Nỗ lực giảm thiểu thiệt hại của thiên tai

Thiên tai diễn biến ngày càng thất thường không chỉ đòi hỏi các biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả mà còn đặt ra yêu cầu phải thích ứng để 'sống chung' nhằm hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại.

Sự cố sạt lở kè Vĩnh Lập (Thanh Hà) được người dân địa phương chủ động xử lý kịp thời

Sự cố sạt lở kè Vĩnh Lập (Thanh Hà) được người dân địa phương chủ động xử lý kịp thời

Chủ động từ cơ sở

Sạt lở kè Thanh Kỳ thuộc đê hữu sông Thái Bình ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) là sự cố đê điều nguy hiểm trong năm 2022 của tỉnh. Hiện cung sạt đã lấn sâu vào mái kè 3,4 m, điểm sạt gần nhất cách chân đê phía sông chỉ khoảng 10 m. Trên mặt bãi xuất hiện nhiều vết nứt, hơn nữa đây là khu vực có địa chất yếu, chịu tác động của thủy triều mạnh với dòng chảy áp sát nên có khả năng tiếp tục sạt lở, đe dọa an toàn đê điều. Trước tình hình này, chính quyền cơ sở đã chủ động phối hợp để xử lý sự cố. Ngoài bố trí 18 người tuần tra, canh gác 24/24 giờ để sớm phát hiện khi điểm sạt diễn biến xấu, UBND xã còn dự phòng 150 người cùng phương tiện, máy móc, sẵn sàng ứng cứu theo phương châm "4 tại chỗ". Sự cố đã được khắc phục tạm thời bằng cách đóng cọc, đắp bao tải đất. Huyện đã xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa mưa bão năm nay. Theo ông Phạm Văn Thiệp, Phó Chủ tịch UBND xã, ngay khi sự cố xảy ra, địa phương rất tích cực trong việc ứng phó, lực lượng xung kích nhanh chóng được kiện toàn để theo sát diễn biến điểm sạt. Nhờ vậy các cấp, ngành sớm nắm bắt tình hình để lên kế hoạch khắc phục phù hợp.

Điểm sạt kè Vĩnh Lập thuộc đê tả sông Mía ở thôn Kiên Nhuệ, xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) cũng được phát hiện và xử lý tạm thời từ sớm nhờ sự chủ động, trách nhiệm của người dân. Cung sạt dài 13 m, lấn sâu vào bờ từ 2 - 3m, điểm gần nhất cách chân đê 27 m và đang tiếp tục có dấu hiệu sạt. Người dân địa phương đã tự khắc phục sự cố bằng cách đóng cọc tre, đắp bao tải đất nên hạn chế được diễn biến xấu. Về lâu dài để bảo đảm an toàn, khu vực này phải tiếp tục gia cố thêm. Ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện cho biết: "Địa phương nằm ở vùng hạ lưu, nhiều đoạn bãi sông nền yếu, chủ yếu là đất pha cát nên nguy cơ sạt lở cao. Trong khi đó, các tuyến đê của huyện tương đối dài, vì thế sự hỗ trợ của người dân, chính quyền rất cần thiết để sớm phát hiện, xử lý sự cố ngay từ giờ đầu, tránh được nguy hiểm không đáng có về sau".

Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi kiểm tra trạm bơm chống úng trước mùa mưa bão

Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi kiểm tra trạm bơm chống úng trước mùa mưa bão

Thích ứng an toàn

Không chỉ chủ động ứng phó, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai bằng việc kịp thời kiểm tra, khắc phục các sự cố công trình mà các địa phương trong tỉnh đang dần thích ứng với những giải pháp dài hơi, an toàn và hiệu quả. Công trình thủy lợi, đê điều là lá chắn trước thời tiết cực đoan như bão lũ, mưa lớn... còn đối với loại hình thời tiết không theo quy luật cần phải có những thay đổi trong sản xuất để tránh bị động, làm ảnh hưởng tới giá trị.

Những năm gần đây, diễn biến thời tiết thất thường đã phần nào tác động tới sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nhiều vụ đông xuân ấm hơn, vụ xuân hè lại lạnh hơn, nắng nóng đạt ngưỡng gay gắt, mưa lớn ở mức cực đại khiến sản xuất gặp nhiều khó khăn. Tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước tưới dưỡng cũng đe dọa tới năng suất, chất lượng cây trồng. Ngoài phương án ứng phó tình thế, cấp bách, các địa phương cũng đã tính toán giải pháp dài hơi để thích ứng. "Là địa phương có cốt đất cao, lại bị động về nguồn nước, nhất là trong những giai đoạn cao điểm, huyện Cẩm Giàng đã có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Trong đó ưu tiên trồng những loại cây chịu hạn ở vùng có nguy cơ thiếu nước. Tuy nhiên việc chuyển đổi theo lộ trình, vừa làm vừa đánh giá để nhân rộng", ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng thông tin.

Đối với những địa phương thuộc vùng triều như thị xã Kinh Môn, các huyện Kim Thành, Thanh Hà, Tứ Kỳ... nhiều giống lúa chịu mặn cũng được đưa vào sản xuất. Ngoài ra, tùy vào điều kiện cụ thể, mỗi nơi lại có cách làm riêng để sản xuất ít phụ thuộc thời tiết. Ngoài áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, tiết kiệm, người dân chú trọng sản xuất trong nhà màng, nhà lưới để khắc phục những bất lợi của thời tiết đối với cây trồng.

Trước áp lực phát triển kinh tế - xã hội, thiên tai càng bất thường và khó đoán hơn. Việc ứng phó, thích ứng với thiên tai là trách nhiệm của cộng đồng. Khi cộng đồng chung tay thì sẽ giảm thiểu thiệt hại và thích ứng an toàn trước thiên tai.

PV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/moi-truong/no-luc-giam-thieu-thiet-hai-cua-thien-tai-204134