Nỗ lực khắc phục sạt lở các tuyến đường
Những ngày qua, do mưa lớn kéo dài, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nhiều nơi bị sạt lở, chia cắt. Lực lượng chức năng bảo trì đường bộ đang nỗ lực khắc phục để bảo đảm giao thông thông suốt.
Sáng 1-12, ông Tạ Thanh Tình - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3 (Cục Đường bộ III, Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, đã chỉ đạo nhà thầu bảo trì đường bộ lắp đặt biển báo, rào chắn phân luồng từ xa và tập trung nhân lực, thiết bị máy móc để khắc phục sạt lở trên đoạn đèo Khánh Lê, Quốc lộ 27C (đường Nha Trang - Đà Lạt). Trước đó, do mưa to kéo dài, vào lúc 20 giờ 15 ngày 30-11, tại Km39+280 (xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh) xảy ra sạt lở taluy dương làm đất, đá, cây tràn xuống mặt đường gây ách tắc giao thông hoàn toàn. “Ngay trong đêm, đơn vị đã chỉ đạo nhà thầu bảo trì tập trung lực lượng khắc phục, đến sáng 1-12 đã thông 1 làn ở vị trí này. Ngoài ra, còn 5 vị trí sạt lở khác cũng đã được thông 1 làn; chỉ còn vị trí Km 61+200 vẫn đang khắc phục”, ông Tình cho biết. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, toàn tuyến đã có hơn 20 điểm sạt lở nặng trên đèo Khánh Lê, trong đó có gần 10 điểm sạt lở làm chia cắt tạm thời tuyến đường trong nhiều giờ.
Ngày 30-11, Cục Quản lý đường bộ III có công văn gửi các đơn vị, địa phương về việc cảnh báo nguy hiểm và tổ chức phân luồng giao thông khu vực đèo Khánh Lê (Quốc lộ 27C). Cục đề nghị các phương tiện tham gia giao thông trên Quốc lộ 27C từ Nha Trang đi Đà Lạt và ngược lại không lưu thông qua đèo Khánh Lê. Các phương tiện có thể lựa chọn lùi thời gian khởi hành hoặc lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1 đi Quốc lộ 27B, Quốc lộ 27 và các tuyến giao thông khác để đi Đà Lạt. Cục yêu cầu các đơn vị liên quan chỉ đạo nhà thầu bảo trì đường bộ triển khai việc rào chắn, cắm biển báo phân luồng từ xa và cử người trực gác 24/24 giờ tại các vị trí xung yếu trên tuyến để hướng dẫn bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; chủ động hốt dọn đất đá, cây cối, thoát nước ngập… để sớm thông đường.
Không chỉ Quốc lộ 27C mà tuyến Quốc lộ 1 đang trong quá trình sửa chữa hư hỏng mặt đường đã phát sinh thêm một số vị trí hư hỏng cần khắc phục. “Các nhà thầu bảo trì phải trực 24/24 giờ để bảo đảm giao thông các tuyến đường. Đối với các tuyến đường bị chia cắt, nhanh chóng hốt dọn để thông xe ít nhất 1 chiều, không để gián đoạn trong thời gian dài ảnh hưởng đến lưu thông của người dân và phương tiện. Đối với khu vực có mưa gây bất lợi, chưa thể khắc phục triệt để mặt đường thì dùng các vật liệu thông thường được quy định để vá lấp tạm thời nhằm bảo đảm giao thông, sau khi tạnh ráo sẽ tổ chức sửa chữa triệt để”, ông Tình nói.
Các tuyến tỉnh lộ cũng bị hư hỏng, sạt lở, ngập nước rất nhiều đoạn. Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 2.000m3 đất, đá và hàng ngàn cây cối đã gãy đổ xuống các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh. Các tuyến đường như: Tỉnh lộ 9, Tỉnh lộ 1B, Tỉnh lộ 8B, Tỉnh lộ 2, Tỉnh lộ 5, Nguyễn Tất Thành, Sông Cầu - Yang Bay, Phạm Văn Đồng… đều có những vị trí bị sạt lở làm vùi lấp một phần mặt đường, gây ngập cục bộ một vài vị trí khiến giao thông bị ảnh hưởng đáng kể. Ngoài ra, có một vài vị trí bị nước chảy xiết làm xói lở nền đường, gây hở hàm ếch. Đối với các vị trí bị ngập sâu, lực lượng bảo trì đường bộ phối hợp với các địa phương rào chắn 2 đầu không cho lưu thông để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, hiện nay, bị hư hỏng nặng nhất là khu vực huyện Khánh Sơn. Trên tuyến Tỉnh lộ 9 và đường Tô Hạp - Sơn Bình có 12 vị trí bị sạt lở với khối lượng đất đá khoảng 775m3. Ngay khi sạt lở, lực lượng bảo trì đường đều có mặt tại các vị trí để bảo đảm giao thông, không để ách tắc trong thời gian dài. Đối với một số khu vực có địa hình phức tạp như đường Nguyễn Tất Thành, do một vài vị trí bị đá rơi nên cần chờ thời tiết đảm bảo mới có thể khắc phục được. Những vị trí này đã khoanh lại, đóng một bên đường không cho người và phương tiện qua lại để bảo đảm an toàn.
THÀNH NAM