Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số

Đối với các em học sinh dân tộc thiểu số (DTTS), trường nội trú chính là ngôi nhà thứ hai - nơi chắp cánh ước mơ để các em vững bước vào tương lai.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có có 688 cơ sở giáo dục, trong đó có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú (1 trường cấp THPT và 5 trường cấp THCS tại các huyện Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa); 11 trường phổ thông dân tộc bán trú (3 trường cấp tiểu học và 8 trường cấp THCS phân bố tại các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai).

Trong những năm vừa qua, ngành GDĐT tỉnh Thái Nguyên luôn thực hiện tốt công tác giáo dục dân tộc. Ngành GDĐT đã tham mưu đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 một trong 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tiếp tục duy trì tỷ lệ ít nhất 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, hoàn thiện cơ sở vật chất các trường nội trú theo hướng hiện đại.

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT cũng đã tham mưu với HĐND, UBND tỉnh ban hành 5 chính sách đặc thù của địa phương để hỗ trợ phát triển giáo dục dân tộc như hỗ trợ tiền ăn cho học sinh, hỗ trợ học phí, triển khai dự án đầu tư xây dựng mở rộng, nâng quy mô trường lớp học.

Hiện tại, 100% các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú được xây dựng kiên cố. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo và học sinh dân tộc thiểu số đến lớp đều đạt trên 98%; tỷ lệ học sinh tiểu học đến lớp đạt 100%; tỷ lệ học sinh trung học cơ sở đến lớp đạt 99,5% và tỷ lệ học sinh trung học phổ thông đến lớp đạt 98,3%.

 Đảng ủy khối các cơ quan các tỉnh khu vực Đông Bắc Bộ trao tặng máy vi tính cho Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đại Từ.

Đảng ủy khối các cơ quan các tỉnh khu vực Đông Bắc Bộ trao tặng máy vi tính cho Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đại Từ.

Ghi nhận tại trường PTDTNT THCS Đại Từ, năm học 2024 – 2025 trường có tổng số 352 học sinh với 12 lớp, trong đó chủ yếu là học sinh người dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí. Những năm qua, nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS và duy trì ổn định qua các năm học.

Cô Chu Thị Lan – Hiệu trưởng trường PTDTNT THCS Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Với đối tượng học sinh và mô hình giáo dục đặc thù, nhà trường đã chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch dạy và học phù hợp, hiệu quả. Các chế độ chính sách cho học sinh người DTTS được triển khai toàn diện, đẩy đủ, kịp thời. Nhờ đó, nhiều năm liền, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và thi đỗ vào các trường THPT, trường nghề đều đạt tỷ lệ 100%, nhiều học sinh đoạt giải tại các cuộc thi chọn HSG, cuộc thi Khoa học kỹ thuật, các cuộc thi văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cấp huyện, cấp tỉnh.

Em Phạm Ngọc Hiếu, người dân tộc Nùng, hiện đang là học sinh lớp 9A, trường PTDTNT THCS Đại Từ cho biết: Gia đình em ở xã La Bằng, cách trường hơn 10km, em là con út trong gia đình có 3 anh chị em, hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả.

Cách đây 4 năm, em được dự tuyển vào trường PTDTNT THCS Đại Từ, từ một cậu học trò người dân tộc thiểu số nhút nhát, nhiều bỡ ngỡ nhưng em đã nhận được sự quan tâm, chăm sóc và giáo dục của các thầy cô, được sống trong tình yêu thương của bạn bè. Nhờ đó, em đã đạt được một số kết quả tốt trong quá trình học tập như: Giải Ba môn Tin học lớp 9, giải Bạc Vioenedu Toán lớp 8, giải khuyến khích Khoa học kỹ thuật Cấp tỉnh, giải khuyến khích IOE cấp tỉnh.

"Em thấy mình vô cùng may mắn khi được học tại trường, được gặp thầy cô, bạn bè mọi lúc, mọi nơi; qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình học tập. Em biết ơn nhà trường, thầy cô đã quan tâm, dạy dỗ, tạo điều kiện tốt nhất cho chúng em" - Hiếu bộc bạch.

Làm tốt công tác giáo dục và chăm lo cho học sinh người DTTS

Còn tại trường PTDTNT-THCS Định Hóa, với nhiệm vụ là giảng dạy, chăm sóc và nuôi dưỡng học sinh con em đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, thời gian qua, nhà trường đã có nhiều cố gắng trong nâng cao chất lượng dạy và học, qua đó góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Thầy Lưu Văn Nguyên – Phó Hiệu trưởng trường PTDTNT THCS Định Hóa cho biết: Năm học 2024 - 2025, nhà trường có tổng 351 học sinh, với 12 lớp, các em không chỉ là những học sinh người DTTS mà hầu hết còn là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

 Học sinh trường trường PTDTNT THCS Định Hóa luôn chăm ngoan nỗ lực học tập tốt.

Học sinh trường trường PTDTNT THCS Định Hóa luôn chăm ngoan nỗ lực học tập tốt.

Với phương châm lấy giáo dục đào tạo làm nền tảng cho sự phát triển bền vững, nhà trường luôn phấn đấu xây dựng một môi trường học tập hạnh phúc. Nơi mà ở đó học sinh không chỉ được trang bị những kiến thức mà còn được rèn luyện sáng tạo, trau dồi các kỹ năng để rồi các em sẽ thỏa sức ước mơ và nỗ lực biến những ước mơ đó thành hiện thực.

Cũng theo thầy Lưu Văn Nguyên, mặc dù giáo dục học sinh dân tộc thiểu số có nhiều đặc thù và gặp nhiều khó khăn, song tập thể trường PTDTNT THCS Định Hóa luôn quyết tâm làm tốt công tác giáo dục và chăm lo đời sống cho học sinh người DTTS.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/no-luc-nang-cao-chat-luong-giao-duc-doi-voi-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-post718295.html