Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị

Tuyên Quang có 128 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, gắn sao. Để đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị, trung tâm thương mại, công tác xúc tiến, quảng bá và kết nối sản phẩm được các đơn vị liên quan và chủ thể OCOP đẩy mạnh thực hiện.

Chủ động tìm kiếm thị trường

Sản phẩm chè chất lượng cao Tân Thái của Hợp tác xã chè Tân Thái, xã Tân Thành (Hàm Yên) được công nhận là sản phẩm OCOP năm 2020. Không lâu sau đó sản phẩm đã có mặt tại Siêu thị Tuyên Quang và nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn trên toàn quốc. Ông Nguyễn Thế Tuyên, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại TQM cho biết, kiểm tra chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đầu năm 2021, công ty đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm chè Tân Thái tại Siêu thị Tuyên Quang. Hơn 1 năm làm kênh phân phối sản phẩm chè Tân Thái, sức tiêu thụ đã tăng lên rõ rệt. Trung bình mỗi tháng có từ 20 - 25 kg chè được tiêu thụ.

Sản phẩm chè chất lượng cao Tân Thái được bày bán tại Siêu thị Tuyên Quang.

Sản phẩm chè chất lượng cao Tân Thái được bày bán tại Siêu thị Tuyên Quang.

Ông Bàn Văn Thái, Giám đốc HTX chè Tân Thái cho biết, để có được vị trí trong siêu thị, hợp tác xã đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, bao bì, nhãn mác. Ông Thái khoe, sản phẩm được gắn sao OCOP, tiếng lành đã đồn xa, ngoài Siêu thị Tuyên Quang, 8 siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại trên phạm vi toàn quốc ký kết tiêu thụ sản phẩm. Lượng hàng tiêu thụ qua các kênh siêu thị, cửa hàng bán lẻ từ 8 - 10 tấn chè khô/năm, chiếm 50% sản lượng chè thành phẩm của HTX.

Sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) dù mới ra mắt thị trường song cũng đã khẳng định được vị trí tại hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Chị Phạm Thị Hồng, đại diện hợp tác xã chia sẻ, từ sự kết nối của Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm của HTX đã được nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch biết đến và ký kết làm kênh phân phối. Theo chị Hồng, khẳng định chỗ đứng, ngoài chất lượng, HTX quan tâm hơn đến mẫu mã bao bì, tạo sức hút đối với người tiêu dùng. Hiện sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng của HTX đang được bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại 13 tỉnh, thành phố trong nước với khoảng 20 tấn sản phẩm/năm.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, tổ 9, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) cho rằng, sản phẩm OCOP của tỉnh chất lượng tốt, mẫu mã đẹp lại được bày bán tại kênh phân phối hiện đại, nên những người tiêu dùng như chị rất yên tâm. Tuy nhiên số lượng sản phẩm OCOP trong hệ thống siêu thị của tỉnh vẫn chưa nhiều để người tiêu dùng có thể lựa chọn.

Báo cáo của Sở Công thương, Tuyên Quang hiện có 8 siêu thị, cửa hàng tiện ích đang hoạt động hiệu quả. Đây là điều kiện thuận lợi để sản phẩm OCOP được quảng bá, giới thiệu; người tiêu dùng trong tỉnh cũng dễ dàng tiếp cận và được sử dụng sản phẩm chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng, nông, lâm sản và thủy sản cho rằng, trong tổng số 128 sản phẩm OCOP được phân hạng, gắn sao, có 20 sản phẩm đã “chen chân” được vào siêu thị khó tính như Siêu thị Tuyên Quang, BigC, Vinmart... và khoảng 30 sản phẩm vào hệ thống siêu thị tiện lợi, nhỏ ở khu dân cư.

Vẫn còn khiêm tốn

Bên cạnh kết quả đạt được, số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh tiêu thụ qua kênh thương mại hiện đại còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân chính là tính mùa vụ của sản phẩm; nhiều chủ thể sản phẩm thiếu các thủ tục pháp lý khi thực hiện các hợp đồng giao dịch kinh tế.

Ông Nguyễn Thế Tuyên, Giám đốc Công ty Xây dựng và Thương mại TQM khẳng định, đơn vị đã ký kết với 5 đơn vị cung ứng sản phẩm để bày bán tại siêu thị, tuy nhiên chỉ có 2 đơn vị trụ lại để cung ứng sản phẩm thường xuyên, còn lại là dừng. Ông Tuyên chia sẻ, tìm hiểu nguyên nhân đối tác bảo hết hàng hoặc thiếu thủ tục như hóa đơn, chứng từ, tem truy xuất sản phẩm...

Sản phẩm mật ong Phong Thổ của Hợp tác xã nuôi ong Phong Thổ (Tp Tuyên Quang)
được bày bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên phạm vi toàn quốc.

Chị Nguyễn Anh Toàn, quản lý kho Siêu thị Vincom Tuyên Quang cũng khẳng định, Tuyên Quang rất nhiều sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, số lượng đủ điều kiện để đưa vào siêu thị lại không nhiều do lượng sản phẩm không ổn định (mang tính mùa vụ), chưa đáp ứng các yêu cầu trong hợp đồng kinh tế; phiếu kiểm nghiệm (về chỉ tiêu hóa lý, vi sinh và kim loại nặng). Đó là chưa nói đến mẫu mã của sản phẩm.

Một khó khăn nữa là chi phí để sản phẩm OCOP vào được siêu thị còn quá cao, trong khi xuất phát điểm của chủ thể OCOP đều thấp và giá bán sản phẩm lại chưa thể cân đối. Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX nông nghiệp Sử Anh (Yên Sơn) cho biết, HTX có 3 sản phẩm chè đặc sản được gắn sao OCOP 3 - 4 sao. Năm 2020 anh đã đăng ký kệ hàng tại 1 siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chi phí quá lớn cho việc thuê mặt bằng và các dịch vụ khác đi kèm trong khi lượng tiêu thụ sản phẩm lại không được như mong muốn, do vậy HTX phải tạm dừng.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản Nguyễn Văn Thuấn cho rằng, thời gian tới, ngoài tiếp tục định hướng, đơn vị sẽ lựa chọn những sản phẩm OCOP đảm bảo được các điều kiện gia tăng sản lượng xúc tiến cho vào siêu thị, như: gạo, miến, chè, rượu... Bên cạnh giải pháp của ngành, đôi bên (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích và chủ thể các sản phẩm) có giải pháp để đi đến cái bắt tay thân thiện đảm bảo đôi bên cùng có lợi và đưa đến người tiêu dùng sản phẩm tốt nhất. Để làm được điều này chủ thể sản phẩm cần phải hoàn thiện các yêu cầu cần thiết cho sản phẩm như: tem truy xuất nguồn gốc, phiếu đánh giá chất lượng sản phẩm; hóa đơn...; chủ thể các siêu thị cũng cần có cơ chế ưu đãi để thu hút các chủ thể sản phẩm tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm.

Hy vọng rằng, với hướng khắc phục trên, đường vào siêu thị của những sản phẩm OCOP, nhất là những sản phẩm có sản lượng lớn, ổn định, duy trì 4 mùa sẽ thuận lợi hơn.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tai-chinh-thuong-mai/no-luc-dua-san-pham-ocop-vao-sieu-thi-160679.html