Nỗ lực lo sách cho trò

Đảm bảo đủ SGK cho HS, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn được xem như nhiệm vụ quan trọng trước thềm năm học mới của các nhà trường, địa phương.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Hố Mít (Tân Uyên, Lai Châu) được hỗ trợ sách giáo khoa. Ảnh: Hà Thuận

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Hố Mít (Tân Uyên, Lai Châu) được hỗ trợ sách giáo khoa. Ảnh: Hà Thuận

Ông Lò Việt Tuyển - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu: Đẩy mạnh xã hội hóa

“Năm học 2023 - 2024, nhà trường xin từ các nhà hảo tâm 65 bộ sách, xã hội hóa gần 5.000 quyển vở cho học sinh. Cùng đó, nhà trường đã tính toán những đầu sách, thiết bị học tập cần thiết, bắt buộc để tư vấn cho phụ huynh mua ở mức thấp nhất; ứng trước kinh phí đặt mua SGK theo đăng ký của phụ huynh rồi tiến hành thu tiền trong suốt năm học.

Với trường hợp gia đình học sinh quá khó khăn, không có khả năng chi trả, trường dùng kinh phí tiết kiệm từ hoạt động giáo dục trong năm để hỗ trợ”. - Thầy Điêu Chính Quỳnh - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tà Hộc, huyện Mai Sơn (Sơn La)

Dự kiến năm học 2024 - 2025, tỉnh Lai Châu có gần 150.700 học sinh, học viên các cấp học. Trong đó, 100.000 học sinh được hỗ trợ SGK, hưởng chế độ hỗ trợ chi phí học tập, học bổng theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐ của Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT; Nghị định 57/2017 của Chính phủ. Số học sinh còn lại phải tự mua SGK để phục vụ việc học tập.

Để đảm bảo tất cả học sinh có SGK trước thềm năm học mới, ngay sau khi UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn SGK tại địa phương, chúng tôi đã chỉ đạo cơ sở giáo dục thông báo đến phụ huynh, học sinh và cán bộ giáo viên danh mục SGK sử dụng cho năm học mới. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị phối hợp với nhà xuất bản, dựa trên số lượng học sinh để đăng ký nhu cầu SGK. Từ đó, hướng dẫn giáo viên, phụ huynh chủ động mua sách, đảm bảo không để học sinh thiếu SGK.

Ông Lò Việt Tuyển.

Ông Lò Việt Tuyển.

Việc huy động xã hội hóa nói chung và quyên góp ủng hộ SGK cho học sinh, đặc biệt các em hoàn cảnh khó khăn nói riêng luôn được ngành GD-ĐT Lai Châu quan tâm, đẩy mạnh. Năm học 2023 - 2024, toàn ngành huy động được trên 35.000 quyển SGK, sách bài tập cho các cơ sở giáo dục chuyển đến từng học sinh.

Để tiếp tục vận động, ủng hộ SGK cho năm học mới, Sở GD&ĐT Lai Châu đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chủ động xây dựng phong trào quyên góp, ủng hộ tủ sách dùng chung trong nhà trường. Sau khi kết thúc năm học, các trường đã tổ chức tuyên truyền, quyên góp, ủng hộ SGK của học sinh đã lên lớp đưa vào thư viện cho học sinh hoàn cảnh khó khăn dùng năm học mới. Cùng đó, huy động nguồn lực từ cá nhân, tổ chức tăng cường đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là SGK, sách bài tập cho học sinh tại các trường, điểm trường vùng sâu, xa.

PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La: Cung ứng đầy đủ

PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng.

PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng.

Theo lộ trình cung ứng SGK năm học mới, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đang rà soát, thống kê nhu cầu gửi Sở GD&ĐT. Do vậy, chưa có số liệu cụ thể về số lượng học sinh thiếu SGK. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trước khi bước vào năm học mới, toàn tỉnh vẫn còn số ít học sinh chưa mua, thiếu SGK hoặc thiếu một số quyển.

Riêng năm học 2023 - 2024, các đơn vị đã tổ chức tặng 3.115 bộ sách cho học sinh hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát số lượng học sinh có nguy cơ thiếu SGK trong năm học tới để lên phương án đảm bảo cung ứng đủ cho các em.

Ngành GD-ĐT Sơn La còn chỉ đạo hướng dẫn các nhà trường vận động phụ huynh tặng lại SGK cũ khi kết thúc năm học cho thư viện sử dụng lại, đặc biệt dành tặng học sinh hoàn cảnh khó khăn. Mặt khác, Sở GD&ĐT đề nghị các nhà xuất bản quan tâm ưu tiên tài trợ, hỗ trợ SGK cho học sinh nghèo, diện chính sách xã hội và xây dựng tủ SGK dùng chung tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Về công tác phát hành SGK năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đề nghị các nhà xuất bản, đơn vị sở hữu bản quyền SGK chỉ đạo, đảm bảo cung ứng SGK theo Chương trình GDPT 2018 trước 15/8. Cung ứng đủ bộ SGK chương trình mới đến các đơn vị được ủy quyền, giao nhiệm vụ cung ứng SGK trên địa bàn tỉnh Sơn La trước ngày 30/7.

Việc lựa chọn đơn vị phát hành SGK căn cứ theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Hằng năm, sở đề nghị các nhà xuất bản lựa chọn, ủy quyền cho đơn vị có chức năng và đủ năng lực cung ứng SGK trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các đơn vị thông báo kế hoạch cung ứng, phát hành SGK theo thời gian ấn định.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Đá Đỏ (Phù Yên, Sơn La) vui mừng khi được tặng sách. Ảnh: Hà Hoàng

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Đá Đỏ (Phù Yên, Sơn La) vui mừng khi được tặng sách. Ảnh: Hà Hoàng

Sở GD&ĐT đã triển khai, hướng dẫn thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong cung ứng SGK, đặc biệt là học sinh khó khăn, đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Năm học vừa qua cơ bản không có tình trạng thiếu SGK.

Năm học tới, Sở GD&ĐT Sơn La phối hợp với các đơn vị cung ứng, nhà tài trợ để phân bổ số lượng SGK được tặng theo nhu cầu, số lượng học sinh qua các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục trực thuộc để đưa SGK đến đúng đối tượng học sinh. Đồng thời, chỉ đạo nhà trường phân bổ SGK cũ đã tặng lại thư viện để học sinh mượn trước năm học mới.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên (Lai Châu): Không để học sinh thiếu sách

Ông Nguyễn Tuấn Anh.

Ông Nguyễn Tuấn Anh.

Những năm học qua, việc huy động xã hội hóa SGK cho học sinh ở Tân Uyên luôn được sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân. Theo số liệu năm học 2024 - 2025, toàn huyện Tân Uyên có 6.600 học sinh tiểu học và 6.033 học sinh THCS. Trong đó, số SGK hiện có, học sinh tự mua và có khả năng xã hội hóa ở cấp tiểu học là 5.882 bộ, thiếu 718 bộ; cấp THCS là 5.474 bộ, thiếu 559 bộ.

Hiện, toàn ngành xã hội hóa được 3.763 bộ SGK Chương trình GDPT 2018. Trong đó, cấp tiểu học có 2.170 bộ (từ lớp 1 - 4), THCS có 1.593 bộ của các khối 6, 7, 8.

Dự kiến thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện xã hội hóa thêm 689 bộ, trong đó có việc tận dụng các bộ SGK đã xã hội hóa từ những năm học trước. Chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phụ huynh mua SGK cho con em. Đồng thời, tăng cường xã hội hóa SGK từ các tổ chức, cá nhân. Đối với trường vùng khó, phụ huynh không thể trực tiếp tự mua sách, nhà trường sẽ hỗ trợ mua giúp. SGK từ nguồn xã hội hóa dành ưu tiên hỗ trợ các em hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, hướng đến mục tiêu không để học sinh nào thiếu SGK trong năm học mới.

Cô Đào Thị Thu Thủy - giáo viên Trường Tiểu học Phúc Khoa, huyện Tân Uyên (Lai Châu): Tiếp tục “vá sách” cho trò nghèo

Cô Đào Thị Thu Thủy.

Cô Đào Thị Thu Thủy.

Từ năm 2017, học sinh vùng cao không còn được cấp sách vở, trừ những xã đặc biệt khó khăn. Để người dân mua đủ sách cho con là vấn đề nan giải bởi phần lớn hoàn cảnh rất khó khăn. Trước thực trạng này, từ tháng 8/2017, tôi bắt đầu xin sách cho học sinh toàn huyện qua Facebook cá nhân. Bài viết có hơn 2 nghìn lượt chia sẻ và chỉ sau 25 ngày huy động, hàng vạn cuốn sách được học sinh, hội, nhóm thiện nguyện vùng xuôi gửi lên. Qua đó, thay thế 70% lượng sách cũ của học sinh toàn huyện.

Từ đó trở đi, năm nào tôi cũng huy động lượng lớn SGK. Việc xã hội hóa SGK phần nào giúp học sinh khó khăn yên tâm đến lớp, nhà trường đủ sách để đảm bảo việc dạy và học.

Trong năm học 2023 - 2024, tôi kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ được 150 bộ SGK mới cho các trường ở xã Nậm Sỏ, Phúc Khoa và Trường THCS Hoàng Liên (thị trấn Tân Uyên). Cùng đó, huy động hơn 1.000 bộ sách cũ cho hầu hết các trường trên địa bàn huyện.

Chuẩn bị cho năm học mới, tôi sẽ kêu gọi, kết nối, hỗ trợ từ các nhà hảo tâm để trò nghèo vùng cao Tân Uyên có sách.

Thầy Hoàng Hồng Trường - Hiệu trưởng Trường THCS Mường Khoa (Tân Uyên, Lai Châu): Chủ động rà soát

Thầy Hoàng Hồng Trường.

Thầy Hoàng Hồng Trường.

Để học sinh có đủ SGK cho năm học mới, nhà trường tiến hành rà soát trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, khả năng thiếu sách từ cuối năm học trước. Nhờ đó, trường chủ động được phương án hỗ trợ, đảm bảo tất cả học sinh có đủ SGK. Nhà trường cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến phụ huynh và giáo viên trước năm học mới thông qua gặp gỡ trực tiếp tại buổi họp phụ huynh tổng kết năm học.

Qua rà soát, dự kiến năm học tới, trường có khoảng 150 học sinh thiếu SGK. Chúng tôi đã lên phương án vận động tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường; vận động phụ huynh mua lại sách giáo khoa cũ và tham mưu với lãnh đạo địa phương tìm nguồn lực hỗ trợ. Qua đó, đảm bảo cung ứng SGK đến 100% học sinh khó khăn trước thềm năm học mới. Cùng đó, tranh thủ các nguồn tài trợ mua SGK đưa vào thư viện để học sinh mượn hằng năm. Hướng dẫn các em cách gìn giữ sách cẩn thận để có thể tiếp tục sử dụng những năm tiếp theo.

“Hằng năm, phòng GD&ĐT chủ động rà soát số lượng học sinh khó khăn để có phương án hỗ trợ. Năm học tới, toàn ngành dự kiến có khoảng 600 em cần tặng SGK.

Với mục tiêu đảm bảo cho học sinh hoàn cảnh khó khăn đủ SGK theo Chương trình GDPT 2018 bước vào năm học mới, phòng đã phối hợp các nhà hảo tâm, doanh nghiệp triển khai chương trình “Cùng tiếp bước em tới trường” và “Tủ sách giáo khoa dùng chung”. Qua đó, trao tặng sách cho học sinh và thư viện từng trường, tạo điều kiện thuận lợi để các em yên tâm học tập, rèn luyện”. - Bà Lò Thị Hạnh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sốp Cộp (Sơn La)

Hà Thuận – Hà Hoàng (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/no-luc-lo-sach-cho-tro-post687752.html