Nỗ lực đạt lợi nhuận 3 tỷ đồng, đường sắt hứa hẹn thoát lỗ ngay trong năm nay
Năm 2023, công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phấn đấu đạt lợi nhuận sau thuế 3 tỷ đồng, chấm dứt tình trạng thua lỗ kéo dài. Ngay từ đầu năm, tình hình kinh doanh vận tải đã khởi sắc, hứa hẹn một năm xoay trục chuyển mình của ngành đường sắt...
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa ký Quyết định số 143/QĐ-UBQLV phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2023 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).
TỐI ƯU CHI PHÍ, PHẤN ĐẤU ĐẠT LỢI NHUẬN 3 TỶ ĐỒNG
Theo quyết định này, một trong những mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 siêu Ủy ban giao cho công ty mẹ là quyết tâm thực hiện cân bằng thu chi, phấn đấu có lãi từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, năm 2023, VNR phấn đấu tổng doanh thu đạt 6.505 tỷ đồng, đã bao gồm doanh thu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; lợi nhuận sau thuế đạt 3 tỷ đồng; thuế và các khoản phải nộp Nhà nước là 115 tỷ đồng.
Một số thước đo hiệu quả tài chính phải đảm bảo như: tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu là 0%, hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1. Cùng với đó, tổng công ty cần duy trì không có nợ phải trả quá hạn hay kế hoạch vốn đầu tư nhỏ hơn 51,7 tỷ đồng.
Ủy ban Quản lý vốn cũng đề nghị VNR chấp hành các chính sách pháp luật của nhà nước về kinh doanh đường sắt; đảm bảo giao thông đường sắt vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả.
Đồng thời, đổi mới sáng tạo, điều chỉnh linh hoạt cơ cấu, quy mô tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, khai thác có hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động, đảm bảo phát triển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bền vững và từng bước hiện đại.
"Tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, hiệu quả tài chính của doanh nghiệp; đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát tình hình tài chính tại các đơn vị có vốn góp của công ty mẹ nhằm bảo toàn vốn góp của công ty mẹ", Ủy ban quản lý vốn đề nghị.
Ngoài ra, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu do cấp có thẩm quyền giao, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước; đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chăm 1o tốt đời sống cho người lao động.
GIÁM SÁT CHẶT CÔNG TY CON ĐANG THUA LỖ, THÍCH NGHI VỚI TÌNH HÌNH MỚI
Ủy ban Quản lý vốn cũng yêu cầu Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VNR chỉ đạo việc tổ chức triển khai mục tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023 theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, sử dụng và quản lý nguồn vốn nhà nước bảo đảm hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
"Tập trung hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2023; qua đó, đạt mục tiêu chấm dứt tình trạng thua lỗ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nguy cơ mất vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, không cấu thành các dấu hiệu mất an toàn tài chính", Ủy ban Quản lý vốn đề nghị.
VNR cũng cần thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình tài chính tại các công ty con đang thua lỗ; có biện pháp giảm trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn đối với các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của công ty mẹ.
Bên cạnh đó, cần xây dựng phương án chạy tàu hợp lý, khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của từng tuyến chạy tàu, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh vận tải hàng hóa định hướng chuyên môn hóa.
Giữ vững an toàn vận tải, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, giảm tối đa tai nạn và sự cố chạy tàu.
Đồng thời, có phương án giảm thiểu tác động của diễn biến giá nhiên liệu tới hoạt động sản xuất, kinh doanh; có phương án tối ưu chi phí sản xuất, kết hợp chiến lược giá phù hợp, tạo lợi thế cạnh tranh với các loại hình vận tải khác.
"Chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi phương án cơ cấu lại do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 303/VPCP-ĐMDN khẩn trương hoàn thiện công tác cơ cấu lại theo quy định và đạt tiến độ đề ra. Trong quá trình thực hiện đảm bảo tiết kiệm chi phí, tuyệt đối không để thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, có phương án tổ chức nhân sự, bố trí lao động, việc làm phù hợp", Ủy ban Quản lý vốn yêu cầu.
Về việc thực hiện đầu tư năm 2023, Ủy ban Quản lý vốn đề nghị VNR chỉ quyết định đầu tư các dự án thật sự cần thiết, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, phù hợp với khả năng triển khai thực hiện và giải ngân trong năm 2023, bảo đảm việc đầu tư hiệu quả, bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; phòng, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của nhà nước và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Ủy ban Quản lý vốn đề nghị VNR khẩn trương nghiên cứu giải pháp tổng thể nhằm kịp thời thích nghi với một số thay đổi, thách thức trọng yếu tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Theo đó, một là,căn cứ quy định về niên hạn phương tiện vận tải đường sắt, tới năm 2023, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ thiếu hụt số lượng lớn phương tiện vận tải phục vụ hoạt động.
Tuy nhiên, thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, việc tiếp tục đầu tư thay thế đầu máy diezel hết niên hạn phục vụ nhu cầu hiện tại, vừa đầu tư mới đầu máy chạy năng lượng sạch phục vụ nhu cầu tương lai là tốn kém và không hiệu quả.
Do đó, Ủy ban đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng phương án sử dụng, lộ trình đầu tư các phương tiện vận tải đường sắt đảm bảo hoạt động bình hành, đảm bảo khả năng cân đối tài chính và khả năng huy động nguồn vốn; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền phương án tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn chuyển đổi tất yếu của ngành công nghiệp đường sắt; có lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26 về chuyển đổi phương tiện vận tải không phát thải khí nhà kính.
Hai là, phối hợp tích cực với các bộ, ngành trong việc trình phê duyệt Đề án 46, sửa đổi điều lệ hoạt động, xây dựng đề án giao kết cấu hạ tầng đường sắt tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp...
Trên cơ sở đó, rà soát các quy hoạch mạng lưới đường sắt, định hướng phát triển của ngành đường sắt, xây dựng bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp nhằm dự báo thị phần, sản lượng vận tải; xác định nhu cầu đầu tư, khả năng huy động vốn, phương án tài chính, lộ trình áp dụng khoa học công nghệ...
KINH DOANH VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT KHỞI SẮC
Trước đó, tại hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2023 tổ chức đầu năm, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết trong năm 2022 đạt doanh thu hợp nhất 7.718,2 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ và vượt 15,8% kế hoạch năm. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất dù vượt 75,7% so với cùng kỳ và vượt 74,1% kế hoạch (tương ứng giảm lỗ 373 tỷ đồng) nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ 130,5 tỷ đồng.
Trong đó, công ty mẹ đạt doanh thu 5.368 tỷ đồng, bằng 123% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế lỗ 200 tỷ đồng, bằng 163,6% kế hoạch và không xuất hiện các khoản nợ quá hạn.
Khoản lỗ 200 tỷ đồng của công ty mẹ bao gồm chênh lệch thu chi từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính là -174 tỷ đồng; chênh lệch thu chi từ hoạt động tài chính và hoạt động khác là -26 tỷ đồng. Trong đó, các khoản chi không tạo ra doanh thu gồm trích lập dự phòng tổn thất các khoản thu tài chính gồm lỗ từ các công ty cổ phần vận tải đường sắt -12 tỷ đồng, lãi vay dự án -13,8 tỷ đồng, tiền phạt chậm nộp thuế đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội -35,6 tỷ đồng.
Lý giải việc giảm lỗ đáng kể năm vừa qua, Tổng Giám đốc Đặng Sỹ Mạnh cho biết đến từ sự bứt phá của vận tải hàng hóa, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trên 50% thời điểm trước dịch; sự khởi sắc từ đường sắt liên vận với đà tăng trưởng hai con số. Đơn vị cũng đưa ra giải pháp chạy tàu khách linh hoạt, đặc biệt vào đợt cao điểm hè, để bám sát tín hiệu thị trường và đáp ứng nhu cầu hành khách.
Ngoài ra, ngành đường sắt cũng ra sức đổi mới, liên kết với các doanh nghiệp du lịch, đưa ra các sản phẩm kết hợp vận chuyển đường sắt - du lịch hấp dẫn. Gần đây nhất, Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn vừa phát động phong trào “Đường tàu - Đường hoa” dọc hành lang tuyến đường sắt Thống Nhất từ Km 1723+938 - 1724+154 để sớm hình thành tuyến đường hoa dài nhất Việt Nam và trở thành điểm nhấn du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với các địa phương và đến với Việt Nam...
Tiếp đà phục hồi năm vừa qua, trong quý 1/2023, sản lượng hành khách các doanh nghiệp trong ngành chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, sản lượng hành khách Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (HRT) đạt hơn 800.000 hành khách, tăng trưởng 200% so với cùng kỳ 2022, với doanh thu vận tải hành khách đạt khoảng 300 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn (SRT) cũng ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng hành khách trên 130% so với cùng kỳ, đạt hơn 660.000 hành khách, đem lại doanh thu hơn 360 tỷ đồng.
Với sự khởi sắc về tình hình kinh doanh vận tải ngay từ đầu năm, ngành đường sắt kỳ vọng sẽ sớm chấm dứt tình trạng kinh doanh thua lỗ và những hệ quả tiêu cực do đại dịch để lại ngay trong năm nay.