Nỗ lực dạy chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số Chăm

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu nâng tỷ lệ đồng bào DTTS Chăm từ 15 tuổi trở lên biết đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông (tiếng Việt), huyện An Phú (tỉnh An Giang) chọn xã Nhơn Hội tổ chức điểm xóa mù chữ.

1 tháng sau ngày khai giảng, cứ đều đặn 16 - 19 giờ mỗi ngày, không khí các lớp học tại Thánh đường Khay Ri Yah và Tiểu thánh đường Nur Dil (xã Nhơn Hội) lại vang tiếng đánh vần ê a…

Điều đặc biệt của các lớp học này là học viên nhiều độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau, có người già và trẻ nhỏ. Nhưng tất cả lại cùng điểm chung, đó là mong muốn biết đọc, biết viết tiếng Việt. Đó cũng là lý do mà đồng bào không ngại khó khăn hay tuổi tác, tích cực đến lớp mỗi ngày, sau giờ lao động mệt nhọc.

Thấy được sự cố gắng của học viên trên đường đến với con chữ, thầy Trần Trọng Tâm (giáo viên Trường Tiểu học “A” Nhơn Hội) chia sẻ: “Mặc dù gặp chút khó khăn về bất đồng ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nhưng với vai trò là người thầy, bản thân tôi luôn lắng nghe, tìm hiểu để có phương pháp truyền đạt kiến thức hiệu quả nhất, giúp học viên biết đọc, biết viết, hoàn thành nhiệm vụ khóa học đặt ra”.

Ban đầu, khi mới mở lớp, vẫn còn nhiều người e ngại lớn tuổi, sợ chậm tiếp thu. Nhưng nhờ sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, ban giáo cả các thánh đường, lớp dần đông. Đặc biệt, một số anh chị, cô chú đến lớp học được vài ngày thì cảm thấy thích thú. Sau đó, người này rủ thêm người kia đến lớp. Ban đầu, địa phương dự kiến mở 1 lớp với 35 học viên. Nhưng đến nay đã có trên 90 học viên, chia thành 2 lớp.

Ông Ây Dốp (Trưởng ban Giáo cả Tiểu thánh đường Nur Dil) cho biết: “Chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất để người dân đến học, đồng thời phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào chưa biết chữ cố gắng sắp xếp thời gian tham gia”.

Ông Sa Lay Mal (Phó ban Giáo cả Thánh đường Khay Ri Yah) bày tỏ: “Tôi rất vui mừng và cám ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS Chăm trong việc xóa mù chữ. Mong bà con cố gắng học tập nghiêm túc, tiếp thu kiến thức đã học một cách tốt nhất”.

Chị Sa Ly Háh (học viên tại thánh đường Khay Ri Yah) cho biết: “Trước đây, gia đình nghèo, phải theo cha mẹ làm thuê kiếm sống nên tôi không đi học. Giờ được học lớp xóa mù chữ, tôi rất vui. Khi biết chữ, tôi có thể dạy con học hoặc đi làm giấy tờ thuận lợi”. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, con đường tìm chữ của anh Sa Lếs (ngụ ấp Búng Lớn) gặp không ít khó khăn.

Được tham gia lớp học xóa mù chữ do địa phương tổ chức, anh vui mừng chia sẻ: “Cả gia đình tôi đều không biết chữ, rất bất tiện trong việc làm ăn. Vì thế, tôi học lớp này để biết đọc, biết viết. Sau này đi làm ăn, đi làm công ty cũng dễ dàng xin việc hơn”.

Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của Ban Giáo cả, đặc biệt sự quyết tâm trong quá trình dạy và học, tất cả giáo viên và học viên đều hy vọng sau 4 tháng, họ đọc thông, viết thạo.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Phú Lê Văn Nắng cho biết: “Hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xóa mù chữ, nâng tỷ lệ người DTTS Chăm biết chữ trong độ tuổi 15 - 60, góp phần tạo cơ hội cho họ nâng cao dân trí, đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.

“Trong giai đoạn hội nhập, song song với tiếng mẹ đẻ (tiếng dân tộc Chăm), tiếng Việt (tiếng phổ thông) không thể thiếu đối với mỗi người dân nói chung, người DTTS nói riêng, trong đó có đồng bào Chăm. Biết tiếng phổ thông là điều kiện tiên quyết để bà con hòa nhập với cộng đồng, giao lưu, học hỏi, chia sẻ, hợp tác làm ăn để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của cả nước”- Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Thanh Phương khẳng định.

Đến cuối năm 2022, có 23,9% đồng bào DTTS Chăm trên địa bàn huyện An Phú chưa biết chữ (987/4.134 người). Riêng xã Nhơn Hội có 547 người chưa biết chữ, chiếm gần 60% toàn huyện. Địa phương sẽ từng bước nhân rộng, mở thêm nhiều lớp xóa mù chữ cho đồng bào DTTS Chăm trong thời gian tới.

NGHĨA THANH - H. HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/no-luc-day-chu-trong-dong-bao-dan-toc-thieu-so-cham-a373534.html