Nỗ lực để tìm 'nam dược' trị Covid-19
Sản phẩm thuốc thử nghiệm điều trị Covid-19 đầu tiên của Việt Nam do Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nghiên cứu viên cao cấp (PGS, TS, NCVCC) Lê Quang Huấn và cộng sự nghiên cứu đã được Bộ Y tế chấp nhận đưa vào thử nghiệm lâm sàng cho người bệnh Covid-19. Kết quả này cho thấy, các nhà khoa học Việt Nam đã chủ động, đi cùng các nhà khoa học trên thế giới trong quá trình tìm kiếm các giải pháp chống lại SARS-CoV-2.
Trước đó, các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu và công bố trên 30 hoạt chất từ thảo dược có tác dụng ức chế phát triển của SARS-CoV-2. Một số nước đã sử dụng một số bài thuốc cổ truyền chữa cảm cúm thông thường hoặc phát triển các bài thuốc đó thành thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19.
Tôi đã hỏi PGS, TS, NCVCC Lê Quang Huấn (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), khó nhất trong nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 của ông là gì? “Không có khâu nào khó nhất mà mọi thứ đều trở nên vô cùng khó khi nghiên cứu trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp”, PGS, TS, NCVCC Lê Quang Huấn nói. Ðơn giản nhất như chuyện đến phòng lab, sang nhà máy đều bị hạn chế, thiếu người làm vì thực hiện chế độ giãn cách, nhưng thí nghiệm thì không thể cắt giảm. Hóa chất phục vụ nghiên cứu mua từ nước ngoài luôn bị chậm trễ. Những quy định trong nghiên cứu, sản xuất thuốc hết sức nghiêm ngặt đều phải tuân thủ. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là nơi duy nhất có thể thử nghiệm thuốc trực tiếp trên SARS-CoV-2, nhưng họ có quá nhiều việc cần kíp cho phòng, chống dịch phải đồng thời thực hiện. Trong hoàn cảnh đó, cách duy nhất để có thể hoàn thành các mục tiêu là không bỏ cuộc và làm việc trên sức của mình.
“Hạnh phúc vì Chính phủ cho nhà khoa học chúng tôi quyền được tự do nghiên cứu. Vì thế chúng tôi không tự thỏa mãn trước những gì đã làm được, mà phải tiếp tục sáng tạo, nỗ lực triển khai những nghiên cứu mới, chạy đua với thời gian để nhanh chóng có được sản phẩm tốt, hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh giúp bảo vệ sức khỏe người dân trước đại dịch Covid-19”- PGS, TS, NCVCC Lê Quang Huấn chia sẻ.
Thực tế, nghiên cứu này được “trải thảm đỏ” như chính PGS, TS, NCVCC Lê Quang Huấn nói, vì những thủ tục phức tạp hay ngoài khả năng đều đã được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Y tế hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất. Trong bối cảnh các đơn vị y tế quá bận chống dịch, Bộ Y tế đã đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ thử nghiệm thuốc trên virus; chỉ định Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chủ trì thử nghiệm lâm sàng... Tôi đã chứng kiến Trưởng nhóm thử nghiệm lâm sàng đang chi viện cho vùng dịch TP Hồ Chí Minh, nhưng vẫn tranh thủ họp online để cùng nhóm nghiên cứu cân nhắc từng tình huống thử nghiệm lâm sàng có thể xảy ra, với tinh thần khẩn trương, chạy đua với dịch và minh bạch, cẩn trọng. Tất cả nhằm sớm có “nam dược” chống lại đại dịch Covid-19 tại nước ta, như TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Khoa học công nghệ và Ðào tạo (Bộ Y tế) đã nói: “Người dân, ngành y tế đều mong muốn có sản phẩm tốt, nhưng sản phẩm phải được đánh giá lâm sàng để có thể sớm đưa vào sử dụng điều trị cho người bệnh. Nếu thuốc này tốt, có thể thay đổi được chiến lược điều trị cho người bệnh”.
PGS Lê Quang Huấn từng tâm sự, điều thôi thúc ông đẩy nhanh nghiên cứu là khi nghe tin Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư nuôi cấy, phân lập thành công SARS-CoV-2, đó là cơ sở để sản phẩm nghiên cứu được thử tác dụng trên chính SARS-CoV-2. Nhưng có lẽ, nền tảng nghiên cứu nhiều năm về sinh học phân tử, việc nhanh nhạy cập nhật các nghiên cứu quốc tế về SARS-CoV-2, các tài liệu y văn xưa và nay về dược liệu mới, sự đồng hành của nhà tài trợ mới là tất cả yếu tố giúp nghiên cứu của ông có bước đi nhanh hơn, chắc hơn so với các nghiên cứu khác. Theo nhiều chuyên gia, việc đi đúng hướng này đã giúp nhóm rút ngắn thời gian nghiên cứu nhiều năm, phù hợp với yêu cầu cấp thiết trong phòng, chống dịch.
Mấu chốt trong nghiên cứu của PGS Lê Quang Huấn và cộng sự là tìm các hoạt chất trong tự nhiên có tác dụng mạnh ngăn chặn sự tiếp xúc, liên kết giữa SARS-CoV-2 và tế bào người. Nhờ sử dụng công nghệ hiện đại tin sinh học docking, nhóm đã sàng lọc nhanh các hoạt chất chính có trong thảo dược Việt Nam có tác dụng ngăn chặn quá trình liên kết đó. Khi bị ngăn chặn liên kết, các virus sẽ không vào được tế bào nên chúng vừa không nhân lên được, vừa dễ bị các tế bào của hệ miễn dịch tiêu diệt. Ðánh giá cao hướng nghiên cứu này, PGS, TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói: “Việc nghiên cứu phát triển thuốc dựa trên nguồn thảo dược Việt Nam kết hợp thành tích nghiên cứu y dược cổ truyền và nghiên cứu hiện đại về tin sinh học và công nghệ sinh học đã thể hiện tính chủ động, sáng tạo, quyết tâm của các nhà khoa học đối với nhiệm vụ phòng, chống dịch”. Dưới góc nhìn chuyên môn về y dược cổ truyền, PGS, TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Quản lý Y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) đánh giá: “Các vị thuốc có sự phối ngũ rất tuyệt vời, theo nguyên lý “quân - thần - tá - sứ” của thuốc đông y, phù hợp điều trị các triệu chứng giai đoạn vừa, nhẹ của người bệnh Covid-19”. Tuy tự tin vào kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng, nhưng nhóm nghiên cứu cho biết, tất cả các vấn đề như liều dùng, thời gian giảm tải lượng virus sẽ phải chờ đợi kết quả thử nghiệm lâm sàng.
Thời gian này, bên cạnh việc tập trung hoàn tất những khâu cuối để đưa sản phẩm nghiên cứu vào thử nghiệm lâm sàng, PGS, TS, NCVCC Lê Quang Huấn cùng các cộng sự lại bận rộn với những nghiên cứu mới về Covid-19.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-de-cuoi-tuan/no-luc-de-tim-nam-duoc-tri-covid-19-663210/