Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản phẩm OCOP, thời gian qua Hà Nội đẩy mạnh phát triển và nâng tầm các sản phẩm OCOP, cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để sản phẩm OCOP của Thủ đô vươn xa tới các thị trường trong và ngoài nước.

Tiềm năng phát triển lớn

Thủ đô Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận; có 1.090 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại; 149 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; với hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, trên 13.000 sản phẩm nông lâm thủy sản đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc.

Sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp của quận Bắc Từ Liêm được quảng bá, giới thiệu tới người tiêu dùng.

Sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp của quận Bắc Từ Liêm được quảng bá, giới thiệu tới người tiêu dùng.

Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội rất quan tâm chú trọng đến phát triển làng nghề, sản xuất sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm an toàn và chất lượng. UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1356/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP thành phố Hà Nội đến năm 2025.

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới, lũy kế từ năm 2019 đến nay, thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng được 2.758 sản phẩm, trong đó: 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 4 sao và 1.255 sản phẩm 3 sao.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đã thực hiện đánh giá, phân hạng được 47 sản phẩm OCOP thuộc 5 quận, huyện (Bắc Từ Liêm, Long Biên, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Ứng Hòa) trong đó có 35 sản phẩm đạt 3 sao; 12 sản phẩm tiềm năng 4 sao đang chờ Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Thành phố tiến hành đánh giá.

Dự kiến đến hết năm 2024, Thành phố sẽ đánh giá thêm khoảng 510 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt được trong giai đoạn 2021 - 2024 là 2.167 sản phẩm (hoàn thành vượt mức mục tiêu của Chương trình là đến hết năm 2025 Thành phố đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP).

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường quảng bá sản phẩm, thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chủ động phối hợp với các sở Công Thương, Du lịch, Y tế và các quận, huyện, thị xã tổ chức các sự kiện, hội chợ, Festival, tuần hàng, hội thảo để thực hiện xúc tiến đẩu tư, thương mại và du lịch nhằm giới thiệu sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch, văn hóa của Thủ đô đến với người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy quảng bá sản phẩm nông sản của Thủ đô đến các tỉnh, thành và kích cầu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm giữa Hà Nội với các địa phương trên cả nước.

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

Thực hiện chương trình OCOP, mỗi địa phương chọn hướng đi mang nét riêng, phù hợp với thế mạnh của địa phương. Đơn cử như, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương với các mô hình nông nghiệp sản xuất sạch, có hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình này bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực, qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết: Nhận thấy rõ ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện chương trình OCOP, UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn; chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, như: Đông trùng hạ thảo, hoa lan, rau củ các loại... Đồng thời, tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã và các đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình về chuyên môn, phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm.

Đến năm 2023, huyện Đan Phượng đã có 25 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao; 75 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao gồm các loại rau, củ, quả, nấm, hoa,… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Trước đó, từ năm 2019 đến năm 2022, huyện Đan Phượng có 97 sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP.

Nhiều sản phẩm OCOP của quận Tây Hồ được giới thiệu tới người tiêu dùng tại Trung tâm Giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch.

Nhiều sản phẩm OCOP của quận Tây Hồ được giới thiệu tới người tiêu dùng tại Trung tâm Giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch.

Không chỉ tại các vùng ven đô, ngay chính các quận trung tâm Thủ đô thời gian qua cũng đã và đang tích cực tham gia thực hiện chương trình OCOP. Quận Tây Hồ luôn chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP xuất phát từ các làng nghề truyền thống, nghề gia truyền gắn với du lịch và dịch vụ.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, quận đã tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đối với 20 sản phẩm, của 8 chủ thể trên địa bàn. Trong đó, với 5 chủ thể lựa chọn sản phẩm tham gia OCOP là các loại bánh truyền thống đặc trưng của quận (bánh nướng, bánh dẻo, bánh chả, bánh cốm…): Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Thanh Hương; hộ kinh doanh bánh trung thu Bảo Phương; hộ kinh doanh Thanh Vân; hộ kinh doanh Đỗ Thế Gia; hộ kinh doanh bánh trung thu Ba Thể. Ngoài ra, còn có sản phẩm trà sen Hiền Xiêm của hộ kinh doanh Lưu Thị Hiền; một số thực phẩm chế biến của Công ty TNHH Thảo Nguyên Hà Nội…

Với những lợi thế sẵn có, tính đến đầu năm 2024, quận Tây Hồ có trên 40 sản phẩm OCOP được Thành phố đánh giá, công nhận. Quận xác định mục tiêu tăng cường nâng cao, mở rộng các sản phẩm OCOP, đáp ứng việc phát triển kinh tế, du lịch làng nghề trên địa bàn quận; tiếp tục giữ vững và lan tỏa những giá trị, thương hiệu, sở hữu trí tuệ nhãn hiệu tập thể làng nghề, sản vật của quận... Theo đó, quận ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP theo nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và các điểm du lịch, kết nối để tạo thành sản phẩm “Dịch vụ du lịch OCOP Tây Hồ”.

Bên cạnh những sản phẩm truyền thống tham dự chương trình OCOP, trong thời gian qua, quận Tây Hồ chú trọng đến các sản phẩm ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao. Công ty TNHH thực phẩm Thảo Nguyên là một điển hình.

Theo Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Thảo Nguyên Nguyễn Thị Nguyên, công ty có 35 sản phẩm, trung bình đạt sản lượng 800-1.000kg/ngày với mỗi sản phẩm. Tham gia thị trường thực phẩm đã được 15 năm nên nguyên liệu đầu vào sản xuất, Công ty đều lựa chọn những nhà cung cấp uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thực phẩm sạch hữu cơ. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nên sản phẩm của Công ty đều đạt chuẩn theo yêu cầu. Tham gia Chương trình OCOP, Công ty ngày càng hoàn thiện tốt hơn mẫu mã, bao bì, tem nhãn cũng như tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn đánh giá.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/no-luc-dua-san-pham-ocop-vuon-xa-176332.html