Sau tết Nguyên đán, giáo viên vùng cao băng đồi, vượt núi 'gọi' học sinh đến trường

Việc học sinh nghỉ học sau Tết dường như đã trở thành chuyện 'bình thường' ở các huyện vùng cao Nghệ An. Mỗi khi Tết qua đi, các giáo viên ở đây lại tiếp tục hành trình băng đồi, vượt núi để 'gọi' học sinh đến lớp.

Giáo viên vào tận bản để vận động học sinh đi học trở lại sau Tết.

Giáo viên vào tận bản để vận động học sinh đi học trở lại sau Tết.

Đến hẹn lại lên, cứ sau khi ăn Tết xong, các giáo viên ở huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) lại chuẩn bị tư thế lên đường "gọi" học sinh trở lại lớp học.

Đã vài ngày trôi qua, nhưng tại Trường PT DTBT THCS Nhôn Mai (huyện Tương Dương), vẫn còn nhiều học sinh chưa có mặt ở trường. Thay vì ngồi chờ đợi, lo lắng, các thầy cô giáo chủ động đến tận nhà học sinh ở bản Xa Mật (một bản chủ yếu là người Khơ Mú), để tìm hiểu nguyên nhân, vận động phụ huynh cho các em đến lớp.

Giáo viên Trường PT DTBT THCS Nhôn Mai vào bản để vận động học sinh đi học trở lại sau Tết.

Giáo viên Trường PT DTBT THCS Nhôn Mai vào bản để vận động học sinh đi học trở lại sau Tết.

Đường xa, gió lạnh nhưng chính những khó khăn ấy lại càng thúc đẩy thầy cô giáo kiên trì vận động học sinh đến lớp. "Sau Tết, việc vận động các em quay lại lớp gặp nhiều khó khăn vì các em phải phụ giúp gia đình làm nương rẫy, lại thêm đường sá xa xôi. Tuy vậy, cán bộ, giáo viên nhà trường cố gắng để đưa các em đến lớp. Nếu phụ huynh nào chưa hiểu, chúng tôi sẽ đến tận nhà, kiên trì vận động nhiều lần," cô Phạm Thị Thu Hương, giáo viên Trường PT DTBT THCS Nhôn Mai, tâm sự.

Theo thầy Nguyễn Ngọc Tân, Hiệu trưởng Trường PT DTBT THCS Nhôn Mai, hiện trường có 268 học sinh, là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, việc đảm bảo 100% học sinh trở lại lớp sau mỗi dịp nghỉ lễ, Tết luôn là một thách thức lớn đối với nhà trường.

"Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi phải đi 'gọi' học sinh. Sau mỗi kỳ nghỉ Tết, một số em ngại quay lại trường, vì vậy giáo viên và cán bộ địa phương phải kiên trì vận động và thuyết phục các em. Trước ngày tựu trường, thầy cô đã phải có mặt tại điểm trường để vận động học sinh. Tuy nhiên, sau Tết, việc đưa các em đến lớp càng khó khăn hơn vì các em còn phải giúp gia đình làm nương rẫy và đường sá đi lại xa xôi.

Giáo viên vào bản vận động học sinh đến trường.

Giáo viên vào bản vận động học sinh đến trường.

Thầy cho biết, trong dịp Tết, nhà trường đã phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ và các ban ngành địa phương để vận động học sinh đảm bảo sĩ số 100%. Các giáo viên cũng được cử vào sớm để vận động phụ huynh cho các em đi học đầy đủ. "May mắn thay, không có em nào nghỉ học vì đi làm ăn xa hay lấy vợ, lấy chồng, nhưng tình hình vẫn còn nhiều lo ngại," thầy Tân nói thêm.

Được biết, không chỉ tại xã Xa Mật, mà các giáo viên Trường PT DTBT THCS Nhôn Mai, chính quyền địa phương còn đến các bản Huồi Cọ, Phá Mựt, Thăm Thẩm—những nơi có đông học sinh là con em đồng bào Mông—để vận động các em đến lớp.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn), học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú của hai xã Hữu Kiệm và Hữu Lập. Thầy Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, từ mùng 6 Tết trường bắt đầu dạy học. Tuy nhiên, từ mùng 4 Tết, ban giám hiệu và giáo viên đã có mặt ở trường để kết thúc kỳ nghỉ phép và chuẩn bị đón học sinh.

Nỗ lực của giáo viên vùng cao với mong muốn đưa học sinh trở lại lớp.

Nỗ lực của giáo viên vùng cao với mong muốn đưa học sinh trở lại lớp.

Thầy Đăng chia sẻ: "Hiện chỉ còn khoảng 15 em xin vắng học có phép. Với những em này, nhà trường đã giao cho giáo viên chủ nhiệm liên lạc, nắm rõ nguyên nhân vắng mặt và nhắc nhở các em sớm trở lại lớp."

Tuy nhiên, điều mà các thầy cô giáo lo ngại nhất là sau kỳ nghỉ Tết dài, nhiều học sinh đi chơi xuân rồi quên mất đường về trường. Lo lắng hơn cả là những em học sinh cuối cấp, bị gia đình bắt ở nhà để kết hôn, không thể tiếp tục việc học.

"Ngay từ đầu năm, nhà trường cùng các già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng tổ chức vận động các gia đình, nhắc nhở các cháu đi học ngay sau Tết, không được kết hôn sớm hay tảo hôn. Nhiều năm qua, nhờ sự chủ động này mà nhà trường hạn chế được tình trạng học sinh nghỉ học để lập gia đình sớm và sinh con," thầy hiệu trưởng nói thêm.

Được biết, bắt đầu từ ngày 3/2, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An chính thức bắt đầu dạy và học bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Để việc dạy học nhanh chóng ổn định sau Tết, đồng thời hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, trong suốt dịp Tết, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các phòng giáo dục và đào tạo địa phương đã ban hành văn bản yêu cầu các nhà trường tăng cường các giải pháp để huy động học sinh trở lại lớp, đảm bảo duy trì tỷ lệ chuyên cần cao.

Hoàng Trinh

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/sau-tet-nguyen-dan-giao-vien-vung-cao-bang-doi-vuot-nui-goi-hoc-sinh-den-truong-172250205092717554.htm