Nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực. Đây cũng là một trong những lực cản đối với kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Hoạt động tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân và học sinh trên địa bàn xã Tà Rụt, huyện Đakrông -Ảnh: H.T

Hoạt động tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân và học sinh trên địa bàn xã Tà Rụt, huyện Đakrông -Ảnh: H.T

Cùng với công tác dạy và học, những năm qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn vùng DTTS của tỉnh đã quan tâm tới việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho học sinh về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản; hệ lụy của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Các trường học không ngừng đổi mới hình thức tuyên truyền với nhiều cách làm phong phú, sáng tạo như: sân khấu hóa, thi vẽ tranh, hình ảnh trực quan, sinh động, thông qua mạng xã hội, tập huấn kỹ năng truyền thông về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

Em Hồ Thị Liêu, học sinh lớp 8, Trường THCS A Xing, xã Lìa, huyện Hướng Hóa chia sẻ: “Được tham gia các hoạt động tập thể, đặc biệt là các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở nhà trường đã giúp chúng em tiếp thu kiến thức dễ dàng, hiệu quả hơn. Chúng em rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân, đồng thời, tuyên truyền gia đình, cộng đồng dần loại bỏ những hủ tục”.

Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9 của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành Kế hoạch giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024. Nội dung chính của kế hoạch tập trung vào việc tổ chức các hội nghị tập huấn nhân rộng mô hình hoạt động của nhóm nòng cốt, câu lạc bộ “Can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại cộng đồng thôn, bản.

Đồng thời, tổ chức hội nghị tuyên truyền cho nhóm phụ nữ và nam giới người DTTS nhằm chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS, góp phần giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các địa phương khác nhằm nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật...

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Thị Minh cho biết: “Năm 2024, các hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi ưu tiên tổ chức thực hiện tại các xã chưa được tổ chức mô hình, các xã vùng biên giới; tiếp cận, phổ biến cho những người chưa được truyền thông các biện pháp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đặc biệt là ở các thôn, bản có tỉ lệ tảo hôn cao.

Ngoài việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh cũng phối hợp với các ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh tăng cường các giải pháp về hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn định hướng nghề nghiệp cho thanh, thiếu niên. Quan tâm đầu tư, vận động nguồn lực phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi để thanh, thiếu niên có nhiều cơ hội học tập và làm việc, tránh tư tưởng bỏ học để lấy vợ, lấy chồng sớm.

Phát huy hơn nữa vai trò của các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, người có ảnh hưởng đến công chúng cùng tham gia tuyên truyền, giáo dục thanh, thiếu niên không tảo hôn, gia đình không cho con tảo hôn, chính quyền không hợp thức hóa việc tảo hôn, từng bước xóa bỏ những hủ tục”.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tỉ lệ số vụ tảo hôn hằng năm giảm đạt cao hơn mục tiêu yêu cầu của chương trình, đề án (từ 2-3%/ năm) và không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS. Một số cách làm hay, hiệu quả đã được duy trì và lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân vùng đồng bào DTTS về những hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống như: mô hình trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ và bà con không đi dự đám cưới tảo hôn, cận huyết thống; đối tượng đã kết hôn tảo hôn, cận huyết thống đi vận động đối tượng sắp tảo hôn, cận huyết thống không tổ chức kết hôn; phương pháp tuyên truyền, vận động tư vấn hiệu quả nhóm nòng cốt giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại cộng đồng thôn, bản...

Đặc biệt, thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9 của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các trường học tổ chức 10 cuộc tọa đàm giao lưu văn hóa, tuyên truyền; tổ chức 10 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông, tư vấn, vận động cho đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở; tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng truyền thông cho cán bộ làm công tác dân tộc cấp huyện, công chức cấp xã 180 người/3 lớp; tổ chức 10 hội thi tìm hiểu pháp luật về hôn nhân, về kết hôn, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 10 xã; tổ chức 14 hội nghị tập huấn tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các cụm xã với 980 người tham gia. Song song với đó đã chủ trì chuyển tải phim tài liệu tuyên truyền; lắp đặt 31 pano tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để cung cấp cho 31 xã vùng DTTS.

Theo Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ giảm bình quân 2%-3%/năm số cặp tảo hôn đối với các địa bàn DTTS có tỉ lệ tảo hôn cao; đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Để đạt và vượt mục tiêu này, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS trong hôn nhân; biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm tuyên truyền về hôn nhân và ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tăng cường hợp tác, tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ từ các tổ chức quốc tế và các tổ chức xã hội để bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống tảo hôn.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/no-luc-giam-thieu-tinh-trang-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet-thong-185983.htm