Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công: Còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ

Sáng 10-7, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương để nghe báo cáo tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm. Qua đó, tìm phương án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân những tháng cuối năm.

Kết quả chưa như kỳ vọng

Theo Sở Tài chính, năm 2025, số vốn Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh hơn 12.851 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ hơn 12.821 tỷ đồng. Tổng vốn giải ngân đến ngày 30-6 được hơn 5.297 tỷ đồng, đạt 41,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh cao hơn mức bình quân của cả nước (32,06%), nhưng so với chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước đó (phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đạt từ 50% trở lên) thì vẫn chưa đạt tiến độ đề ra. Cụ thể, vốn trong nước giải ngân đạt 42,06% kế hoạch, trong đó vốn ngân sách địa phương đạt 48,34% và vốn ngân sách trung ương đạt 31,83%; vốn nước ngoài có tỷ lệ giải ngân thấp hơn, chỉ đạt 15,6% kế hoạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam phát biểu chỉ đạo cuộc họp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam phát biểu chỉ đạo cuộc họp.

Ông Nguyễn Ngọc Minh - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Nguyên nhân chính khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong xác định giá đất đền bù, nguồn gốc sử dụng đất. Ngoài ra, công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, quá trình phê duyệt dự án chậm, nhất là các dự án khởi công mới năm 2025; năng lực quản lý, điều hành của một số chủ đầu tư và cán bộ ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy địa phương 2 cấp cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân một số dự án đầu tư, sửa chữa trụ sở.

Điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm là một số dự án trọng điểm quốc gia đã đẩy nhanh tiến độ để giải ngân được nguồn vốn lớn. Đơn cử như Dự án thành phần 1 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng. Đến hết tháng 6, chủ đầu tư đã giải ngân được hơn 486,4 tỷ đồng. Ông Đặng Hữu Tài - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và giao thông tỉnh cam kết: “Sau khi các điểm nghẽn được tháo gỡ, nhà thầu sẽ tập trung thi công “3 ca, 4 kíp”, thực hiện các hạng mục phối đá dăm, thảm bê tông nhựa mặt đường, đảm bảo tiến độ hoàn thành 20km đầu tuyến trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch giao”.

Nguồn vốn chuyển tiếp lớn

Giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm đã gặp không ít khó khăn, dự báo 6 tháng cuối năm càng có nhiều trở ngại hơn. Với việc sáp nhập đơn vị hành chính, kết thúc hoạt động của cấp huyện, phần vốn do cấp huyện quản lý trước đây hiện nay chuyển về cấp xã hoặc chuyển về các sở, ban, ngành của tỉnh quản lý. Ở khu vực phía bắc Khánh Hòa (tỉnh Khánh Hòa cũ) có 603 dự án, với tổng kế hoạch vốn hơn 3.000 tỷ đồng thuộc diện phải chuyển tiếp. Trong đó, bàn giao cho cấp tỉnh 84 dự án, với tổng kế hoạch vốn gần 1.686 tỷ đồng; bàn giao cho cấp xã 519 dự án, với tổng kế hoạch vốn gần 1.327 tỷ đồng. Việc bàn giao, chuyển tiếp vốn đầu tư công sau khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy địa phương 2 cấp được thực hiện theo nguyên tắc, nếu dự án nằm trọn vẹn ở xã, phường mới thì chuyển cho xã, phường mới làm chủ đầu tư; các dự án nằm trên địa bàn từ 2 xã, phường trở lên thì chuyển về cho các ban quản lý dự án cấp tỉnh làm chủ đầu tư. Riêng khu phía nam Khánh Hòa (tỉnh Ninh Thuận cũ), đến nay các dự án vẫn chưa kịp làm thủ tục chuyển tiếp.

Thi công công trình đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Thi công công trình đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Ông Nguyễn Thành Phú - Giám đốc Sở Xây dựng nhận định: “Tiến độ giải ngân chậm chỉ tập trung vào một số nhóm dự án. Vướng mắc lớn nhất của các dự án này là công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nhiều xã, phường vẫn lúng túng khi tiếp nhận, triển khai dự án. Do đó, thời gian tới, phải tổ chức hội nghị chuyên đề về đầu tư công để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đối với các dự án của tỉnh Ninh Thuận cũ, cần nhanh chóng trình HĐND tỉnh để có phương án chuyển tiếp, có như vậy mới kịp tiến độ đề ra”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Nam Nha Trang cho biết: “Đối với các xã, phường sau sáp nhập, không chỉ riêng về giải phóng mặt bằng, mà còn rất nhiều phần việc khác cũng đang gặp những khó khăn nhất định. Vì vậy, mong lãnh đạo UBND tỉnh có những hướng dẫn cụ thể với các vấn đề cấp thiết”.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các tổ công tác do lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đặc biệt là dự án trọng điểm, quy mô lớn. Tỉnh cũng kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không hiệu quả, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ tốt, thiếu vốn để đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao. Để giải quyết vấn đề chuyển giao sau sáp nhập, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1860 về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2025.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và phấn đấu đạt 100% kế hoạch vốn, Sở Tài chính đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư triển khai quyết liệt nhiều nhiệm vụ. UBND tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phân công nhiệm vụ rõ ràng: "Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền"; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát, chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tổ chức vận hành bộ máy sau sáp nhập đảm bảo thông suốt, liên tục, hiệu quả, không để gián đoạn công việc, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng; tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia, đặc biệt là các Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, những dự án chào mừng các ngày kỷ niệm lớn.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam khẳng định, để giải ngân vốn đầu tư công đạt hiệu quả cần phải có cách làm mới. Đồng chí Trần Hòa Nam giao Sở Tài chính hằng tháng phải báo cáo đánh giá tiến độ giải ngân và xây dựng kế hoạch giải ngân vốn trong tháng kế tiếp. Trong đó, cần xác định trách nhiệm của các chủ đầu tư, địa phương trong việc triển khai các dự án và công tác giải ngân nguồn vốn. Sở Nông nghiệp và Môi trường theo dõi công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; từ đó tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ dự án. Đối với vướng mắc của các xã, phường trong thực hiện các dự án, lãnh đạo tỉnh sẽ có các đợt kiểm tra thực tế, nắm bắt để chỉ đạo có giải pháp tháo gỡ, cũng như hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện. Đồng chí Trần Hòa Nam cũng lưu ý các chủ đầu tư, các sở, ngành phải tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn có kế hoạch hoàn thành trong cuối năm 2025.

ĐÌNH LÂM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202507/no-lucgiai-ngan-von-dau-tu-cong-con-nhung-diem-nghen-can-thao-go-de91873/