Nỗ lực phát triển giao thông nông thôn
ĐBP - Những năm gần đây, bộ mặt nông thôn tỉnh ta ngày càng đổi mới, khởi sắc bằng việc gắn phát triển hạ tầng giao thông nông thôn với Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM). Kết cấu hạ tầng giao thông từng bước hoàn thiện, kết nối rộng từ quốc lộ, tỉnh lộ đến các thôn, bản.
Người dân bản Pá Chả, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) chung sức tham gia làm đường nông thôn mới.
Ông Trần Thanh Kiên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết: Khi bắt đầu triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM, số xã đạt tiêu chí về giao thông tương đối thấp. Trong khi đó, do đặc thù là tỉnh miền núi, địa hình hiểm trở, dốc ngang lớn nên suất đầu tư bình quân cho 1km đường là rất lớn.Ngoài ra, mật độ dân cư còn thưa thớt, trải rộng, tỷ lệ số người hưởng lợi trên 1km đường nhỏ dẫn đến việc xã hội hóa để xây dựng công trình khó khăn. Tỉnh còn nhiều xã đặc biệt khó khăn,cơ sở hạ tầng kỹ thuật chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp; dân cư sinh sống phân tán, trình độ dân trí thấp. Mặt khác là những biến động tăng cao về giá cả; nguyên, nhiên liệu đã ảnh hưởng không ít tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Xác định rõ khó khăn trong xây dựng và hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, ngành GTVT đã chủ động “chung tay” cùng các địa phương trong tỉnh từng bước hoàn thiện các chỉ tiêu đặt ra. Sở đã tích cực hướng dẫn quy hoạch, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống giao thông cơ sở; quản lý bảo trì trên các tuyến đường được giao ủy thác quản lý nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Đồng thời lồng ghép các nguồn vốn để tăng thêm nguồn đầu tư phát triển các tuyến giao thông đến trung tâm xã, đường thôn, bản đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn theo quy định.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh việc kết nối hệ thống giao thông nông thôn với quốc lộ, đường tỉnh được quản lý theo các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Toàn tỉnh hiện có 53 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông; dự kiến hết năm 2021, có 56 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng NTM.
Chung tay cùng với ngành GTVT, các sở, ngành, địa phương và người dân đã tích cực vào cuộc thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn. Đặc biệt là phong trào đóng góp ngày công lao động, hiến đất của nhân dân để phục vụ làm đường giao thông nông thôn. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, Sở GTVT đã chủ động tham mưu với cấp có thẩm quyền huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đến nay 109/115 xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại thuận tiện. Đối với hệ thống cầu dân sinh theo dự án LRAMP, Điện Biên được đầu tư 72 công trình cầu dân sinh với tổng mức đầu tư 247 tỷ đồng. Đến nay 57 cầu đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng; 15 cầu đang triển khai sẽ hoàn thành trong năm 2021. Các công trình sau khi hoàn thành góp phần phát triển mạng lưới giao thông đường bộ địa phương; giúp nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới đi lại thuận tiện, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, nâng cao đời sống.
Với những nỗ lực của các cấp, ngành và đóng góp to lớn của nhân dân, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có bước “đột phá”. Mạng lưới mở rộng, chất lượng ngày càng được nâng cao và đồng bộ; nhiều tuyến đường đã có đầy đủ rãnh thoát nước, đèn chiếu sáng, biển tên đường, biển báo giao thông, trồng hoa, cây xanh... mang lại diện mạo mới cho vùng nông thôn.