Nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP vào siêu thị, cửa hàng nông sản
Hệ thống siêu thị, các cửa hàng nông sản là kênh trưng bày, phân phối, tiêu thụ hàng hóa ổn định, đòi hỏi tiêu chuẩn, chất lượng bảo đảm. Do đó, cùng với việc thực hiện Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP), thời gian qua, các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm đưa sản phẩm OCOP vào tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh để người dân, khách du lịch biết đến rộng rãi, tìm hiểu và sử dụng các sản phẩm này.
Trong tuần đầu tiên của tháng 11/2023, Sở Công thương phối hợp siêu thị Co.opmart Đông Hà tổ chức chương trình hỗ trợ kết nối sản phẩm đặc trưng, OCOP của tỉnh vào hệ thống siêu thị và cửa hàng nông sản trên địa bàn năm 2023. Chương trình có ý nghĩa nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP của tỉnh, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp đưa hàng hóa, sản phẩm địa phương vào các hệ thống siêu thị Co.opmat Đông Hà, cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh để khai thác thị trường tiêu thụ nội địa.
Tại chương trình, đã có 26 lượt ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác làm tiền đề cho việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, nhà sản xuất với nhà phân phối, trong đó có 5 lượt ký kết giữa các doanh nghiệp và siêu thị Co.opmart Đông Hà, còn lại là ký kết với các cửa hàng bán lẻ. Nhiều sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao từ nhiều năm nhưng đến nay mới kết nối để đưa vào tiêu thụ tại siêu thị Co.opmart Đông Hà.
Chị Lê Thị Huyền Thoại, Phó Giám đốc Công ty TNHH tinh dầu thiên nhiên Huyền Thoại chia sẻ: “Mặc dù sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của công ty đã được bán rộng rãi trên các kênh phân phối như đại lý ở các tỉnh, thành phố, kênh bán lẻ, sàn thương mại điện tử... tuy nhiên chưa có nhiều sản phẩm được vào phân phối ở siêu thị Co.opmart Đông Hà.
Từ những chương trình kết nối cung cầu như thế này, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mong muốn được hướng dẫn các thủ tục để hoàn thiện sản phẩm, đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị nhằm quảng bá rộng rãi sản phẩm đến người tiêu dùng”.
Còn theo anh Nguyễn Đăng Tôn Cảnh, chủ Cơ sở sản xuất bún sạch Vạn Linh, sản phẩm đã được đưa vào tiêu thụ tại siêu thị Co.opmart Đông Hà từ nhiều tháng nay, nhờ sự kết nối của Sở Công thương và hướng dẫn các thủ tục của siêu thị nên sản phẩm bún tươi của cơ sở đã được bày bán tại siêu thị, thuận tiện phục vụ người tiêu dùng.
“ Có thể coi việc đáp ứng các điều kiện để sản phẩm được tiêu thụ tại siêu thị chính là bài test đầu tiên để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhìn nhận lại sản phẩm còn thiếu các điều kiện gì và hoàn thiện tốt hơn”, anh Cảnh chia sẻ.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 115 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên. Sản phẩm OCOP của tỉnh đa dạng các mặt hàng, tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 20 sản phẩm OCOP đủ điều kiện để tiêu thụ tại siêu thị Co.opmart Đông Hà. Tại các cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh, sản phẩm OCOP cũng đã được bày bán, tuy nhiên số lượng vẫn còn hạn chế.
Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Đông Hà Hồ Thị Thanh Duyên cho biết: “Ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, tem nhãn được chứng nhận bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn phải đảm bảo lượng hàng hóa ổn định và chấp thuận các điều khoản thanh toán đặt ra như mức chiết khấu, phương thức thanh toán (thường áp dụng nhập lô sau trả lô trước) và tham gia vào chuỗi các sự kiện khuyến mại, giảm giá theo chiến lược kinh doanh của siêu thị. Siêu thị có bộ phận quản lý chất lượng thường xuyên kiểm tra bao bì, nhãn mác, hợp đồng cung ứng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm...
Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị chức năng hướng dẫn các chủ thể sản xuất tuân thủ đúng các quy định để có thể phân phối nhiều hơn sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, góp phần đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng”.
Trong những năm qua, từ nguồn vốn khuyến công và xúc tiến thương mại, Sở Công thương đã tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong các việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, đào tạo lao động lành nghề, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm... nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thu hút đầu tư phát triển.
Sở đã tích cực làm tốt vai trò cầu nối, hình thành chuỗi cung ứng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản, thực phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm và những sản phẩm chế biến công nghiệp có lợi thế của tỉnh kết nối với những nhà phân phối, tiêu thụ để đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm hàng hóa của địa phương.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hữu Hưng cho biết: “Thời gian tới, ngành công thương sẽ tiếp tục phối hợp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến cũng như công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nắm rõ hơn các quy định, chính sách có liên quan của nhà nước, các điều kiện, quy trình để đưa một sản phẩm vào tiêu thụ tại siêu thị. Tạo điều kiện để các chủ thể sản xuất OCOP tham khảo, học hỏi kinh nghiệm các doanh nghiệp đi trước và được gặp gỡ, kết nối giao thương với nhau, góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm”.
Về phía các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn cũng cần nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm và bảo vệ môi trường, đi đôi với việc chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm mạnh, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh để khai thác các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới. Từng bước xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp sản xuất chế biến với vùng cung cấp nguyên liệu và các nhà phân phối, tiêu thụ.