Nỗ lực định hướng nghề nghiệp sát hợp hơn với học sinh
Những năm gần đây ở huyện Hải Lăng, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh đã đạt được những kết quả đáng mừng, góp phần giúp cho các em sớm có định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân, đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội.
Tính riêng trên địa bàn Hải Lăng, năm 2016 tỉ lệ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt 5,7%, đến năm 2021, đạt tỉ lệ 15,5%. Có thể thấy trong vòng 5 năm trở lại đây, tỉ lệ phân luồng học sinh ở huyện Hải Lăng tăng 9,8%, chứng minh một thực tế là công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh đã tạo được sự chuyển biến tích cực từ nhận thức của phụ huynh và học sinh trong việc chọn trường, chọn nghề.
Ông Võ Văn Lập, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Hải Lăng cho biết, vừa qua Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chủ trì và phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX tổ chức đợt truyền thông phân luồng học sinh tại 16 xã, thị trấn, 19 trường THCS, 3 trường THPT trên địa bàn huyện. Trong các buổi truyền thông, trung tâm đã phát phiếu khảo sát đến từng học sinh nhằm nắm bắt nguyện vọng học nghề, dự định hướng đi sau khi tốt nghiệp và những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của các em. Đồng thời, phỏng vấn trực tiếp để biết được tâm tư, nguyện vọng của một số phụ huynh đối với việc định hướng tương lai cho con em mình. Từ đó trung tâm đã giải đáp những băn khoăn, vướng mắc, giúp phụ huynh và học sinh thay đổi nhận thức đối với việc học nghề.
Đặc biệt, trung tâm đã mời lãnh đạo các trường trung cấp, cao đẳng nghề trong và ngoài tỉnh tham dự, giới thiệu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, năng lực đào tạo và những chính sách phối hợp, liên kết, đào tạo, hiệu quả trong đào tạo nghề. Qua đó đã giúp cho học sinh, phụ huynh được tiếp cận các thông tin về các trường dạy nghề, ngành nghề đào tạo, xu hướng việc làm của thị trường lao động và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của địa phương. “Tổ chức một chương trình tư vấn cho phụ huynh khó gấp nhiều lần đối với học sinh, vì không phải ai cũng sắp xếp được thời gian, chịu khó lắng nghe, tiếp thu và cũng không dễ thuyết phục những người trưởng thành từng có quan niệm cứng nhắc, bảo thủ về học nghề, chọn nghề cho con em mình. Nhưng khi triển khai chương trình thành công thì tỉ lệ định hướng nghề nghiệp đem lại hiệu quả rõ rệt hơn nhiều so với chỉ tư vấn cho học sinh. Tâm lý áp đặt của phụ huynh chỉ muốn con em mình vào học đại học bằng bất cứ giá nào để sau này “làm thầy” chứ không muốn “làm thợ” dần dần được cởi bỏ. Thay vào đó là quan niệm nếu không có điều kiện vào học đại học, cần động viên con em mình chọn học nghề tùy theo năng lực, sở thích, hoàn cảnh kinh tế gia đình để lập thân, lâp nghiệp đã trở nên khá phổ biến. Do đó, tỉ lệ học sinh học nghề ngày càng cao qua từng năm học”, ông Võ Văn Lập cho biết thêm.
Tìm hiểu tại Trường THPT Bùi Dục Tài, một trong những đơn vị làm tốt công tác hướng nghiệp, Hiệu trưởng Phan Hồng Khánh chia sẻ: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thông qua các giờ chào cờ, lồng ghép trong các tiết học, sinh hoạt lớp hay ngoại khóa để thông tin, định hướng cho học sinh về lựa chọn nghề nghiệp tương lai sao cho đúng với sở thích, năng lực, điều kiện gia đình. Có thể thấy, việc chọn nghề là điều quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai mai sau. Bởi, dù là nghề gì thì chỉ có giỏi nghề, làm chủ được nghề mới là yếu tố quyết định đưa chúng ta đi tới thành công.”
Những năm gần đây, có thể thấy một “bức tranh” tương phản trên thị trường lao động, việc làm khiến xã hội quan ngại, đó là tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Nhiều địa phương đang thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực lao động giỏi, có tay nghề cao, làm việc năng suất, chất lượng và thừa những người được đào tạo có chuyên môn nhưng không phát huy năng lực, sở trường, kiến thức trong thực tiễn công tác. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có trên 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hoặc làm việc không đúng với chuyên ngành đào tạo, gây nên sự lãng phí rất lớn công sức, tiền của, thời gian của nhà nước, Nhân dân. Do đó, việc giúp các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường hiểu rõ về định hướng nghề nghiệp tương lai là vô cùng quan trọng.
Em Nguyễn Chí Thanh, học sinh lớp 12B3, Trường THPT Bùi Dục Tài cho biết: “Trong 3 năm học THPT, em có học lực trung bình. Trước đây, bố mẹ của em từng đặt kỳ vọng là em sẽ thi vào một trường đại học để sau này có nhiều cơ hội việc làm, công việc với thu nhập cao và được xã hội coi trọng. Chính vì thế mà em rất lúng túng, mơ hồ khi xác định cho mình một hướng đi trong tương lai. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn, giải thích, động viên thông qua các buổi định hướng nghề nghiệp, thì bây giờ bố mẹ em đã có cái nhìn tích cực về việc đi học nghề. Do đó, em đã có thể tự tin lựa chọn cho mình một ngành nghề phù hợp với khả năng, sở thích của bản thân”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Lập cho biết, nhằm mục đích nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp, phân luồng học sinh, thúc đẩy nhu cầu học tập, góp phần nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, các cấp chính quyền huyện Hải Lăng phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX đã triển khai các giải pháp cụ thể. Đó là trung tâm đã tham mưu HĐND, UBND huyện Hải Lăng xây dựng và ban hành Nghị quyết số 67/NQ- HĐND ngày 23/12/2020 về hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh sau tốt nghiệp THCS vừa học trung cấp nghề vừa học văn hóa THPT giai đoạn 2020-2023. Nghị quyết ban hành góp phần giảm bớt gánh nặng đối với một số gia đình học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn, bước đầu đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực từ phía phụ huynh học sinh và người dân địa phương.
Bên cạnh đó, trung tâm đã chủ động phối hợp, liên kết đào tạo với các trường trung cấp, cao đẳng trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp trung cấp nghề miễn phí cho học sinh, học tại trung tâm với các ngành nghề như: Công nghệ ô tô, kỹ thuật chế biến món ăn, điện công nghiệp, tin học văn phòng, may thời trang, cơ khí, quản trị khách sạn, quản trị kinh doanh. Ngoài ra, trung tâm cũng đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhất là các doanh nghiệp ở vùng lân cận thuộc các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế để phối hợp giải quyết việc làm sau đào tạo cho học sinh.