Nỗ lực khép kín Vành đai 2 TP HCM

Đường Vành đai 2 phía Đông TP HCM sẽ được khép kín sau khi nhận đồng thuận từ người dân

Dự án thành phần bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để phục vụ đầu tư xây dựng đường Vành đai 2 TP HCM, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp và đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) vừa có bước ngoặt quan trọng.

Lắng nghe tiếng nói của người dân

Theo đó, 6 phường nơi dự án đi qua gồm Phước Long A, Phước Long B, Tăng Nhơn Phú B, Bình Thọ, Trường Thọ, Linh Đông đã tổ chức hội nghị về phổ biến quyết định phê duyệt dự án; kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và lấy ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án.

Ở những hội nghị này, nhiều người dân bên cạnh mong muốn dự án nhanh chóng hoàn thành cũng đã bày tỏ băn khoăn các vấn đề liên quan tới quyền lợi.

Ông Mai Hữu Quyết thông tin trong hội nghị tại phường Phước Long B

Ông Mai Hữu Quyết thông tin trong hội nghị tại phường Phước Long B

Trong đó, ông Lê Hoàng Anh Tú thắc mắc về giá bồi thường và chi tiết các khu tái định cư như vị trí, giá cả khi muốn tái định cư. Ông Nguyễn Viết Nghĩa đặt câu hỏi có được hỗ trợ pháp lý để xây nhà từ đất ông bà để lại ở gần dự án hay không vì điều này rất quan trọng bởi giữ được sự ổn định nơi ở, công việc, học hành của con cái.

Ông Đặng Phước Long hy vọng TP Thủ Đức chuẩn bị quỹ nền tái định cư đáp ứng được nhu cầu.

"Trừ trường hợp đăng ký nhận căn hộ tái định cư thì đa phần tinh thần người dân có đất bị thu hồi là nhận nền đất để xây nhà. Tâm lý người dân thích ở nhà đất hơn là chung cư. Tôi cũng mong bà con chung tay cùng chính quyền các cấp sớm giao mặt bằng với giá bồi thường hợp lý" - ông Long nói.

Nhận tiền sớm, tái định cư sớm

Ông Trần Văn Lắm, Phó trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức, thông tin 2 đoạn đường Vành đai 2 có tổng chiều dài hơn 6 km, thu hồi đất khoảng 61 ha, hơn 1.100 hộ dân bị ảnh hưởng này có tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng.

Chỉ còn 14 km

Theo quy hoạch, đường Vành đai 2 TP HCM tổng chiều dài 64 km. 50 km đã được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác; 14 km thuộc 4 đoạn khác nhau chưa được khép kín.

Cụ thể, ngoài 2 đoạn trên thì còn đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa dài hơn 2,7 km và đoạn từ Quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3 km. Trong đó, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa dài 2,7 km đang được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), tổng vốn hơn 2.700 tỉ đồng.

Thời gian qua, công tác đo đạc, kiểm đếm nhà, đất và tài sản gắn liền với đất đã tương đối hoàn chỉnh nên dự kiến tới ngày 31-8 sẽ xong. Trước ngày 30-9, công tác xác nhận và thẩm tra nguồn gốc pháp lý nhà đất hoàn thành.

"Sau khi có quyết định phê duyệt của thành phố thì chúng tôi thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn có chức năng thẩm định giá để xác định giá đất phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư" - đại diện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức nói.

Theo kế hoạch, cuối tháng 9 đơn vị tư vấn sẽ trình UBND TP Thủ Đức hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường và đơn giá đất để tính giá bán căn hộ chung cư.

Đường Vành đai 2 đoạn Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa

Đường Vành đai 2 đoạn Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa

Phó Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức nói thêm công tác niêm yết công khai, tổ chức họp công bố quyết định phê duyệt chính sách bồi thường, quyết định phê duyệt phương án chuyển đổi nghề; quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư và chi trả tiền là đến ngày 31-12.

Trong giai đoạn này người dân có thể nhận được tiền bồi thường sớm để chủ động trong việc tái định cư. TP Thủ Đức sẽ chốt công tác bồi thường, chi trả tiền khoảng thời gian tháng 6 đến tháng 9-2025 để người dân nhận tiền và bàn giao mặt bằng thi công dự án.

Ông Mai Hữu Quyết, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, khẳng định giá bồi thường sẽ tiệm cận với giá thị trường thông qua khảo sát giá thực tế cũng như áp dụng tối đa chính sách có lợi nhất cho người dân. Bên cạnh đó, thống kê ban đầu thì cần 500 nền đất và 200 căn hộ tái định cư và TP Thủ Đức đã chuẩn bị công tác này. Tinh thần là TP Thủ Đức tìm khu đất công bố trí tái định cư cho người dân. Trường hợp nhiều người muốn vào một khu tái định cư, theo ông Mai Hữu Quyết, thì công bằng nhất là bốc thăm, trong đó ưu tiên người bàn giao mặt bằng sớm và đủ điều kiện tái định cư.

"Nếu bàn giao mặt bằng sớm thì khoảng quý II/2025 khởi công dự án và hoàn thành năm 2026. TP Thủ Đức sẽ có tuyến đường đô thị đẹp, tạo điều kiện phát triển" - ông Quyết nói.

Lợi ích cộng đồng cũng là lợi ích gia đình

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP HCM, nhận xét TP HCM từng tiến hành công tác giải phóng mặt bằng rất nhiều dự án, ở mỗi lần đều gặp những vấn đề khá giống nhau là minh bạch thông tin, giá bồi thường và chính sách tái định cư. Vì mỗi lần phải có cách giải quyết khác nhau nên dường như chưa thể đúc kết thành công thức chung.

Với trường hợp đường Vành đai 2, công tác tuyên truyền, vận động gắn với Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1-8 cần được chú trọng. Từ đó, tạo sự đồng thuận khi người dân nhận thức được lợi ích của cộng đồng trong đó có lợi ích gia đình mình đến từ việc dự án hoàn thành.

Về chính sách tái định cư, những khu tái định cư có kết nối giao thông cho nhiều loại phương tiện cá nhân và công cộng mới đáp ứng được nhu cầu mưu sinh của người dân... "Tóm lại, chính quyền địa phương bên cạnh sự kiên quyết cần linh hoạt, tích cực để không ảnh hưởng đến thời gian tiến hành và hoàn thành dự án quan trọng" - TS Nguyễn Hữu Nguyên nói.

Bài và ảnh: QUỐC BẢO

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/no-luc-khep-kin-vanh-dai-2-tp-hcm-196240729205002293.htm