Nỗ lực đảm bảo lưu thông an toàn tại các điểm sạt lở
Do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão số 3, huyện Nguyên Bình là địa bàn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của những vụ sạt lở đất. Cùng với các lực lượng khác, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tích cực tham gia tìm kiếm cứu nạn, tăng cường tuần tra, cảnh giới, chốt chặn, phân luồng giao thông nhằm đảm bảo cho người dân lưu thông an toàn.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn huyện Nguyên Bình xảy ra mưa, sạt lở đất tại rất nhiều điểm, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội của người dân nơi đây. Đặc biệt nghiêm trọng có 3 điểm sạt lở gồm: xóm Khuổi Ngọa, Lũng Lỳ, xã Ca Thành; xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc gây chết, bị thương và mất tích nhiều người. Để cảnh báo an toàn cho nhân dân, lực lượng CSGT đã đặt biển cảnh báo, chăng dây, chốt chặn tại đầu các tuyến đường sạt lở, kiên quyết nhắc nhở người dân đi vào vùng an toàn.
Thượng tá Hoàng Văn Long, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: từ Km211+200 đến Km211+700 quốc lộ 34 đi qua thị trấn Nguyên Bình có nguy cơ sạt lở lớn, nguy hiểm cho người dân và các hộ dân ở khu vực và Km179+50 đến Km179+420 quốc lộ 34 sạt lở, tắc đường. Các tuyến đường tỉnh 212 đi xã Thành Công, đường tỉnh 218 đi xã Mai Long, đường tỉnh 202 đi xã Yên Lạc sạt lở nhiều đoạn, khối lượng đất đá sạt lở lớn. Ngay khi nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại xã Ca Thành (Nguyên Bình), phòng CSGT đã thành lập tổ công tác gồm 10 đồng chí chuẩn bị các trang thiết bị, công cụ phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, khẩn trương đi vào hiện trường vụ tai nạn. Trên toàn tuyến, có rất nhiều khu vực bị sạt lở, tắc đường, nguy hiểm, lực lượng CSGT đã cảnh báo khu vực nguy hiểm, nhắc nhở người tham gia giao thông, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nghiêm cấm phương tiện qua lại tại khu vực sạt lở nghiêm trọng. Tiến hành điều tiết giao thông sau khi thông đường; ưu tiên các phương tiện chở người bị thương đi cấp cứu và các phương tiện đi làm nhiệm vụ, các phương tiện chở hàng nhu yếu phẩm. Đồng thời, hỗ trợ người dân di chuyển phương tiện nhanh chóng qua các khu vực bị sạt lở để đảm bảo an toàn.
Vụ sạt lở đất tại địa phận xóm Khuổi Ngọa, xã Ca Thành, khối lượng đất đá lớn tràn xuống mặt đường Quốc lộ 34 làm 1 xe khách của Nhà xe Việt Trang (chạy tuyến Thành phố - Bảo Lâm), 1 xe con và nhiều phương tiện tham gia giao thông bị vùi lấp đẩy tràn xuống suối. Cùng với các lực lương cứu hộ khác, lực lượng CSGT nhanh chóng tiếp cận hiện trường, ghi nhận tình hình, phối hợp tổ chức tìm kiếm người bị nạn. Tại các điểm sạt lở CSGT Công an tỉnh đã cùng các lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát Phòng Cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, quân đội, dân quân,… tham gia tìm kiếm nạn nhân tại các con suối và hỗ trợ đưa thi thể nạn nhân lên bờ để bàn giao cho lực lượng y tế và gia đình người bị nạn.
Đối với các tuyến đường từ Ca Thành qua Vũ Nông đang bị sạt, lở nghiêm trọng gây nguy hiểm cho các phương tiện, lực lượng CSGT đã cắm cây, căng dây để cảnh báo nguy hiểm, thông báo cho Hạt quản lý đường bộ để xử lý đoạn đường đang bị sạt lở, cảnh báo 2 đầu, cấm các phương tiện đi qua đoạn đường cho đến khi xử lý xong và đảm bảo an toàn mới cho thông tuyến. Tại khu vực ngã 3 Ca Thành, lực lượng CSGT đã cấm hoàn toàn các phương tiện của người dân kể cả người đi bộ qua khu vực xảy ra tai nạn về hướng Bảo Lạc vì nhiều đoạn đường bị tắc và còn đang sạt lở rất nguy hiểm (trừ các phương tiện của lực lượng chức năng đi làm nhiệm vụ) do khu vực còn tiếp tục có nguy cơ xảy ra sạt lở, mất an toàn.
Từ ngày 9/9 đến nay, phòng CSGT đã bố trí 2 tổ công tác gồm 20 cán bộ, chiến sĩ, 4 đồng chí lãnh đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ tại khu vực xảy ra tai nạn. Trong công tác phối hợp, phòng CSGT cùng các lực lượng tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích, tiến hành bàn giao cho gia đình, hỗ trợ các nạn nhân có mặt tại hiện trường đến các khu vực an toàn trong đó có gia đình 1 sản phụ và em bé 6 ngày tuổi. Phân luồng giao thông để các phương tiện của lực lượng chức năng tham gia thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường, không để người dân và các tổ chức không liên quan đến khu vực nguy hiểm và không để xảy ra tai nạn hay ùn tắc, cản trở giao thông trong quá trình tìm kiếm, hỗ trợ người dân tại các khu vực bị tai nạn.
Lực lượng CSGT Công an huyện Nguyên Bình là đơn vị chủ lực tại địa phương, đã phối hợp với các lực lượng chức năng làm tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông và thực hiện tốt công tác cứu nạn cứu hộ. Theo Trung tá Dương Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội CSGT, Trật tự, Công an huyện Nguyên Bình: Từ lúc xảy ra bão số 3 đến nay, cùng với các lực lượng, đội đã bố trí 100% cán bộ, chiến sỹ trực và ứng trực, phân công cán bộ, chiến sỹ tham gia các tổ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, chỉ huy điều tiết giao thông tại tuyến sạt lở gây hậu quả chết người; phân công cán bộ, chiến sỹ tuần lưu phát hiện các điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở để phối hợp với đơn vị chức năng cảnh báo nguy hiểm, điều tiết giao thông tại các điểm sạt lở đang được khắc phục, phân luồng, hướng dẫn giao thông cho các phương tiện tránh các điểm sạt lở nguy hiểm để đi qua các tuyến an toàn hoặc cấm đường khi xảy ra nguy hiểm cao, mất an toàn tại các điểm sạt lở; phân công cán bộ, chiến sỹ tham gia cứu hộ, giúp nhân dân vận chuyền đồ đạc, tài sản khỏi các điểm ngập lụt, nguy cơ sạt lở…
Trước tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, người dân đều chấp hành tuân thủ trước sự điều tiết, phân luồng của lực lượng CSGT. Anh Nông Văn Tuấn, tại Thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc cho biết: Thường xuyên lưu thông qua huyện Nguyên Bình để về huyện Bảo Lạc, tôi thấy lực lượng CSGT làm việc rất vất vả, phân luồng phù hợp và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông rất hợp lý. Chúng tôi luôn tuân thủ chấp hành hiệu lệnh, làm sao đảm bảo tính mạng tốt nhất.
Để đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực sạt lở trong thời gian tới, phòng CSGT, Công an tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSGT và Giám đốc Công an tỉnh về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất. Bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực, tuyến giao thông trọng yếu, các khu vực sạt lở đất, cảnh báo khu vực nguy hiểm, nhắc nhở người tham gia giao thông, hướng dẫn, phân luồng giao thông. Nghiêm cấm các phương tiện lưu thông qua khu vực sạt lở nghiêm trọng để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Phối hợp với các lực lượng chức năng, sẵn sàng ứng cứu, tổ chức sơ tán, di dời người và tài sản của nhân dân đến khu vực an toàn. Đảm bảo yêu cầu về thiết bị, thông tin liên lạc, công cụ hỗ trợ,… thực hiện hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”. Tổ chức trực ban, ứng trực 100% quân số, chuẩn bị phương tiện, thiết bị để triển khai các biện pháp và sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.