Nỗ lực đáp ứng nhu cầu nước sạch cho người dân
Những năm qua, từ việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn khác nhau, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An được đầu tư xây mới, nâng cấp. Những công trình này mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống người dân.
Được quan tâm đầu tư
Trước đây, gần 200 hộ dân ở ấp 1, xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước sạch để sinh hoạt. Nguyên nhân là trạm cấp nước (TCN) sử dụng lâu ngày đã xuống cấp, thường xuyên hư hỏng, không bảo đảm nguồn nước phục vụ người dân.
Hàng ngày, người dân phải sử dụng nguồn nước từ các tuyến kênh dù biết rất ô nhiễm nhưng đành phải chấp nhận.
Gần đây, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh hỗ trợ hơn 2 tỉ đồng, huyện đầu tư xây dựng TCN để phục vụ người dân nơi đây. Bà Võ Thị Liễu (ấp 1, xã Thạnh Hưng) chia sẻ: “Trước đây, TCN thường xuyên bị hư hỏng, những ngày có nước cũng không bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân, nước chảy nhỏ giọt, người dân muốn sử dụng phải canh từng giờ để hứng nước, những ngày không có nước phải xuống kênh để tắm, giặt.
Được sự quan tâm của Nhà nước, TCN mới được xây dựng bảo đảm nguồn nước cho người dân sử dụng, chúng tôi mừng lắm!”.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Lê Thành Yên, hiện trên địa bàn huyện có 41 TCN, trong đó, 27 TCN do UBND các xã quản lý, khai thác, 14 TCN do Công ty Cổ phần Đô thị Tân Hưng quản lý khai thác. Hầu hết các TCN đang vận hành theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Kết quả điều tra Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn năm 2023, hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn huyện đạt 99,88%, hộ dân sử dụng nước sạch đạt 68,27%.
Những năm trước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn về vấn đề nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân, nhất là vào thời điểm nắng nóng và hạn kéo dài, nguồn nước không đủ cung cấp phục vụ sinh hoạt khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Từ khi có nguồn nước sạch về nông thôn, người dân không còn lo lắng về nguồn nước sinh hoạt hàng ngày.
Ông Phạm Như Nhã (ấp Chợ Trạm, xã Mỹ Lệ) bộc bạch: “Lúc trước, thiếu nước, người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước mưa dự trữ hoặc nước sông không bảo đảm vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Sau thời gian đầu tư, đưa nguồn nước sạch về từng hộ dân, hiện nguồn nước được duy trì ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân địa phương”.
Chủ tịch UBND xã Mỹ Lệ - Nguyễn Văn Thành cho biết: “Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, xã được thụ hưởng chương trình, dự án nên người dân có nước sạch để sử dụng. Hiện trên địa bàn xã có 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 89% hộ dân sử dụng nước sạch”.
Tại huyện Tân Trụ, người dân cũng phấn khởi khi được đầu tư đường ống cấp nước về đến vùng sâu, vùng xa. Hiện toàn huyện có 99,98% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 79,11% hộ dân sử dụng nước sạch. Hàng năm, vào mùa khô, rất nhiều hộ dân xã Tân Phước Tây gặp khó khăn về nước sinh hoạt nhưng nay thì không còn phải lo thiếu nước.
Chủ tịch UBND xã Tân Phước Tây - Nguyễn Trọng Nghĩa thông tin: “Để bảo đảm người dân đủ nước sinh hoạt, xã được đầu tư đường ống dẫn nguồn nước từ Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An đến từng hộ dân.
Hiện toàn xã có 99,82% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có hơn 98,53% hộ dân sử dụng nước sạch”. Phấn khởi khi được lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt để sử dụng, bà Nguyễn Thị Mai (ấp 4, xã Tân Phước Tây) nói: “Vào mùa khô, để có nước sinh hoạt, gia đình tôi phải dự trữ nước mưa. Bây giờ, có nước sạch về đến tận nhà, nhờ đó bảo đảm sức khỏe cho gia đình, không phải lo thiếu nước sinh hoạt”.
Vẫn còn tình trạng thiếu nước cục bộ vào mùa khô
Để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, thời gian qua, tỉnh thực hiện nhiều dự án cấp nước tại các huyện vùng hạ (Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ). Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước cục bộ còn diễn ra ở các địa phương vùng hạ vào thời điểm mùa khô.
Hơn 1 tháng qua, hàng trăm hộ dân ở các xã: Đức Tân, Nhựt Ninh (huyện Tân Trụ), Tân Tập, Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây, Long An (huyện Cần Giuộc) bị thiếu nước sinh hoạt.
Từ đó, cuộc sống của người dân bị xáo trộn, nhất là những ngày này khi mùa khô, nắng nóng gay gắt.
Để có nước sinh hoạt, người dân phải thức lúc 1, 2 giờ sáng để canh lấy nước từ hệ thống cấp nước nhưng vẫn không đủ sử dụng trong ngày.
Phương án giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt phổ biến của người dân mỗi ngày là đến nhà người thân ở xã khác chở từng can nước 30 lít về sử dụng.
Đối với những gia đình có nhu cầu sử dụng nhiều nước thì “bấm bụng” bỏ tiền mua nước từ các xe ba gác với giá 200.000-300.000 đồng/m3, tùy theo đường vận chuyển.
Bà Đặng Thị Phương (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc) cho hay, nhiều ngày qua, gia đình bà và các hộ dân trong ấp phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Trong khi đó, gia đình bà đã lắp đặt 2 đồng hồ của 2 đơn vị cấp nước và phải thay phiên nhau thức giữa đêm để canh lấy nước nhưng cũng không đủ sử dụng trong ngày.
Tại huyện Tân Trụ, có khoảng 200 hộ dân ở 2 xã Đức Tân và Nhựt Ninh thiếu nước sinh hoạt. Nguyên nhân là TCN của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh đóng trên địa bàn xã Đức Tân quá tải, không đủ lượng nước đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo, để giúp người dân có nước sử dụng trong thời gian này, huyện đã làm việc với đơn vị cấp nước và chỉ giải quyết được theo phương án tạm thời là cấp nước luân phiên theo từng khu vực.
Những khu vực xa đường ống dẫn, huyện phối hợp hỗ trợ xe để vận chuyển nước về cho người dân sử dụng. Về lâu dài, TCN này cần được nâng cấp vì nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao.
Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh - Hà Văn Thiệp cho biết: “Thời gian qua, công tác đầu tư cấp nước sạch và nước hợp vệ sinh cho người dân nông thôn đạt một số kết quả tích cực.
Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch ngày càng tăng cao. Các công trình cấp nước nông thôn được hình thành góp phần tăng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, hoàn thành tiêu chí 17.1 trong xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao”.
“Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo, điều hành, kế hoạch phân bổ vốn trung hạn, hàng năm của tỉnh và nguồn vốn chương trình nông thôn mới để tiếp tục đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước; từng bước xóa bỏ các công trình cấp nước có quy mô nhỏ, chất lượng nước kém, tiến tới thực hiện chủ trương cấp nước an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao mức sống cho người dân, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; đẩy mạnh xã hội hóa cấp nước sạch nông thôn; tăng cường kiểm tra, giám sát về cấp nước nông thôn;...” - ông Hà Văn Thiệp cho biết thêm./.
Theo kết quả cập nhật Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn năm 2023, toàn tỉnh có 1.332 công trình cấp nước nông thôn, cấp nước cho 279.414 hộ gia đình. Hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,88%, nước sạch đạt 75,2%.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/no-luc-dap-ung-nhu-cau-nuoc-sach-cho-nguoi-dan-a173793.html