Nỗ lực minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Tại hội thảo 'Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp bền vững' diễn ra ngày 16/8, nhiều ý kiến cho rằng, để đạt mục tiêu phát triển trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với quy mô thị trường đến năm 2025 đạt 20% GDP và đến năm 2030 đạt 30% GDP, còn nhiều việc phải làm.
Tại hội thảo, ông Hoàng Văn Thu - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đánh giá, sau thời kỳ trầm lắng do một số sai phạm trên thị trường TPDN riêng lẻ, với nỗ lực chỉ tạo từ Chính phủ, bộ ngành, cơ quan quản lý Nhà nước, thị trường trái phiếu đã đi vào hoạt động ổn định.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nói trên không phải điều dễ dàng. Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường Chứng khoán (UBCKNN) Tô Trần Hòa nêu quan điểm, một số DN phát hành có tình hình tài chính không ổn định, thiếu minh bạch về thông tin, dẫn đến nguy cơ không trả được nợ khi đến hạn, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư; tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân vẫn còn ở mức cao, nhà đầu tư tổ chức còn chưa đa dạng.
Cùng với đó, việc một số TPDN thanh khoản thấp gây khó khăn cho nhà đầu tư khi cần bán trái phiếu trước hạn để thu hồi vốn, làm giảm tính hấp dẫn của TPDN, đặc biệt đối với các nhà đầu tư tổ chức.
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực nhận định, thị trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là sự phục hồi của hoạt động phát hành trái phiếu chưa đồng bộ với cơ cấu nhà phát hành chủ yếu vẫn là tổ chức tín dụng (TCTD - chiếm tới 67,2% tổng lượng phát hành) và DN bất động sản (chiếm 21,5%), các lĩnh vực khác chỉ chiếm tỷ trọng rất hạn chế trong 7 tháng đầu năm 2024.
Số lượng DN chậm hoặc hoãn thanh toán trái phiếu đáo hạn là khá lớn. Theo tính toán của FiinGroup, tổng giá trị TPDN chậm thanh toán đến tháng 7/2024 ước khoảng 209,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 21% dư nợ toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 68% giá trị chậm trả.
Theo TS Cấn Văn Lực, thị trường trái phiếu phục hồi khi so sánh với mức nền thấp của 2 năm trước. Bên cạn đó, số lượng trái phiếu mới chủ yếu vẫn do ngân hàng phát hành, chiếm khoảng 56% năm 2023 và 67% trong 7 tháng đầu năm 2024.
Đưa ra giải pháp phát triển thị trường TPDN, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần sớm cải cách thủ tục, rút gọn thời gian cấp phép để tạo điều kiện, khuyến khích phát hành trái phiếu ra công chúng (xem xét giảm thời gian xử lý hồ sơ xét duyệt, cho phép DN không có lãi năm liền trước được phát hành nếu đạt mức xếp hạng tín nhiệm...); cần bổ sung các chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, đồng thời triển khai các giải pháp mở rộng và nâng cao chất lượng nhà đầu tư; hoàn thiện cơ chế và năng lực quản lý và giám sát thị trường.
Còn theo ông Nguyễn Thế Ngân - Vụ trưởng Vụ Tài chính - Tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để phát triển thị trường TPDN, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, khung pháp lý đối với thị trường này, rà soát tổng thể các Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng...
Hoàn thiện nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn theo mục đích phát hành đã được công bố của DN, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ phát hành.
Về phía các nhà đầu tư, cần tìm hiểu và nắm rõ về hoạt động sản xuất kinh doanh của DN phát hành, tài sản đảm bảo của TPDN hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư...