Nỗ lực phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm

Trong những năm qua, công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, trong năm 2021, công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm tiếp tục được các ngành, đoàn thể, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc và đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…

Thực trạng

Tính đến nay, Bình Thuận có khoảng hơn 3.300 người nghiện có hồ sơ quản lý, 109/124 xã, phường, thị trấn có người nghiện cũng như vi phạm pháp luật về ma túy, chiếm 87,9% tổng số xã, phường, thị trấn của tỉnh. Trên thực tế số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý chưa phản ánh được hết tình hình ma túy trên địa bàn tỉnh, bởi tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng với diễn biến phức tạp. Đối với tệ nạn mại dâm, trong những năm qua, Bình Thuận được xem là một trong những trung tâm du lịch đã và đang phát triển trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Theo đó, nhiều loại hình dịch vụ ăn uống, giải trí, lưu trú như nhà hàng, khách sạn, nhà trọ, nhà nghỉ, quán bar, karaoke, massage, hớt tóc máy lạnh… cũng phát triển rất nhanh để phục vụ du khách. Tình hình trên đã tạo điều kiện cho việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng đó cũng là môi trường thuận lợi để các loại tệ nạn xã hội hoạt động, phát triển, nhất là tệ nạn mại dâm. Hiện nay, tình hình mại dâm trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, địa bàn hoạt động rộng, hình thức hoạt động ngày càng tinh vi, xảo trá gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc triệt phá, quản lý địa bàn, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đối với HIV/AIDS, tính đến nay lũy tích số người nhiễm HIV được phát hiện trên địa bàn tỉnh trên 6.500 người và nguy cơ lây nhiễm vẫn còn tiềm ẩn trong cộng đồng, nhất là nguy cơ lây nhiễm qua đường tình dục, ở nam giới, lứa tuổi trẻ và trung niên.

Chung tay để đẩy lùi

Trước tình trạng người nghiện ma túy ngày càng gia tăng, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy thuộc Công an tỉnh đã tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo Nghị định 111 và Nghị định 221 của Chính phủ, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi phải tiến hành thường xuyên, liên tục để góp phần kéo giảm tội phạm và vi phạm pháp luật tại địa phương. Qua đó lấy hiệu quả công tác phòng chống ma túy trên địa bàn là một trong những tiêu chí để kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cấp ủy và người đứng đầu các đơn vị, địa phương hàng năm… Đối với tệ nạn mại dâm, quan điểm của tỉnh là thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, kinh tế - xã hội, hành chính, hình sự và các biện pháp khác trong phòng chống tệ nạn mại dâm. Lấy phòng ngừa là trọng tâm trong công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, kết hợp phòng chống tệ nạn mại dâm với phòng chống tệ nạn ma túy và phòng chống nhiễm HIV/AIDS. Phát huy tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở trong công tác phòng chống mại dâm. Mục tiêu là tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mại dâm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong công tác phòng chống mại dâm, tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội để hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Để đẩy lùi nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, ngành y tế của tỉnh đã quan tâm, triển khai nhiều hoạt động phòng chống HIV/AIDS và tập trung vào mục tiêu chính là giảm người nhiễm mới HIV, giảm người chết do AIDS để dần tiến tới mục tiêu “3 không”. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động tư vấn phòng chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế, tăng cường công tác xét nghiệm HIV. Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2022, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm theo phương châm hướng về cơ sở, tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, mại dâm, các nhóm nguy cơ cao. Tăng cường sử dụng mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền, duy trì, phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Đa dạng và mở rộng xét nghiệm HIV, đặc biệt là xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm HIV. Mở rộng triển khai thí điểm cấp thuốc methadone nhiều ngày, mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV (PrEP). Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham mưu thường trực và lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy, triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch, phương án đấu tranh phòng chống ma túy trên tuyến trọng điểm…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/no-luc-phong-chong-hiv-aids-ma-tuy-mai-dam-97079.html