Nỗ lực gắn kết cộng đồng, vị thế ASEAN ngày càng được củng cố

Trong thời gian qua, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã cho thấy nhiều nỗ lực gắn kết cộng đồng và giữ vững vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực. Vị thế của ASEAN ngày càng được củng cố và trở thành 'điểm sáng' về phục hồi hậu đại dịch Covid-19, cũng như giữ được thế cân bằng trước sức ép cạnh tranh và xu hướng đối đầu giữa các nước lớn.

Các nhà lãnh đạo và đại biểu tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) 2024. Ảnh: ASEAN

Các nhà lãnh đạo và đại biểu tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) 2024. Ảnh: ASEAN

Nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng

Theo giới chuyên gia, kể từ khi thành lập vào năm 1967 đến nay, một trong những thành công quan trọng nhất của ASEAN là đưa khu vực Đông Nam Á có nhiều chia rẽ, đối đầu, nghi kỵ lẫn nhau trở thành một cộng đồng khu vực của 10 quốc gia hòa bình, hội nhập và phát triển. Sự gắn kết liên tục trong 57 năm qua đã giúp ASEAN có nguồn nội lực để tạo ra những bước tiến mạnh mẽ trong việc gia tăng vị thế, tầm ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế.

ASEAN được đánh giá là tổ chức khu vực thành công nhất thế giới, dẫn dắt một khu vực được đánh giá là hấp dẫn nhất đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2022, ASEAN thu hút tới 17% nguồn vốn FDI của thế giới. Nếu năm 2010, dòng vốn FDI vào ASEAN chỉ đạt gần 76 tỷ USD, thì con số này đã tăng gấp 3 lần, lên 224 tỷ USD vào năm 2022.

Thị phần của ASEAN trong thương mại thế giới tăng từ khoảng 6,5% năm 2010 lên 7,5% vào năm 2021, nhanh hơn các khu vực khác và phản ánh bản chất hướng ngoại của hội nhập ASEAN. Năm 2022, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của ASEAN đạt trên 3.300 tỷ USD và bình quân đầu người đạt trên 5.000 USD. Dự báo đến năm 2027, GDP của ASEAN có thể đạt mức trên 4.000 tỷ USD và đến năm 2030, khoảng 60% dân số ASEAN có tiềm năng gia nhập tầng lớp trung lưu. ASEAN đang được đánh giá là một thị trường tiêu thụ rộng lớn, là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.

Giới chuyên gia đánh giá, sự hiện diện và tầm quan trọng của ASEAN ngày càng mở rộng không chỉ đối với khu vực Đông Nam Á, mà còn vươn ra phạm vi toàn thế giới, nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đặc biệt, ASEAN đang thể hiện vai trò trung tâm thông qua các thể chế hợp tác đa phương do ASEAN dẫn dắt, như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).

Song hành với đó, các cơ chế hợp tác nội khối cùng các cơ chế hợp tác đa phương trên đã và đang giúp ASEAN xử lý khá tốt mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và lợi ích khu vực, lợi ích của khu vực với các đối tác bên ngoài, đặc biệt là dung hòa lợi ích với các nước lớn, từ đó tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài cho duy trì an ninh và phát triển của ASEAN và các quốc gia thành viên, cũng như đóng góp quan trọng hơn cho hòa bình và phồn vinh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ASEAN và các quốc gia thành viên luôn nhận thức sâu sắc rằng Đông Nam Á và các quốc gia trong khu vực khó có thể tránh khỏi sự can dự và cạnh tranh ảnh hưởng từ các cường quốc bên ngoài. Do đó, ngay từ khi mới được thành lập, ASEAN đã chủ động thiết lập, mở rộng quan hệ với các nước lớn, theo đuổi chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa, đồng thời linh hoạt áp dụng các sách lược cân bằng.

Trong những năm gần đây, ASEAN đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết cường quốc hàng đầu thế giới, như Trung Quốc (năm 2021), Mỹ (năm 2022), Nhật Bản (năm 2023), Ấn Độ (năm 2023). Việc nâng cấp quan hệ đã giúp ASEAN bước đầu vượt qua thế “kẹt” từ sự gia tăng cạnh tranh, có xu hướng đối đầu giữa các nước lớn, nhất là Mỹ - Trung Quốc, góp phần duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Quan điểm của ASEAN nhấn mạnh mong muốn duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối thoại và hợp tác thay vì đối đầu. ASEAN hy vọng tất cả đối tác và bạn bè, nhất là các nước lớn cùng tham gia hợp tác, cạnh tranh lành mạnh và “vai trò trung tâm” của ASEAN là nguyên tắc nền tảng để thúc đẩy hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời ASEAN tập trung củng cố và tối ưu hóa các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, trong đó có EAS, ASEAN+1, ARF, ADMM+ cùng nhiều cơ chế khác. Cách tiếp cận này giúp ASEAN giữ được sự cân bằng trong cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn để thu hút nguồn lực bên ngoài, duy trì an ninh, hợp tác và phát triển.

Nhiều thế mạnh, nhưng vẫn có thách thức

Năm 2020, dưới sự chủ trì của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch luân phiên, ASEAN đã đạt được sự đồng thuận trong vấn đề Biển Đông, trong đó có việc soạn thảo và thông qua Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trong Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN những năm tiếp theo, nội dung này tiếp tục được đề cập, góp phần gia tăng vị thế, sức mạnh của ASEAN trong hóa giải mâu thuẫn, xung đột đang nổi lên ở khu vực.

Lãnh đạo các nước ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Indonesia. Ảnh: VGP

Lãnh đạo các nước ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Indonesia. Ảnh: VGP

Trong tình hình địa chính trị phức tạp và bất ổn hiện nay, ASEAN đã thể hiện tính độc lập, tự chủ, trung lập cùng mong muốn duy trì môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á.

Về kinh tế, ASEAN đang là “điểm sáng” của tăng trưởng kinh tế và thu hút FDI. Tăng trưởng kinh tế của ASEAN trong năm 2023 đạt 4,4% và dự báo đạt khoảng 5% trong năm 2024 - tiếp tục là một trong những khu vực có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới (GDP của nền kinh tế thế giới chỉ đạt khoảng 3%).

Song hành với củng cố sự đoàn kết nội khối, ASEAN cũng không ngừng mở rộng và nâng cấp, làm sâu sắc hơn quan hệ với tất cả đối tác, kiên trì theo đuổi chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, cân bằng chiến lược với các nước lớn. Cùng với đó, sự gia tăng can dự, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc thông qua các dự án địa chiến lược cũng góp phần làm gia tăng vị thế địa chiến lược, tài nguyên địa chính trị của ASEAN nếu khối ngày càng đoàn kết, tự chủ chiến lược và gia tăng khả năng thích ứng, cạnh tranh.

Theo giới chuyên gia, tác động của đại dịch Covid-19 và sự suy giảm của tiến trình toàn cầu hóa cũng như tình hình thương mại khiến đầu tư nội khối ít được cải thiện. Vì vậy, việc thúc đẩy một ASEAN hợp nhất về kinh tế chưa thực sự đạt được kết quả như mong đợi. Thực tế cho thấy, dòng vốn FDI nội khối năm 2022 đạt khoảng 21 tỷ USD, chiếm 1/7 tổng số vốn FDI vào khu vực. Sự phân bổ vốn FDI trong ASEAN không đồng đều, khi Singapore chiếm gần 60%. Trong khi đó, thương mại nội khối có xu hướng sụt giảm, chỉ chiếm khoảng 21% thương mại của ASEAN.

Một khó khăn và thách thức đáng chú ý khác của ASEAN là từ môi trường địa chính trị, địa kinh tế đang biến đổi phức tạp, khó lường. Các cơ chế do Mỹ thiết lập và đang theo đuổi, như Thỏa thuận hợp tác an ninh ba bên giữa Mỹ - Anh - Australia (AUKUS), Nhóm Bộ tứ (QUAD), Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), Hợp tác Mekong - Lan Thương... có thể làm suy yếu các thể chế hợp tác do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt. Cùng với đó, các cuộc xung đột trên thế giới và các lệnh trừng phạt lẫn nhau... có khả năng tiếp tục tác động tiêu cực đến sự đoàn kết của ASEAN, nhất là áp lực “chọn bên”, trong một số vấn đề quốc tế.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/no-luc-gan-ket-cong-dong-vi-the-asean-ngay-cang-duoc-cung-co-post477287.html