Nỗ lực giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số ở Đắk Nông (kỳ 3): Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo

Công tác giảm nghèo ở Đắk Nông bước đầu đạt được mục tiêu theo lộ trình nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Toàn tỉnh đang tập trung tháo gỡ khó khăn, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết 13.

Công tác giảm nghèo ở Đắk Nông bước đầu đạt được mục tiêu theo lộ trình nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Toàn tỉnh đang tập trung tháo gỡ khó khăn, quyết tâm hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết 13.

Công tác giảm nghèo ở Đắk Nông bước đầu đạt được mục tiêu theo lộ trình nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Toàn tỉnh đang tập trung tháo gỡ khó khăn, quyết tâm hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết 13.

Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh còn 7,97% (giảm 3,22%), trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ là 24,56% (giảm 8,25%). Kết quả trên đã đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 16/12/2021 về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đề ra.

Với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, đồng bào dân tộc Mông ở xã Quảng Hòa (Đắk Glong) đã có điện thắp sáng, mua sắm thiết bị nghe nhìn, phục vụ cuộc sống

Với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, đồng bào dân tộc Mông ở xã Quảng Hòa (Đắk Glong) đã có điện thắp sáng, mua sắm thiết bị nghe nhìn, phục vụ cuộc sống

Theo Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan nhưng vẫn còn những khó khăn, thách thức lớn. Ngoài những yếu tố khách quan như cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, văn bản hướng dẫn chậm ban hành hoặc chồng chéo… thì có cả những yếu tố chủ quan trong công tác chỉ đạo, điều hành của các địa phương, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện các dự án.

Chương trình giảm nghèo cần có sự điều hành đồng bộ, tính lồng ghép cao nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện thì các cơ quan quản lý triển khai các dự án, chính sách còn mang tính độc lập, riêng lẻ mà chưa có sự phối hợp. Nhất là các Dự án giảm nghèo của các tổ chức nước ngoài tài trợ, hỗ trợ triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh nhưng cơ quan thường trực chưa cập nhật được tình hình, tiến độ, kết quả và hiệu quả, tác động giảm nghèo của Dự án.

Trong quá trình thực hiện các chương trình giảm nghèo, kết quả triển khai một số tiểu dự án chưa đạt mục tiêu theo tiến độ, kế hoạch đề ra. Tỷ lệ giải ngân toàn chương trình chưa cao. Cụ thể, tổng vốn giải ngân toàn chương trình lũy kế 2 năm mới đạt gần 150 tỷ đồng, đạt 27,27%. Trong đó, năm 2022 mới giải ngân được 138 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 64% so với tổng số vốn được giao gần 217 tỷ đồng. Nguồn vốn năm 2023 mới giải ngân được hơn 10 tỷ đồng, đạt hơn 3% trên tổng số vốn được bố trí 330 tỷ đồng.

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, khó khăn nhất của địa phương là vướng quy hoạch bô xít và quy hoạch phát triển du lịch. Hiện nay địa phương đã điều tiết các nguồn vốn, phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ giải ngân được hết vốn năm 2022.

Quy hoạch bô xít là một trong những vướng mắc lớn nhất của huyện Đắk Glong khi triển khai các dự án giảm nghèo

Quy hoạch bô xít là một trong những vướng mắc lớn nhất của huyện Đắk Glong khi triển khai các dự án giảm nghèo

Tương tự, huyện Tuy Đức là một trong 2 địa phương có nhiều tiểu dự án đang gặp vướng mắc trong quá trình triển khai. Trong đó, việc sản xuất ở địa phương vẫn còn mang tính tự phát, chưa phát huy được thế mạnh của từng vùng và có nhiều bất lợi về giá cả đầu ra. Việc triển khai thực hiện nhân rộng mô hình giảm nghèo chưa hiệu quả. Chính sách dạy nghề chưa gắn chặt với công tác giải quyết việc làm mới; lao động giải quyết việc làm mới theo hình thức đi làm việc nước ngoài không nhiều; định hướng nghề nghiệp cho học sinh vẫn chưa đem lại hiệu quả cao. Công tác xã hội hóa cùng chung tay giúp đỡ hộ nghèo, người nghèo chưa phát huy hiệu quả, nguồn huy động xã hội hóa giúp đỡ hộ nghèo, người nghèo còn hạn chế.

Để thực hiện được mục tiêu Nghị quyết số 13 về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đề ra, tỉnh Đắk Nông đang tiếp tục tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện đồng bộ những giải pháp.

Các trung tâm dạy nghề chú trọng duy trì, ĐTN cho lao động nông thôn, trong đó tập trung vào các nghề truyền thống như trồng trọt, chăn nuôi - thú y

Các trung tâm dạy nghề chú trọng duy trì, ĐTN cho lao động nông thôn, trong đó tập trung vào các nghề truyền thống như trồng trọt, chăn nuôi - thú y

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Lưu Văn Trung nhấn mạnh, từ những khó khăn, thách thức hiện tại về công tác giảm nghèo, Đắk Nông tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Đắk Nông xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và chính bản thân người nghèo. Công tác giảm nghèo phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, các ngành và toàn xã hội và đưa chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm vào đánh giá thi đua, xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền các cấp.

Cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã phải đăng ký phấn đấu đạt mục tiêu giảm nghèo theo các chỉ tiêu cam kết. Đặc biệt là 2 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao là Tuy Đức và Đắk Glong phải khảo sát, đánh giá, xác định hộ nghèo đúng thực tế. Các huyện còn lại đã ký cam kết phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu giảm nghèo của đơn vị mình. Tỉnh ủy đưa chỉ tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, người đứng đầu các địa phương. Các hoạt động giảm nghèo phải được đưa đến với mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp dân cư. Qua đó, nhằm tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức cho người nghèo về ý thức tự lực trong lao động sản xuất, thay đổi tư duy, thói quen canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai chương trình giảm nghèo theo tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Đắk Nông. Đặc biệt, phải coi trọng vai trò của cấp cơ sở, bảo đảm sự tham gia của người dân trong việc giám sát và đánh giá.

Học sinh đồng bào DTTS Đắk Nông ngày càng quan tâm việc học nghề để có việc làm phù hợp

Học sinh đồng bào DTTS Đắk Nông ngày càng quan tâm việc học nghề để có việc làm phù hợp

Liên quan đến tiến độ thực hiện các tiểu dự án, ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, đối với vướng mắc do quy hoạch 3 loại rừng, Sở NN-PTNT tỉnh đã có văn bản đề nghị các địa phương trình bày rõ khó khăn và kiến nghị giải pháp tháo gỡ. Các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát gửi về Sở NN-PTNT để đơn vị tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm.

TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng, một trong những “chìa khóa” của công tác giảm nghèo bền vững vùng DTTS là tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về chương trình giảm nghèo. Các hình thức tuyên truyền phải phong phú, nêu bật các gương điển hình, kinh nghiệm, mô hình giảm nghèo thành công của các địa phương, cộng đồng và người nghèo để tạo hiệu ứng khích lệ, lan tỏa. Đặc biệt, các chương trình phát thanh, tuyên truyền trên báo chí về chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước bằng tiếng phổ thông cũng như tiếng DTTS thu hút được rất nhiều đồng bào quan tâm.

Được hỗ trợ thoát nghèo bền vững, bên cạnh nỗ lực lao động sản xuất, đồng bào M’nông, xã Thuận An (Đắk Mil) còn chú trọng gìn giữ, phát huy văn hóa cồng chiêng

Được hỗ trợ thoát nghèo bền vững, bên cạnh nỗ lực lao động sản xuất, đồng bào M’nông, xã Thuận An (Đắk Mil) còn chú trọng gìn giữ, phát huy văn hóa cồng chiêng

Đối với tỷ lệ giải ngân vốn rất thấp, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải linh hoạt lồng ghép các chương trình để đạt hiệu quả tối đa. Quá trình thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, xác định nguồn ngân sách Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí vốn đối ứng hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời tăng cường các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng. “Công tác xóa đói, giảm nghèo không phải là câu chuyện ngày một ngày hai mà phải rất kiên trì và bền bỉ. Do đó, mục tiêu giảm nghèo bền vững của Đắk Nông luôn cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tự lực vươn lên của người dân”, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh chia sẻ.

Nội dung: Bảo Ngọc. Ảnh: P.V

Trình bày: Nguyễn Hiền XB

Bảo Ngọc

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/no-luc-giam-ngheo-vung-dan-toc-thieu-so-o-dak-nong-ky-3-phan-dau-hoan-thanh-cac-muc-tieu-giam-ngheo-185263.html