Nỗ lực để 100% doanh nghiệp công nghiệp chủ lực được thụ hưởng chính sách hỗ trợ

Để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp nói chung, công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng, thành phố Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì, đôn đốc các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, Hà Nội đã đưa ra những cam kết và khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, trong đó, phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Thành phố.

Nhiều điểm sáng trong ngành chế biến, chế tạo

Số liệu của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, trong 10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 10,9%.

Đặc biệt, hầu hết các ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2023 như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 26,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,9%; sản xuất trang phục tăng 8,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế và công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 8,5%; dệt tăng 8%; chế biến thực phẩm tăng 7,4%...

Hà Nội nỗ lực hỗ trợ thúc đẩy phát triển cho các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo.

Hà Nội nỗ lực hỗ trợ thúc đẩy phát triển cho các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo.

Cũng theo số liệu từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, Thành phố hiện có 172 sản phẩm của 114 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực, đạt trên 100% so với mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, năm 2024 dự kiến công nhận 63 sản phẩm, của 35 doanh nghiệp, đưa tổng số sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố giai đoạn 201 - 2024 lên 289 sản phẩm, của 191 lượt doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh, Sở đã tập trung chỉ đạo, triển khai kịp thời, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, lãnh đạo thành phố Hà Nội, thực hiện quyết liệt các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và phục hồi kinh tế.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã đẩy mạnh việc tổ chức các chương trình kết nối giao thương, hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp chủ lực Thủ đô; Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp, máy móc thiết bị và tự động hóa; Hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ - Thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ IOT/AI trong quản lý sản xuất; Hội nghị kết nối doanh nghiệp công nghiệp chủ lực với các doanh nghiệp FDI, tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Hà Nội...

Thông qua đó, các doanh nghiệp có thêm cơ hội đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, ký kết giao thương, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu; tiếp cận, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, tự động hóa trong sản xuất kinh doanh, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa sản xuất, tăng năng suất lao động, tiêu chuẩn, chất lượng và độ chính xác của sản phẩm, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường khả năng hội nhập kinh tế quốc tế của các doanh nghiệp…

Các chỉ tiêu chủ yếu của ngành Công Thương trong 10 tháng năm 2024 tiếp tục thể hiện xu hướng hồi phục tích cực, với nhiều điểm sáng, nhất là trong sản xuất công nghiệp, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của Thành phố.

Phấn đấu 100% doanh nghiệp công nghiệp chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ

Nhìn nhận và đánh giá hoạt động sản xuất công nghiệp, công nghiệp chủ lực, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực như chế biến, chế tạo trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngành chế biến, chế tạo đã có nhiều khởi sắc; trong đó, các doanh nghiệp của Thủ đô đã phát huy được vai trò tiên phong; luôn chủ động, sáng tạo, tận dụng các cơ hội để tìm kiếm khách hàng và đổi mới công nghệ, thiết bị… Qua đó, góp phần tăng khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Hà Nội: Dành nhiều ưu đãi hấp dẫn cho các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp chủ lực.

Hà Nội: Dành nhiều ưu đãi hấp dẫn cho các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp chủ lực.

Đặc biệt, với nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại trên toàn cầu, cùng các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành; sản xuất công nghiệp trong nước nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng đã có sự phục hồi và đón nhận thêm nhiều tín hiệu tích cực. Bên cạnh đó, để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì, đôn đốc các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp.

Cụ thể, Hà Nội đã đưa ra những cam kết và khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, trong đó, phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Thành phố.

Ngoài ra, Hà Nội cũng chú trọng triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách về lãi suất, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các lĩnh vực ưu tiên... Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, nhất là cho các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất… tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, Thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa; theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, làm tốt thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng; hướng dẫn, hỗ trợ các hiệp hội và doanh nghiệp khai thác, phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới, giàu tiềm năng; đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do, giúp doanh nghiệp nắm rõ cơ hội để thúc đẩy đầu tư sản xuất, liên kết chuỗi.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước; kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài để tìm kiếm đối tác, đơn hàng, thị trường thông qua các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm... cũng là những giải pháp quan trọng được thành phố Hà Nội triển khai quyết liệt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, giảm hàng tồn kho…

Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đưa ra định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp, theo đó Hà Nội đặt mục tiêu trở thành trung tâm hàng đầu công nghiệp bán dẫn; trung tâm đi đầu công nghệ tin học (AI); phát triển sản phẩm nghề truyền thống; công nghệ hóa, dược, mỹ phẩm; công nghệ cao mới nổi/hydrogen và công nghệ sinh học…

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/no-luc-de-100-doanh-nghiep-cong-nghiep-chu-luc-duoc-thu-huong-chinh-sach-ho-tro-180411.html