Nỗ lực khôi phục làng nghề truyền thống phục vụ Tết

Vượt qua thiệt hại lớn do cơn bão số 3 gây ra, thời điểm này, người dân hai làng nghề trồng đào truyền thống Nhật Tân và quất cảnh Tứ Liên (quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) đang hối hả chăm sóc, chuẩn bị cây, hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Động viên, hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn

Cơn bão số 3 đi qua đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với hai làng nghề trồng đào Nhật Tân và quất cảnh Tứ Liên trên địa bàn quận Tây Hồ. Ngay sau cơn bão, quận đã khẩn trương đánh giá mức độ thiệt hại, động viên bà con cùng với các đơn vị chức năng xử lý toàn bộ môi trường ngoài bãi.

Trưởng phòng Kinh tế quận Trần Gia Hùng cho biết, đối với những cây có thể khắc phục, quận đã hướng dẫn người dân chăm sóc lại và phục hồi số lượng tốt nhất có thể để kịp thời phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Cùng với đó, định hướng cho người dân lên vùng cao mua các gốc đào có sức sống tốt để về cấy ghép với các mầm của Nhật Tân. Còn với quất, quận hướng dẫn người dân sang các tỉnh như Hưng Yên mua giống mới nhằm phục hồi, trồng lại trong những năm tới. Đồng thời, tham mưu cho lãnh đạo quận chỉ đạo các phường, hợp tác xã hỗ trợ trực tiếp cho người dân phục hồi lại sản xuất.

 Người dân Tứ Liên chăm sóc những chậu quất để kịp phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Người dân Tứ Liên chăm sóc những chậu quất để kịp phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Những ngày này, người dân làng quất Tứ Liên đang bận rộn cắt tỉa cành và tiếp khách gần, xa đến mua quất chơi Tết. Ngắm nhìn thành quả, công sức của mình, ông Phạm Duy Thắng rất vui mừng vì những cây quất cao lớn, thế đẹp, sum suê trái bắt đầu có khách đặt mua. Với 15 sào quất, ông Thắng thuê từ 2 - 10 nhân công chăm sóc, gò để tạo thế cho quất kịp vào vụ Tết. Các cây đẹp nhất đã được gia đình chuyển lên vườn trước để thu hút khách đến thăm. “Ảnh hưởng của cơn bão nên dự tính năm nay quất sẽ tăng nhẹ hơn so với mọi năm. Hy vọng thời tiết thuận lợi để đưa ra thị trường nhiều chậu cảnh, quất bonsai đẹp”, ông Thắng cho biết.

Nhớ lại thời điểm nước lũ lên cao kỷ lục, anh Trần Duy Thuần (vườn đào Tuấn Việt) chia sẻ, để cứu những cây bị ảnh hưởng, anh đã phải dồn về một vườn mới, tôn cao đất và áp dụng các kỹ thuật chăm sóc kỹ lưỡng hơn. Hiện vườn còn 700 cây đã hồi phục rất tốt. “Vườn đào năm nay tuy bị ảnh hưởng nhiều nhưng vẫn đủ phục vụ cho bà con ngày Tết”, anh Việt chia sẻ.

Chủ tịch Hiệp hội làng nghề trồng đào Nhật Tân, ông Trần Tuấn Việt cho biết: năm nay, nhiều gia đình mất trắng do mưa bão, có nhà phải mang sổ đỏ vay tiền ngân hàng trả nợ, cố gắng động viên, giúp đỡ nhau gây dựng lại. Lượng đào bán ra thị trường năm nay ít hơn mọi năm, các nhà vườn phối hợp với nhau tuyển chọn những cây đào đạt chất lượng tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của khách đặt mua.

Tạo điều kiện tốt nhất về các điểm tiêu thụ sản phẩm

Bên cạnh những nhà vườn bám trụ với cây đào, cây quất, một số nhà vườn chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày như hoa cúc, su hào để có thu nhập dịp cuối năm. Theo đó, với những diện tích đào, quất bị thiệt hại, quận Tây Hồ đã khuyến khích người dân dọn dẹp, cải tạo đất canh tác và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, liên hệ với Viện Nghiên cứu rau quả của Trung ương hỗ trợ người dân có địa chỉ mua giống. Quận chuyển 30 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách giúp người dân vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Mặt khác, để giúp người dân có thể khôi phục lại các làng nghề trong thời gian sớm nhất, thành phố Hà Nội đã thống nhất xem xét, hỗ trợ thêm những chính sách đặc thù đối với cây đào, quất theo đề xuất của quận. Dự kiến, quận Tây Hồ sẽ được hỗ trợ 7,2 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách thành phố để chi trả, hỗ trợ cho các hộ có thiệt hại nặng. Trưởng phòng Kinh tế quận Trần Gia Hùng chia sẻ, quận đang chỉ đạo các phường, các hợp tác xã, hội làng nghề, tổ dân phố hoàn chỉnh hồ sơ, công khai mức hỗ trợ cho bà con trong dịp Tết. Mặc dù năm nay giá đào, quất sẽ tăng nhẹ hơn so với mọi năm nhưng quận đang định hướng tạo điều kiện tốt nhất về các điểm để tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm lượng đào quất sẽ đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân Thủ đô.

Năm 2024, quận Tây Hồ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tổ chức lễ hội hoa đào, hoa quất đầu tiên tại thành phố trên địa bàn, thu hút nhiều nhà vườn, chủ thể tham gia. Năm nay, quận vẫn tiếp tục tổ chức Hội thi Tinh hoa nghệ thuật Quất Cảnh, Đào Cảnh trên địa bàn, dự kiến sẽ tổ chức từ ngày 16 - 20.1 tại Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ. Song song với đó, sẽ tổ chức Hội hoa xuân và các sản phẩm OCOP vùng miền, vinh danh trao giải thưởng cho các hộ có hoa đào, quất đẹp trên địa bàn với mong muốn trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đẹp, có tính nghệ thuật cao đến với người dân, du khách. Qua đó, bảo tồn phát triển giá trị lịch sử văn hóa nông nghiệp, làng nghề “Đào Nhật Tân”, “Quất cảnh Tứ Liên”, khẳng định vị thế của làng nghề truyền thống lâu đời, nổi tiếng, gắn liền với Tết cổ truyền của người dân Thủ đô.

Thời gian tới, quận sẽ tiếp tục liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ giống, vốn cho người dân phát triển nông nghiệp sạch, đem lại kinh tế cao trên địa bàn. Bên cạnh đó, đăng ký với Trung tâm Khuyến nông thành phố, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tiếp tục phát triển khai thác, khôi phục trồng sen Bách Diệp. Đồng thời, tham mưu UBND quận xây dựng đề án duy trì phát triển các làng nghề bền vững, tạo thu nhập cho bà con và giữ được các làng nghề truyền thống trên địa bàn.

Trần Tâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/no-luc-khoi-phuc-lang-nghe-truyen-thong-phuc-vu-tet-post401129.html