Nỗ lực duy trì an ninh khu vực

Sau hai năm bị trì hoãn vì đại dịch Covid-19, Đối thoại Shangri-La 2022 thường niên đã được diễn ra dưới hình thức trực tiếp từ ngày 10 - 12.6 vừa qua tại khách sạn Shangri-La của Singapore. Đối thoại Shangri-La 2022 được nhận định sẽ là cơ hội tốt để các nước nối lại các cuộc trao đổi nhằm góp phần giải quyết những bất đồng đang tồn đọng.

Các chuyên gia cao cấp đánh giá rằng, tầm quan trọng của Đối thoại Shangri-La có thể được ví như là một Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Đây là dịp hội ngộ của những nhân vật tầm cỡ như nguyên thủ quốc gia, quan chức cao cấp, nhằm thảo luận các về an ninh và chính trị tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, trong bối cảnh địa chính trị nhiều biến động, Hội nghị lần này cũng được kỳ vọng giới thiệu phương án hợp tác mới và tạo đà cho tương lai trong khu vực.

Thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “tự do và mở rộng”

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có dân số chiếm hơn một nửa dân số thế giới và có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng nhiều tuyến đường biển quan trọng với thương mại toàn cầu. Đây cũng là khu vực phát triển kinh tế sôi nổi khi có sự hiện diện của ba nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản chiếm khoảng 60% GDP toàn cầu. Song, từ lâu nay khu vực này vẫn còn tồn tại nhiều tranh chấp trên biển, lo ngại hạt nhân, cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống.

Đây là khu vực có vị trí địa chiến lược cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, các cường quốc, tổ chức đều đã có những chiến lược nhằm định hình sự ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và coi đây là khu vực ưu tiên về an ninh, kinh tế và đối ngoại của nước này. Trung Quốc với sáng kiến "Vành đai và Con đường", Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã mở rộng ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, an ninh tại khu vực. Nhật Bản có Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở với nội dung chủ yếu là thúc đẩy kết nối giữa châu Á với Trung Đông và châu Phi.

ASEAN có "Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương"; Ấn Độ có "Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương"; Australia có "Kế hoạch Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Trong cuộc đua tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Liên minh châu Âu đã công bố Chiến lược đối với khu vực quan trọng này tháng 9 năm ngoái.

Về mặt tích cực, chiến lược của các nước lớn sẽ mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển và chậm phát triển. Tuy nhiên, vì khu vực này mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển đất nước, việc cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia có thể làm nảy sinh các cuộc chạy đua vũ trang, khiến những tranh chấp vượt tầm kiểm soát, đẩy khu vực vào tình trạng bất ổn. Do đó, việc duy trì và củng cố một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật lệ phải luôn được tôn trọng.

Nguồn: Global Times

Nguồn: Global Times

Kế hoạch hợp tác tiếp theo của Mỹ

Sau những hoạt động tích cực gần đây nhằm gia tăng vị thế của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ vừa qua tại thủ đô Washington D.C, Đối thoại Shangri-La lần này tiếp tục là cơ hội để Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định cam kết với các đồng minh và đối tác trong khu vực. Mặc dù đây đã là lần thứ tư ông Lloyd Austin đến châu Á trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, song vào thời điểm địa chính trị thế giới có nhiều biến động, sự có mặt của ông đã nhận được sự quan tâm lớn.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lloyd Austin sẽ tận dụng diễn đàn này để nêu bật với các quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương về sự tôn trọng của Mỹ đối với hòa bình, ổn định và sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia này. Ông dự kiến cũng sẽ làm rõ về các sáng kiến trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và coi đây là một cơ hội hợp tác hoàn toàn mới trong tương lai giữa Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden từ trước đến nay luôn khẳng định Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ mang lại lợi ích lâu dài và to lớn cho tất cả các bên tham gia. Đối thoại Shangri-La 2022 sẽ là cơ hội cho Mỹ đề xuất các sáng kiến mới nhằm tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực.

Nhật Bản và tầm nhìn an ninh quốc tế

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bày tỏ sự lo ngại về những gì đang xảy ra ở Ukraine có thể xảy ra ở Đông Nam Á, Nhật Bản cam kết sẽ đóng một vai trò tích cực hơn nữa trong việc chống lại bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở khu vực. Hơn nữa, ông Fumio Kishida đã chỉ ra chính sách đối ngoại và tầm nhìn an ninh quốc tế của Nhật Bản trong thời gian tới với 5 mục tiêu chính gồm: Duy trì trật tự quốc tế mở và tự do dựa trên luật lệ; tăng cường an ninh của Nhật gồm củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ; thúc đẩy thế giới phi hạt nhân; tăng cường chức năng của Liên Hợp Quốc; và thúc đẩy hợp tác quốc tế về an ninh kinh tế.

Để bảo đảm đạt được mục tiêu duy trì trật tự dựa trên luật lệ, Tokyo đã đề xuất nhiều dự án cụ thể. Trong đó, có hơn 50 tỷ USD thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng trong vòng 5 năm. Về an ninh và an toàn hàng hải, Nhật Bản sẽ đào tạo hơn 800 sĩ quan của hơn 20 quốc gia khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong 3 năm tới, Nhật Bản sẽ tặng thiết bị có tổng trị giá 2 tỷ USD, bao gồm cả tàu thuyền cho nhóm nước vừa nêu, bao gồm cả tàu tuần tra, và Nhật Bản sẽ tăng mạnh ngân sách quốc phòng của họ.

Bên cạnh đó, với mục tiêu nỗ lực hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, Thủ tướng Nhật Bản cho biết, quốc gia này sẽ sớm đưa ra kế hoạch hành động, tập trung vào các lĩnh vực như an ninh hàng hải. Chủ động hơn trong việc giải quyết những thách thức và khủng hoảng mà Nhật Bản, châu Á và thế giới đang đối mặt.

Đông Nam Á ngày càng khẳng định vị thế

Theo tiến sĩ William Choong, Đối thoại Shangri-La 2022 sẽ là diễn đàn nơi các quốc gia thành viên của ASEAN thể hiện vai trò trong việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự và thịnh vượng không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới. Những sáng kiến và nỗ lực của ASEAN trong việc bảo đảm an ninh khu vực từ trước đến nay cũng đã luôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Hơn nữa, với một nền kinh tế phát triển nhanh chóng, việc hợp tác chặt chẽ với ASEAN đang trở thành một nhu cầu thiết yếu với nhiều quốc gia trên thế giới.

ASEAN hiện là một trong những nền kinh tế năng động nhất trên thế giới. Chính vì vậy, các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc sẽ nỗ lực khẳng định cam kết và những lợi ích lâu dài mà họ có thể mang đến cho khu vực nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác với các thành viên ASEAN.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-cac-nuoc/no-luc-duy-tri-an-ninh-khu-vuc-i291835/