Nỗ lực giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, song 9 tháng đầu năm kinh tế tỉnh ta tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước. Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp, nhất là ngành dệt may, da giày phát triển mạnh. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, song 9 tháng đầu năm kinh tế tỉnh ta tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước. Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp, nhất là ngành dệt may, da giày phát triển mạnh. Ngành nông nghiệp giữ vững vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Xuất khẩu đạt mức tăng trưởng theo kịch bản. Thu hút đầu tư đạt kết quả khả quan với sự tin tưởng, đánh giá Nam Định là điểm đến tiềm năng, nhiều doanh nghiệp đã chuyển dịch chuỗi sản xuất, dòng vốn về địa phương. Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh cho thấy sự thích nghi, khả năng chống chịu và xu thế phục hồi tích cực của nền kinh tế. Từ đó, củng cố hơn nữa niềm tin của toàn xã hội vào chính sách và khả năng điều hành của các cấp chính quyền.
Đồng lòng vượt khó
Để đạt được kết quả kể trên, thời gian qua tỉnh đã nỗ lực thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân. Bằng giải pháp quyết liệt, hiệu quả trong chống dịch, triển khai tiêm vắc-xin trên diện rộng, tỉnh ta đã kiểm soát được dịch COVID-19 trên toàn tỉnh, nhất là đảm bảo an toàn dịch bệnh trong nhà máy, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề. Nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉnh đã đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo hướng dồn lực vào các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và các công trình văn hóa, phúc lợi xã hội quy mô lớn, liên vùng, có vai trò góp phần tăng năng lực sản xuất của các ngành, lĩnh vực trọng điểm, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh được đánh giá là “1 mũi tên trúng 2 đích”, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập cho nhiều ngành vừa đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp hoàn thiện hệ thống hạ tầng trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế. Điểm nhấn từ những công trình trọng điểm, quy mô liên vùng đã tạo thêm sức hấp dẫn mới; cộng với sự đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, tạo thuận lợi trong duy trì, ổn định mạng cung ứng, sản xuất, lưu thông hàng hóa từ phía các cấp chính quyền giúp kết quả thu hút đầu tư toàn tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực. Ngay trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư ở các tỉnh, nhất là doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày đã chuyển dịch chuỗi sản xuất về Nam Định. Nhiều nhà đầu tư đã xúc tiến, bày tỏ mong muốn hợp tác và cam kết một loạt thỏa thuận đầu tư các dự án quy mô lớn tại các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh như: Công ty CP Xây dựng Giao Thủy đăng ký đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Giao Thiện (Giao Thủy) với quy mô 75ha, dự kiến tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 trên 609 tỷ đồng… Bên cạnh đó, tỉnh luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt; thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ; tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp không đứt gãy chuỗi sản xuất và thúc đẩy phát triển 3 không gian kinh tế (kinh tế trong nước, kinh tế quốc tế, kinh tế số), mở rộng tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước, gia tăng giao dịch thương mại xuyên biên giới. Tập trung định hướng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề bám sát diễn biến thị trường, kịp thời đáp ứng đúng, trúng nhu cầu cũng như xu hướng thắt chặt chi tiêu của người dân do tác động của dịch bệnh.
Về phía người dân, doanh nghiệp cũng tích cực phát huy tinh thần tự lực, tự cường gỡ khó, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tích cực cung ứng nhanh, đạt chuẩn chất lượng sản phẩm các đơn hàng phòng chống dịch bệnh, không ngừng nâng cao vị thế với các đối tác mới trong và ngoài nước. Nhóm doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh khai thác sâu thị trường nội địa, nhất là phân khúc thị trường bình dân và nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp có điều kiện về tài chính như: Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty CP Muối và Thương mại Nam Định, Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, Công ty TNHH Cường Tân... đã tăng cường liên kết với bà con nông dân và các HTX đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, có truy xuất nguồn gốc với quy mô lớn. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tỉnh tiếp tục đạt nhiều bước tiến tích cực trong xuất khẩu gạo chất lượng cao; sản phẩm ngao đạt chứng nhận ASC tiếp tục thâm nhập sâu vào các thị trường xuất khẩu khó tính; rau màu được đẩy mạnh sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm; gia công chăn nuôi gà và lợn theo hướng an toàn cho các tập đoàn chăn nuôi lớn trong nước; sản lượng thủy sản tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,7% (trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,83%); tổng giá trị hàng xuất khẩu tăng 28,5%. Toàn tỉnh có 338 doanh nghiệp ngừng kinh doanh đã khôi phục hoạt động trở lại; 676 doanh nghiệp và 51 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 21.542 tỷ đồng; 62 dự án (50 dự án đầu tư trong nước và 12 dự án FDI) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký là 2.938,3 tỷ đồng và 46,6 triệu USD.
Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế
Để nền kinh tế phát triển bền vững trong điều kiện dịch bệnh dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tỉnh thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Các ngành, các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trên diện rộng và tích cực áp dụng những giải pháp đột phá hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo hướng thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh.
Trước mắt, đẩy mạnh hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng có sức chống chọi mạnh mẽ, bền bỉ hơn. Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện, nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa; phát triển những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế tham gia sâu trong các chuỗi giá trị; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh sẵn có của địa phương. Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Khuyến cáo doanh nghiệp tận dụng các cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác tối đa thị trường trong nước; thực hiện đồng bộ các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo dõi sát diễn biến nhu cầu hấp thụ hàng hóa của các thị trường nước ngoài để khuyến cáo doanh nghiệp có chiến lược sản xuất, cung ứng kịp thời, hiệu quả. Đẩy mạnh hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và sắp thực thi như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu để gia tăng xuất khẩu. Tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư, thi công các dự án lớn, công trình trọng điểm của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sự cạnh tranh công bằng...
Toàn tỉnh chú trọng đẩy mạnh triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; các Nghị quyết chuyên đề toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, Kế hoạch của UBND tỉnh với mục tiêu nỗ lực hoàn thành cao nhất chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tạo sức bật khởi đầu mạnh mẽ cho cả nhiệm kỳ 2021-2025./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy