Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025

Hội nghị Ban Chấp hành TW Đảng khóa XIII vừa diễn ra đã thống nhất Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và tăng trưởng giai đoạn 2026-2030 liên tục đạt hai con số. Đây là mục tiêu thách thức đòi hỏi nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các địa phương và khối doanh nghiệp tư nhân với tư cách là những động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Tại Văn kiện Đại hội Đảng XIII, Việt Nam đặt mục tiêu "thoát bẫy thu nhập trung bình, đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao".

Để hiện thực hóa mục tiêu này, thay vì mức tăng trưởng 7-7,5% theo chỉ tiêu Quốc hội giao cho năm 2025, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu tăng trưởng đạt 8%, tạo tiền đề để tăng trưởng liên tục hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Nhìn lại lịch sử gần 40 năm đổi mới (1986-2024), đặc biệt 14 năm gần đây (2011-2024), Việt Nam chỉ đạt mức tăng trưởng trên 8% duy nhất vào năm 2022. Năm 2024, nhờ nhiều nỗ lực, GDP đạt 7,09%, do vậy, để đạt mục tiêu 8% trong năm 2025 đòi hỏi quyết tâm rất lớn.

Ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Ngay từ cuối tháng 12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 140/CĐ-TTg yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương xây dựng các kịch bản tăng trưởng nhằm đạt tối thiểu 8% trong năm 2025, đồng thời phấn đấu đạt mức tăng trưởng hai con số trong điều kiện thuận lợi. Chính phủ cũng đặt yêu cầu cao đối với các địa phương "đầu tàu tăng trưởng" như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... Nếu những địa phương này đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2024 sẽ tạo động lực lan tỏa mạnh mẽ".

Các chuyên gia kinh tế nhận định, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%, Việt Nam cần tập trung vào: cải cách thể chế, đột phá về cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư; khai thác tối đa tiềm năng nội tại và tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế; làm mới động lực kinh tế truyền thống như xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư; đồng thời phát triển các động lực tăng trưởng mới.

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh (CIEM) cho rằng: "Áp lực cải cách môi trường kinh doanh vẫn là yếu tố quyết định để thu hút vốn tư nhân, vốn FDI. Tuy nhiên, cải cách hành chính, ứng dụng thủ tục điện tử vẫn còn hình thức, cần sự đột phá thực chất hơn".

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định: "Động lực tăng trưởng mới đến từ Nghị quyết 57 mà Chính phủ mới ban hành là khoa học công nghệ, chuyển đổi số và còn nhiều dư địa ở đây. Liên quan đến chuyển đổi xamh, chuyển đổi năng lượng và cải cách thể chế, bài học kinh nghiệm là khi chúng ta làm tốt công tác thể chế thì sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực vượt bậc. Cuối cùng là phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác".

Với chủ đề của năm 2025 là "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá", Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ hạ tầng chiến lược và triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai Nghị quyết 57 đã họp phiên đầu tiên xác định cụ thể các công việc cần được thực hiện trong Quý I, Quý II, Quý II và Quý IV của năm 2025. Đây là những tiền đề quan trọng để chúng ta kỳ vọng mức tăng trưởng ấn tượng của năm nay.

Phúc Minh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/no-luc-dat-muc-tieu-tang-truong-gdp-tren-8-nam-2025-299040.htm