Nỗ lực kết nối con người - thiên nhiên
Theo bước chân những con người hàng ngày tìm bình yên cho các cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép ở Việt Nam, hay quan sát và ghi lại hoạt động, sự tận tâm của những người chăm sóc gấu... các nhà làm phim tài liệu đã mang tới cho công chúng những thước phim chân thực về bảo vệ thiên nhiên hoang dã tại Việt Nam.
Trải nghiệm khó quên với những thước phim về thiên nhiên
Tối 21.9, hai bộ phim tài liệu về đề tài bảo vệ thiên nhiên hoang dã có tên "Bình Yên, về nào!" và "Hành trình tới Xuân Liên" được công chiếu rộng rãi tới khán giả.
“Bình Yên, về nào!” tái hiện cuộc sống của những cá thể gấu và người chăm sóc tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình (thuộc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt - Four Paws Việt). Cùng với hành trình phục hồi của những cá thể gấu từng bị nuôi nhốt lấy mật tại cơ sở bảo tồn là tâm tư ít khi được chia sẻ của những người chăm sóc chúng.
Trong khi đó, “Hành trình tới Xuân Liên” kể về những nỗ lực hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, kết nối con người với thiên nhiên ở Xuân Liên, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bộ phim cho thấy giá trị đa dạng sinh học cao có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với cuộc sống và bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái phía Tây Thanh Hóa.
Hai bộ phim là sản phẩm của dự án "Sản xuất phim tài liệu Sinh thái" năm 2021-2022 do Viện Goethe tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD), Four Paws Việt thực hiện. Dự án nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức xã hội tại Việt Nam và các nhà làm phim tài liệu để kể những câu chuyện về phát triển bền vững. Trong năm 2021 - 2022, chủ đề của dự án tập trung vào bảo tồn đa dạng sinh học và phúc lợi động vật.
Với các nhà làm phim, quá trình sản xuất phim mang đến những trải nghiệm “lần đầu tiên”. Linh Chi, nhà sản xuất phim của FOURDOZEN kể: “Nhóm làm phim đã cố gắng hết sức để theo chân các nhà khoa học trong những chuyến công tác thực tế, cũng như tìm kiếm câu chuyện nơi người kiểm lâm hay thợ săn hoàn lương ở địa phương. Với rất nhiều máy móc quay phim cồng kềnh, chúng tôi theo chân các nhà khoa học vào sâu trong rừng Xuân Liên... Băng qua những con suối sâu, những đoạn trơn trượt hiểm trở đều là những trải nghiệm mới mẻ với chính chúng tôi. Ngay cả khi không ở trên rừng mà được ở trạm kiểm lâm, chúng tôi vẫn cảm nhận được điều kiện sinh hoạt thiếu thốn của những người canh rừng…”
Lần đầu tiên được gặp nhiều gấu, ở rừng lâu như vậy, đạo diễn Nguyễn Hoàng Việt của NOMADS cũng đã có những trải nghiệm khó quên: “Dành 1 tháng ở trạm cứu hộ, không có cơ hội tham gia vào quá trình cứu hộ và di chuyển đưa gấu về trạm, nên nhóm quyết định chọn thể hiện tình cảm của những nhân viên chăm sóc gấu tại đây, quan sát và ghi chép lại tình cảm đó qua những công việc hàng ngày... Vào một buổi chiều trời sắp đón bão, được báo tin xe sẽ chở hai chú gấu con vừa được giải cứu về tới trung tâm, chúng tôi ngay lập tức ra đón đợi. Hai chú gấu con được nhóm cứu hộ chở về sau một cuộc buôn bán bất thành. Emily - người chăm sóc trực tiếp gấu vừa nhấc những chú gấu ra khỏi lồng thì ngay lập tức chúng mút bàn tay của Emily như bú mẹ của mình. Khoảnh khắc ấy vô cùng ấn tượng, tôi vừa cảm thấy sự mất mát của một gia đình gấu vừa xảy ra ngay đây, lại vừa thấy một tình cảm của con người như điều bù đắp…”.
Gợi mở những góc nhìn mới
Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội Wilfried Eckstein cho biết, từ lâu Viện Goethe đã quan tâm và có các hoạt động hỗ trợ làm phim tài liệu. Trong thời gian này, Viện quyết định hợp tác và cam kết liên quan đến làm phim tài liệu với chủ đề thiết thực hơn với sự phát triển của thế giới là phát triển bền vững. “Chúng tôi tìm kiếm cách thức trao quyền cho các tổ chức phi chính phủ, tổ chức dân sự, các nhà làm phim độc lập có cơ hội thể hiện mối quan tâm của mình” - ông Wilfried Eckstein nói.
Dự án đã kết nối các nhà làm phim tài liệu với các tổ chức, các nhà chuyên môn trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã. Giám đốc CCD Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh: Việc hợp tác với FOURDOZEN lần này là một minh chứng cho sự quan tâm của các bạn trẻ đến thiên nhiên, môi trường và cũng là cách mà CCD cho công chúng thấy được một trái đất đã gặp rất nhiều thách thức cũng như các áp lực từ sự phát triển để mọi người cùng hiểu và cùng chung tay. Bên cạnh đó, sự hợp tác cũng giúp CCD truyền tải một cách trực quan, gần gũi hơn với công chúng công tác và sứ mệnh của Trung tâm, đó là mục tiêu hài hòa giữa các hoạt động bảo tồn và phát triển, các nỗ lực và hành động kết nối con người với thiên nhiên.
Chị Ngô Mai Hương, Giám đốc Four Paws Việt và Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình, nơi đang chăm sóc 49 cá thể gấu, cho biết Four Paws Việt đã làm nhiều phim ngắn, nhưng lần đầu tiên các dữ liệu, câu chuyện được nhìn ở góc nhìn khác. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi có cơ hội hợp tác với các nhà làm phim trẻ độc lập. Góc nhìn của NOMADS đã khiến chúng tôi ngạc nhiên vì chất thơ mà các bạn đã tìm thấy trong công việc thường được coi là khắc nghiệt - công việc cứu hộ động vật hoang dã. Hành trình của những cá thể gấu từ khi còn là nạn nhân của nạn nuôi nhốt gấu lấy mật cho tới khi được đưa về cơ sở bảo tồn để chăm sóc là chặng đường gập ghềnh và nhiều khó khăn. Four Paws hy vọng trong khuôn khổ còn hạn chế của thời lượng phim, những lát cắt thường nhật về những chú gấu và người chăm sóc gấu gợi mở cho khán giả những tư duy và cảm xúc mới, từ đó nhìn nhận động vật với sự tôn trọng, đồng cảm và thấu hiểu hơn”.
Sự hợp tác giữa các tổ chức và nhà làm phim trong năm vừa qua phần nào đã thu hẹp những khoảng cách của việc “thiếu các hình thức truyền thông đa dạng và chuyên nghiệp” hay đáp ứng nhu cầu “tăng cường hiệu quả các hoạt động truyền thông” về bảo tồn đa dạng sinh học và phúc lợi động vật. Đó cũng đồng thời là quá trình học hỏi và trao đổi kinh nghiệm giữa các bên liên quan.
Ban tổ chức chương trình từng nhận định tại Việt Nam, thể loại phim tài liệu không được đánh giá cao hơn và săn đón nhiều như ở nước ngoài. Dự án được thực hiện là một là cơ hội tốt giúp khắc phục tình trạng này đồng thời góp phần nâng tầm cho các nhà làm phim tài liệu Việt Nam thông qua việc quảng bá các bộ phim ra cộng đồng quốc tế.