Nỗ lực giữ chân người lao động
Tuy dịch Covid-19 tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng không ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không cắt giảm lao động mà sắp xếp lại lao động, giãn việc, cố gắng ổn định việc làm, thu nhập, bảo vệ sức khỏe công nhân.
Tuy dịch Covid-19 tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng không ít doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không cắt giảm lao động mà sắp xếp lại lao động, giãn việc, cố gắng ổn định việc làm, thu nhập, bảo vệ sức khỏe công nhân.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang gặp rất nhiều khó khăn. Mức tiêu thụ sản phẩm bị giảm khá lớn, vận tải hàng hóa bị ngưng trệ... Thế nhưng, với tinh thần vượt khó, Ban Giám đốc công ty đã cố gắng tìm mọi cách duy trì hoạt động sản xuất nhằm ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động (NLĐ). Chị Lê Thị Thủy, công nhân công ty cho biết: “Dịch bệnh, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, dẫn đến doanh thu bị giảm nhưng công ty vẫn duy trì việc làm đều đặn, không cắt giảm lao động, không cắt giảm lương của công nhân. Các chế độ, chính sách, phúc lợi công ty vẫn thực hiện đầy đủ khiến ai cũng an tâm”.
Ông Trần Văn Chung - Trưởng phòng cung ứng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang chia sẻ: “Dù đang rất khó khăn song chúng tôi chưa từng nghĩ đến việc sẽ cắt giảm lao động. Thay vào đó, chúng tôi đang cố gắng hết mức có thể để duy trì công việc cho NLĐ. Bên cạnh đó, công tác chăm lo sức khỏe NLĐ được thực hiện nghiêm ngặt hơn, NLĐ phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay sát khuẩn và hạn chế tiếp xúc người lạ; nhà xưởng được khử khuẩn và bảo đảm môi trường làm việc thông thoáng”.
Tương tự, trong những tính toán, chiến lược để ứng phó vượt qua đại dịch của Công ty TNHH Long Sinh không có phương án cắt giảm lao động. Công ty có gần 200 lao động. Tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến sản lượng xuất khẩu bột cá giảm do ngư dân khai thác cá giảm và các nhà máy đông lạnh giảm sản lượng. Bên cạnh đó, các sản phẩm nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp giảm vì giá tôm và giá nông sản giảm sâu. Việc xuất nhập khẩu của công ty gặp nhiều khó khăn do vận tải ngưng trệ, hủy chuyến. “Công ty xác định tài chính và lực lượng lao động đều là hai nguồn lực quan trọng của DN. Cắt giảm lao động để giảm chi phí trong giai đoạn khó khăn này sẽ khiến DN phải đối diện với nguy cơ thiếu hụt một lực lượng lớn lao động ở giai đoạn hồi phục sau dịch, đặc biệt là những lao động lành nghề, có chất lượng cao. Do vậy, để giữ chân công nhân, công ty đã sắp xếp lại công việc, giảm giờ tăng ca của công nhân, điều chỉnh ca làm việc theo khối lượng nguyên liệu nhập về, cho công nhân thay nhau nghỉ phép năm...”, ông Vương Vĩnh Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh chia sẻ.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tuy chịu ảnh hưởng không nhỏ do dịch Covid-19 nhưng nhiều DN vẫn cố gắng duy trì việc làm, thu nhập cho NLĐ. Điều đó khẳng định mong muốn thực tâm của người sử dụng lao động trong việc giữ chân NLĐ ngay cả lúc khó khăn. Bên cạnh đó, các DN còn thực hiện rất tốt công tác phòng, chống dịch. Ở mỗi DN đều thành lập tổ phản ứng nhanh; nhà xưởng, nơi làm việc được khử khuẩn; công nhân được cấp phát, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, khám sức khỏe định kỳ…
Ngoài việc duy trì việc làm, thu nhập và bảo đảm các chế độ, chính sách cho công nhân, các DN còn có những hoạt động hỗ trợ, chia sẻ với cộng đồng, góp phần giúp người dân vượt qua khó khăn. Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang đã hỗ trợ 240 lít nước mắm và 200kg gạo cho khu cách ly tại phường Vĩnh Hải; trao 20 triệu đồng cho UBMTTQ Việt Nam tỉnh để phòng, chống dịch; trao 720 lít nước mắm cho Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Công ty TNHH Long Sinh đã hỗ trợ hơn 3 tấn gạo cho máy “ATM gạo” do Tỉnh đoàn và Liên đoàn Lao động tỉnh lắp đặt tại Khu Công nghiệp Suối Dầu để góp phần chia sẻ khó khăn với công nhân và người dân địa phương.
VĂN GIANG
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202005/no-luc-giu-chan-nguoi-lao-dong-8162251/