quý báu để thầy cô bổ trợ miễn phí cho những học sinh có học lực chưa tốt và có mong muốn được ôn tập tăng cường để củng cố kiến thức.
Nhà giáo Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) cho hay: từ đầu năm học, nhà trường đã trao đổi với học sinh lớp 9 về tầm quan trọng của kỳ thi vào lớp 10. Mỗi tháng, trường khảo sát ba môn toán, ngữ văn và tiếng Anh, gửi kết quả cho phụ huynh để phụ huynh biết tình hình học tập của con và có sự phối hợp với nhà trường giúp học sinh tiến bộ.
“Theo quy định hiện nay, các em chỉ có 6 tiết toán/tuần để vừa hoàn thành kiến thức theo chương trình, vừa ôn tập. Thời lượng dạy và học như vậy không đủ khi mỗi lớp có hơn 40 học sinh với nhiều trình độ học tập khác nhau. Để công tác bổ trợ đạt hiệu quả, chúng tôi phải chia học sinh theo nhóm trình độ để theo dõi, hỗ trợ. Đặc biệt với nhóm học sinh có học lực yếu, nhiều giáo viên phải tổ chức dạy miễn phí ngoài giờ (từ 17-19 giờ) để các em có thêm nhiều kiến thức”, cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên dạy toán tại quận Ba Đình cho hay.
Giữ sức khỏe tinh thần cho học sinh
Từ nửa sau tháng 5, ngoài các kỳ thi thử thì một số trường THPT chuyên đóng tại địa bàn TP Hà Nội bắt đầu tổ chức kỳ thi tuyển sinh chính thức. Do vậy, một bộ phận học sinh lớp 9 dễ rơi vào trạng thái căng như dây đàn khi vừa phải hoàn thành chương trình ôn tập trên lớp, tham gia học thêm tại trung tâm, tự học, ôn luyện tại nhà lại vừa tham gia các kỳ thi thử và thi thật.

Học sinh cần giữ tinh thần tốt trước khi bước vào kỳ thi chính thức.
“Tất cả các cuối tuần trong tháng 5 em đều kín lịch thi thật lẫn thi thử; trong đó có kỳ thi vào Trường THPT chuyên Khoa học xã hội & nhân văn. Trên lớp và tại trung tâm, lịch học của em vẫn duy trì đều đặn. Mỗi ngày em ôn tập đến tầm 1 giờ sáng và ngủ khoảng 5 tiếng rồi lại dậy đi học. Kế hoạch học và thi dày đặc, thời gian ngủ ít khiến em không tránh khỏi sự căng thẳng.”, Nguyễn Hồng An, học sinh lớp 9 quận Thanh Xuân chia sẻ.
Với Nguyễn Hà Anh (quận Cầu Giấy), càng gần kỳ thi, em càng lo lắng nhiều hơn. “Em lo khi tỷ lệ chọi tăng thì điểm chuẩn sẽ tăng. Có đôi khi em nghĩ đến tình huống trượt nguyện vọng 1 vì thiếu 0,25 điểm hoặc trượt cả 3 nguyện vọng công lập. Em vừa muốn kéo dài thời gian ôn luyện để củng cố kiến thức tốt hơn, lại cũng mong kỳ thi sớm kết thúc để được nghỉ ngơi”, học sinh này nói.
Theo PGS.TS, chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà, một điều rất quan trọng trong giai đoạn ôn thi nước rút của học sinh lớp 9, đó là các em cần ngủ đủ giấc và có giấc ngủ sâu để phục hồi năng lượng. Các em nên xây dựng kế hoạch học tập khoa học, không học triền miên, học quá khuya, bỏ bữa, đồng thời có chế độ dinh dưỡng hợp lý và luôn nhớ uống đủ nước mỗi ngày.
Còn nhà giáo Hoàng Thị Mận, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Newton (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, tại thời điểm chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10, bên cạnh các lớp ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh lớp 9, để các em có tâm lý thoải mái, thư giãn, Trường THCS – THPT Newton cũng đẩy mạnh tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho học sinh và phụ huynh như: Ngày hội thể giao gia đình, Ngày hội công nghệ N-tech… Những hoạt động sôi nổi đó vừa tạo hiệu quả học tập vừa giảm áp lực tinh thần cho học sinh.
Theo các chuyên gia, từ nay đến kỳ thi là giai đoạn phụ huynh cần quan tâm và đặt sự ưu tiên cao nhất cho học sinh cuối cấp. Ngoài chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý, điều cha mẹ cần lưu ý là giảm áp lực thi cử lên con. Đôi khi vì sự kỳ vọng quá lớn từ cha mẹ khiến học sinh vào phòng thi với trạng thái lo nơm nớp vì sợ điểm kém sẽ bị bố mẹ mắng chửi hoặc làm bố mẹ thất vọng. Ngược lại, nếu nhận được những lời động viên từ cha mẹ, các em sẽ ổn định tâm lý và làm bài đạt kết quả tốt.
Kỳ thi lớp 10 công lập năm học 2025 - 2026 tại Hà Nội sẽ diễn ra từ 7 – 9/6/2025; trong đó, ngày 7 và 8/6, học sinh thi lớp 10 không chuyên, ngày 9/6 dành cho các em thi chuyên. Để phục vụ gần 110.000 thí sinh tham gia dự thi, TP Hà Nội bố trí 210 điểm thi, hơn 4.500 phòng thi. Với nhiều trường học được xây mới, sửa chữa, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2025 - 2026 của Hà Nội đạt 64%, tăng 3% so với năm trước. Theo kế hoạch, điểm thi và điểm chuẩn năm nay công bố trong 1 ngày; chậm nhất trong khoảng 4 – 6/7/2025, kết quả thi sẽ được thông tin đến thí sinh và phụ huynh.